Kiểm toán Nhà nước bất ngờ ‘điểm tên’ các nhà băng...

(ĐTTCO) - Trong kết quả kiểm toán tổng hợp do Kiểm toán Nhà nước gửi lên Quốc hội mới đây, nhiều ngân hàng đã bị cơ quan này “điểm danh” vì nợ xấu cao, tín dụng vượt trần.

Cụ thể, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 5 tổ chức tài chính, NH, bảo hiểm.

KTNN đánh giá, với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung như: lĩnh vực bất động sản 15,37%, lĩnh vực chứng khoán 23,85%, lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp 17,65%. Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao nếu so với năm 2020 là 114,3% và năm 2021 là 113,2%.

Một số tổ chức tín dụng có tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN. Đơn cử, NH TMCP Bản Việt đã vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm 2021 khi được giao 13,48% nhưng thực hiện 15,67%. Hay Ngân hàng TMCP Phương Đông cũng vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm 2021 là ngày 31-7, 31-8, 30-9 và 31-10.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra một số TCTD đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Đơn cử, với NH TMCP Quân đội (MBBank) số dư khoản đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy tính đến ngày 31-12-2021 là 50 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%; đầu tư 33,96 tỷ đồng vào CTCP Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp), nhưng công ty hoạt động không hiệu quả từ năm 2009 và lỗ lũy kế tính đến ngày 31-12-2021 là 776 tỷ đồng.

Theo KTNN, nợ xấu tại nhiều ngân hàng nếu tính đúng hiện nay đã ở mức đáng báo động. Ảnh minh họa

Theo KTNN, nợ xấu tại nhiều ngân hàng nếu tính đúng hiện nay đã ở mức đáng báo động. Ảnh minh họa

Hay đối với NH Chính sách, vẫn còn nhiều trường hợp cho vay vượt hạn mức. Cụ thể, cùng một hộ gia đình nhưng có 2 người đứng tên vay vốn của cùng 1 chương trình như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 8,08 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 5,11 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 1,67 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NH Chính sách cũng tồn tại tình trạng cho vay đối tượng không phù hợp với tiêu chí của Chương trình cho vay giải quyết việc làm 114,72 tỷ đồng (đến thời điểm tháng 4-2022 đã thu hồi được 111,63 tỷ đồng). Điều này dẫn đến xác định số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước tăng thêm 0,97 tỷ đồng; có 478 khách hàng còn dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội nhưng chưa gửi đủ tiền tiết kiệm hàng tháng tại hệ thống NH Chính sách theo quy định.

Báo cáo của KTNN cũng nêu tên nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu cao, việc xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của NHNN khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái).

Nếu tính toán, xác định lại, KTNN cho rằng một số TCTD không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. KTNN dẫn chứng tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tại một số NH ở mức cao như NH TMCP Sài Gòn Thương tín ở mức 8,41%...

Đặc biệt, KTNN cũng đề cập đến vai trò và trách nhiệm của NHNN trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, NHNN chưa thực hiện thanh tra chuyên đề việc thực hiện phương án cơ cấu lại đối với các TCTD, một số bộ, ngành chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được giao tại Đề án.

Theo KTNN, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện ảnh hưởng đến mục tiêu, kết quả Đề án như: việc phê duyệt, ban hành, phương án cơ cấu lại còn chậm, trong khi một số TCTD chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện một số mục tiêu đề ra tại phương án tái cơ cấu.

Các tin khác