Kích cho vay tín dụng ngoại tệ

Nắm bắt được nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa trong những tháng cuối năm, các NHTM đã giới thiệu hàng loạt gói tín dụng ưu đãi ngoại tệ dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nắm bắt được nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa trong những tháng cuối năm, các NHTM đã giới thiệu hàng loạt gói tín dụng ưu đãi ngoại tệ dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nguồn cung dồi dào

Đầu tháng 7 Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thông báo cấp hạn mức 120 triệu USD cho VietinBank nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Phía VietinBank cho biết khoản vay này sẽ là nguồn hỗ trợ đắc lực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tổ chức Tài chính Phát triển Hà Lan (FMO) cũng đã ký thỏa thuận tín dụng với NHTMCP Quốc tế (VIB). Theo đó, FMO cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi cho VIB theo chương trình tài trợ thương mại toàn cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á.

VIB khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp VIB có được nguồn vốn dồi dào để triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với hạn mức cao nhằm cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là các ngành xuất khẩu chủ chốt có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất. Nhiều NHTM cũng đã triển khai các gói tín dụng ngoại tệ ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Như Sacombank ngoài các gói vay ưu đãi bằng tiền đồng, đã triển khai nhiều gói vay ngoại tệ ưu đãi trị giá 90 triệu USD; ACB dành 50 triệu USD để triển khai chương trình “Tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất khẩu - Giai đoạn 4”… Các NHTM khác cũng liên tục giới thiệu đến doanh nghiệp dịch vụ bao thanh toán xuất khẩu với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.

Doanh nghiệp chỉ vay ngoại tệ khi có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai và chỉ nên vay kỳ hạn ngắn, tránh thời hạn trả nợ vào những tháng cuối năm áp lực cầu ngoại tệ tăng cao, gây khó cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 6 tháng cuối năm 2013, lĩnh vực xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều thách thức nhưng dự báo sẽ có những cú nhảy vọt.

Do thị trường trong nước chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất rất lớn. Theo tổng giám đốc một công ty dệt may ở quận Tân Phú (TPHCM), áp lực cầu ngoại tệ đã xuất hiện từ tháng 4 đến nay khi nhập siêu tăng trở lại khiến tỷ giá tăng lên, cùng với việc NHNN tăng tỷ giá 1%, thị trường ngoại tệ đã nóng lên.

Hiện doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với hàng loạt khó khăn như mua ngoại tệ từ các NHTM khó khăn và không đúng giá niêm yết, còn mua ngoại tệ trên thị trường tự do giá lại quá cao. Do vậy, các doanh nghiệp đang kỳ vọng đến các gói vay ngoại tệ lãi suất ưu đãi ngắn hạn để có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, sau khi xuất khẩu sẽ trả cho NH.

Cân nhắc vay ngoại tệ

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống NH tăng lên nhưng cho vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là USD lại giảm khá mạnh. Trong đó, cho vay ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn TPHCM có mức giảm đến 14,9% trong 6 tháng đầu năm 2013. Đây là bước đi phù hợp với chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa.

Sự giảm sút này được cho do NHNN áp dụng quy định mới về khoản vay ngoại tệ trong năm nay và doanh nghiệp chuyển sang vay tiền đồng vì lãi suất giảm. Tuy nhiên, thực tế, cầu ngoại tệ để mua nguyên phụ liệu của doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Trong các văn bản ban hành gần đây, NHNN đã chỉ đạo NHTM thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng thời ưu tiên triển khai các gói tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giúp doanh nghiệp bật dậy.

Đại diện của NHTMCP Quân đội (MB) khẳng định trong thời gian tới MB tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tín dụng, thanh toán và các dịch vụ có liên quan thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất khẩu.

Trước nhu cầu ngoại tệ đang tăng, một số NHTM lớn cũng khẳng định sẽ đáp ứng đủ cho doanh nghiệp để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tới đây các NHTM sẽ cùng đối thoại để tìm ra phương án hợp lý giúp nguồn ngoại tệ ưu đãi được phân bổ đồng đều và hợp lý, thiết thực giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ các đơn hàng từ nhà nhập khẩu trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù vay ngoại tệ chi phí lãi vay vẫn còn thấp, nhưng doanh nghiệp cũng cần cân nhắc khi vay vốn bằng ngoại tệ bởi sốc tỷ giá dù NHNN tuyên bố sẽ ổn định nhưng giá ngoại tệ còn tùy thuộc vào giá thế giới và yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước.

Hơn nữa, lãi suất VNĐ trong thời qua đã giảm sâu, chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ không quá lớn, doanh nghiệp nên chuyển dần qua vay vốn bằng VNĐ để tránh những cú sốc về tỷ giá từ bên ngoài Việt Nam (nếu có).

Đặc biệt, có nhiều NHTM có thế mạnh về xuất khẩu như Eximbank, VCB hiện có chính sách cho vay tiền đồng lãi suất chỉ 5-6%/năm, ngang bằng với lãi suất cho vay ngoại tệ từ trước đến nay trên thị trường. 

Các tin khác