Căng thẳng Sự sống
Trong vở Sự sống (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Mi Lê) của Công ty TNHH Đào tạo thông tin và giải trí HN Media, câu chuyện kịch xoay quanh xóm trọ của những người nghèo, công nhân, xe ôm, người làm việc theo thời vụ… Ở đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, trong căn phòng trọ nhỏ, chồng Ngọc ngồi bó chân ở góc nhà nhìn vợ đang mang bầu với tâm trạng lo lắng. Anh thất nghiệp, số tiền để dành đi sinh con buộc phải lấy ra dùng vì không còn khoản thu nhập nào lo cho cuộc sống. Rồi dịch bệnh lây lan nhanh, mọi người phải ở trong nhà.
Căn phòng trọ nhỏ thiếu thốn đủ thứ, nhất là cái ăn hàng ngày, nên không khí càng thêm ngột ngạt, bức bối. Đến một lúc, không gian bó hẹp của bốn bức tường và sự thiếu thốn khiến chồng Ngọc cùng quẫn, anh bị khủng hoảng tinh thần. Hai vợ chồng bắt đầu lục đục, to tiếng, tình cảm sứt mẻ…
Lúc này, các cấp chính quyền vừa phòng chống dịch vừa thực hiện công tác hỗ trợ người dân, qua việc tiếp tế lương thực thực phẩm, chuyển tiền, để người dân từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Bà tổ trưởng tổ dân phố tuy lớn tuổi nhưng cũng xông xáo tham gia vào Tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng, đi phát lương thực, tiền hỗ trợ từng hộ. Với Ngọc, bà còn cho thêm một số thực phẩm dành cho thai phụ…
Cái kết của câu chuyện là sự chia ly không ai mong muốn: chồng Ngọc mất vì Covid-19. Hũ cốt của chồng được lực lượng chuyên trách đưa về nhà, Ngọc đau đớn ôm đứa nhỏ mới sinh trên tay mà chết lặng, chỉ có nước mắt tuôn rơi… Hình ảnh ấy đã khiến bao người xem không thể cầm lòng xúc động, bởi nó thực tế, hiển hiện như chính cuộc đời của bất cứ ai vừa từng trải qua.
Chị Hoàng Nguyên, ngụ quận 10, chia sẻ: “Tôi đã khóc khi thấy được hình ảnh chính mình và nhiều người thân trong vở diễn. Từng hình ảnh tái hiện chân thật quãng thời gian dịch bệnh diễn ra tại TPHCM làm ai cũng rưng rưng cảm xúc. Vở kịch thật sự đã chạm đến trái tim của tôi và nhiều người”.
Trong một số khoảnh khắc, khán giả còn thấy nhiều hình ảnh thực tiễn được khéo léo đưa vào trong tác phẩm như: nhân vật nữ thường xuyên không đeo khẩu trang khi ra đường, hay lớn tiếng tranh cãi với bà con chòm xóm, với lực lượng làm công tác phòng chống dịch bệnh; anh cảnh sát khu vực lấy tiền riêng của mình để trả bớt một phần tiền nợ nhà trọ cho những người nghèo trên địa bàn anh quản lý…
Tri ân những “thiên thần áo trắng”
Vở kịch Blouse trắng (tác giả Miên Thảo, đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến - NSƯT Trịnh Kim Chi) của Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi khai thác một góc nhìn khác đối với tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, đó là những khoảnh khắc tâm lý rất riêng bên trong những chiếc áo blouse trắng của các y, bác sĩ tại bệnh viện dã chiến.
Ở đây, các bác sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng… chuyên tâm trực chiến, tích cực chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, sẵn sàng hy sinh, gạt bỏ niềm hạnh phúc riêng tư để toàn tâm lo cho việc chung của xã hội, của đất nước. Đã có rất nhiều y, bác sĩ không thể về nhà trong suốt mấy tháng liền, không thể chăm lo chồng con, cha mẹ già yếu.
NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, tôi đã tham gia cùng lực lượng tuyến đầu hỗ trợ bà con. Từ đây, tôi thấy được những hình ảnh thực tế và ấp ủ đề tài này. Tôi làm việc với tác giả, và đến tháng 10-2021 thì làm việc cùng đạo diễn. Trong hai tháng ròng rã, anh em diễn viên lên sàn tập vở, gắn liền với tuân thủ 5K…
Tuy vất vả và tốn kém, nhưng vì ý nghĩa của câu chuyện muốn chuyển tải đến người xem nên cả ê kíp ai cũng nỗ lực, cố gắng hết mình. Với giá trị thực tiễn của câu chuyện kịch, tôi rất mong được các cấp, các ngành tạo điều kiện để vở kịch có thể diễn phục vụ tại các quận, huyện trong thành phố, lan tỏa thông điệp tốt đẹp về ngành y, tri ân lực lượng bác sĩ, lực lượng tuyến đầu đã dốc hết sức làm việc, phòng chống dịch, chữa trị bệnh nhân…”.
Những câu chuyện thời sự được các ê kíp làm sân khấu nỗ lực thực hiện, dàn dựng và hoàn thành trong thời gian vừa qua với mong muốn đem đến một không gian giải trí mang đậm tính thực tế cho khán giả. Điều đó cũng thể hiện sự mạnh dạn, biết chọn lọc, tiếp nhận và phản ánh các vấn đề thực tiễn của những người làm nghệ thuật.
Theo NSND Trần Minh Ngọc: “Đề tài thời sự không dễ làm, dễ dựng. Hai vở diễn này được các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa chú trọng đầu tư và nội dung chân thực của vở đã chạm được đến cảm xúc của người xem bởi tính thời sự của nó. Với hai vở kịch mang đậm dấu ấn cuộc sống như thế, chúng ta cần tạo thêm điều kiện để tác phẩm đến được với công chúng nhiều hơn”.