Vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng
Năm 2017 hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54% vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016); đạt xấp xỉ các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 (38-40%).
Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77% (tăng 2% so với năm 2016); quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38% (tăng 3% so với năm 2016); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4% (tăng 0,4% so với năm 2016).
Ngành xây dựng phải tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn nữa trong cơ cấu lại ngành xây dựng, phấn đấu tăng trưởng 9,2% trong năm 2018 và đóng góp nhiều hơn trong công cuộc đưa Việt Nam trở thành “con hổ mới” của châu Á. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Cùng với đó, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5% (tăng 1% so với 2016). Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85,5% (tăng 0,5% so với 2016). Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23% (giảm 0,5% so với 2016). Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2016. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 81 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2016, đạt 100% kế hoạch năm.
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng được đơn giản và rút ngắn. Chỉ số cấp phép xây dựng (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) xếp hạng 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra xây dựng được tăng cường. Cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 28.632 lượt công trình. Số công trình vi phạm giảm 13,2%; công trình sai phép giảm 5,1%; công trình không phép giảm 1,85% so với năm 2016.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch và hoạt động xây dựng đô thị, đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng; 51/63 địa phương triển khai thực hiện lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã công nhận phân loại cho 12 đô thị, các địa phương đã thẩm định, công nhận đối với 11 đô thị loại V.
Toàn quốc hiện có 813 đô thị (tăng 11 đô thị loại V so với năm 2016), bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016).
Thị trường phát triển đúng hướng
Thị trường phát triển đúng hướng
Thị trường BĐS năm qua tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Hiện có hơn 3.000 dự án đang triển khai với vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, sử dụng gần 80.000ha đất. Sự phát triển ổn định của thị trường BĐS thể hiện ở 3 yếu tố.
Thứ nhất, giao dịch năm 2017 tăng mạnh so với 2016. Tính riêng thị trường Hà Nội và TPHCM năm qua đã có 64.000 giao dịch so với các năm 2015 và 2016 chỉ hơn 40.000 giao dịch. Tuy lượng giao dịch tăng nhưng giá cả lại tương đối ổn định, chỉ tăng dưới 5% ở tất cả phân khúc. Đặc biệt, tính thanh khoản của nhà ở thương mại giá rẻ rất tốt.
Khảo sát của Hiệp hội BĐS Việt Nam ở Hà Nội và TPHCM, cho thấy các dự án nhà ở đều bán hết trong 23 tháng, riêng nhà thương mại giá rẻ bán hết trong vòng 6 tháng. Một tín hiệu tích cực khác là dư nợ tín dụng BĐS có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến quý III-2017, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 447.000 tỷ đồng, chiếm 6-8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn.
2017 được xem là năm thành công của thị trường bất động sản, 2018 nhiều nhận định cho rằng tiếp tục khởi sắc. Ảnh: P.LONG
Đặc biệt, năm 2017 các chương trình nhà ở xã hội đã được nhiều địa phương tích cực triển khai, như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.
Năm 2017 cả nước có thêm 5 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô khoảng 1.225 căn; 16 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 5.200 căn hộ. Ngoài ra, chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã có 89/95 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 220.000 sinh viên, 6 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung 83%.
Tiếp tục tái cơ cấu thị trường
Tiếp tục tái cơ cấu thị trường
Năm qua Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương trên cả nước. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ (hơn 3 triệu m2) được xây dựng trước năm 1994, trong đó có trên 600 khối nhà thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm. Tuy nhiên, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thực hiện rất chậm. Bộ Xây dựng đã có báo cáo tổng hợp tình hình nêu trên, trong đó đã nêu rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.
Bộ này sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS; phối hợp với các địa phương rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hàng hóa các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê.
Về thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, hiện cả nước có khoảng 300 dự án có quy mô lớn 50-100ha. Bộ Xây dựng đã thực hiện điều tra, nghiên cứu về loại hình BĐS mới (condotel, officetel), báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất hướng giải quyết, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các loại hình BĐS này.