GS Trần Ngọc Thơ giải mã bí mật đằng sau sự đặc biệt và huyền bí của các nhà băng

(ĐTTCO) - Khủng hoảng ngân hàng mỗi quốc gia có thể khác nhau, nhưng có mẫu số chung là các nhà băng dùng mức độ đòn bẩy sử dụng nợ rất cao và mức độ mù mờ của nó. 

GS Trần Ngọc Thơ giải mã bí mật đằng sau sự đặc biệt và huyền bí của các nhà băng

ĐTTC đã có nhiều thông tin và phân tích về các vụ phá sản ngân hàng Mỹ và những bài học cho Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về bản chất của hệ thống ngân hàng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với GS. TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - GS có thể nói một góc nhìn dễ hiểu nhất về khủng hoảng ngân hàng hiện nay là từ đâu?

GS. TRẦN NGỌC THƠ: - Thực ra khủng hoảng ngân hàng với điều kiện mỗi quốc gia có thể khác nhau, nhưng có mẫu số chung giống nhau là các nhà băng dùng mức độ đòn bẩy sử dụng nợ rất cao và mức độ mù mờ của nó. Cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, người ta đi tìm một giải pháp “vĩnh cửu” để nó không lặp lại. Thế nhưng không có giải pháp nào giải quyết tận gốc 2 vấn đề “đòn bẩy và sự mù mờ” của các nhà băng.

Có thể nhìn các ngân hàng Mỹ và các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt hay yếu kém của Việt Nam. Suy cho cùng các vấn đề dẫn đến thất bại ngân hàng cả Mỹ lẫn Việt Nam là 2 vấn đề: không đủ vốn và quá mù mờ.

- Vậy theo GS các cơ quan quản lý và các nhà phản biện chính sách có nhìn thấy vấn đề này không?

- Đứng ở góc nhìn là người Việt Nam và quan sát hoạt động ngân hàng nước nhà, tôi có thể diễn giải từ quyển sách của GS. Anat Admati, Đại học Stanford và Martin Hellwig, Viện Kinh tế Đức, về những cách hiểu chưa chính xác trong lĩnh vực ngân hàng, là lý do dẫn đến thất bại của các nhà băng. Quyển sách ẩn dụ hệ thống ngân hàng giống như câu chuyện cổ tích của Andersen về “Bộ quần áo tàng hình của Hoàng đế”.

Khủng hoảng ngân hàng mỗi quốc gia có thể khác nhau, nhưng có mẫu số chung giống nhau là các nhà băng dùng mức độ đòn bẩy sử dụng nợ rất cao và mức độ mù mờ của nó. Các vấn đề dẫn đến thất bại ngân hàng cả Mỹ lẫn Việt Nam là 2 vấn đề: không đủ vốn và quá mù mờ.

Chuyện kể, có 2 thợ may thuyết phục Hoàng đế, rằng họ có khả năng dệt nên những bộ quần áo đẹp rất đặc biệt, với tuyên bố bộ quần áo tinh xảo đến mức sẽ vô hình đối với những người thiếu hiểu biết cho dù có đứng gần.

Hoàng đế đặt mua bộ quần áo đặc biệt nhưng cử các quan giám sát các thợ may, và họ không nhìn thấy gì đặc biệt, nhưng vì sợ bị coi là thiếu hiểu biết hoặc bất tài, nên ca ngợi sự lộng lẫy của quần áo vô hình và các loại vải không tồn tại đã được tạo ra. Và khi Hoàng đế “mặc" vào đi thăm viếng kinh thành, đám đông cũng ngưỡng mộ trang phục, mặc dù không ai nhìn thấy gì. Chỉ khi một đứa trẻ hét lên “Hoàng đế không có quần áo!”, thì mọi người mới nhận ra.

Câu chuyện ẩn dụ trên cho chúng ta thấy, tuy thường xuyên tiếp xúc hàng ngày với ngân hàng nhưng lại không hiểu hoặc thiếu những công cụ pháp lý để hiểu rõ ngân hàng đang gặp phải những rủi ro gì, cho đến một ngày “bộ quần áo đặc biệt” không tàng hình như chúng ta nghĩ.

GS Trần Ngọc Thơ giải mã bí mật đằng sau sự đặc biệt và huyền bí của các nhà băng ảnh 1

Thế nhưng, lý do chính cho sự thành công và cả thất bại ngân hàng là con người đang quá ngụy biện về nó. Cho rằng các ngân hàng rất đặc biệt và khác biệt với tất cả các công ty và ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế. Bất cứ ai thắc mắc hoạt động của các nhà băng đều có nguy cơ bị tuyên bố là không đủ năng lực để tham gia vào cuộc thảo luận.

Và cũng lợi dụng sự đặc biệt này, các chủ nhà băng mặc dù chỉ bỏ ra một số vốn cực thấp, nhưng đã tích lũy khối tài sản khổng lồ cùng với nhiều đặc quyền đặc lợi không khác gì các vị vua để đủ sức chi phối bất kỳ ai. Nói thẳng ra nhóm lợi ích ngân hàng và các vấn đề kinh tế-chính trị của nó quá khủng khiếp để không ai dám thách thức.

- Thưa GS, chúng ta hãy quay lại 2 vấn đề lớn nhất dẫn đến thất bại của các nhà băng: thiếu vốn và rất mù mờ mà GS đã đề cập?

- Để hiểu rõ hơn vấn đề này, trước hết chúng ta cần làm rõ thế nào là khái niệm “vốn ngân hàng”. Đây cũng là cách tiếp cận của GS. Anat Admati và Martin Hellwig khi bàn về việc vì sao nhà băng luôn gặp khủng hoảng. Thực ra chúng ta tưởng khái niệm vốn là đơn giản. Nhưng đối với ngân hàng khái niệm vốn hơi đặc biệt và đây là điều gây nhầm lẫn nhiều nhất, cũng như tạo thêm nhiều sự huyền bí trong ngành ngân hàng.

Lấy thí dụ, tôi muốn mua một ngôi nhà trị giá 300 tỷ đồng. Do không có đủ tiền trả ngay một lúc, chỉ có thể trả trước 10% giá trị căn nhà là 30 tỷ đồng, nên buộc phải đi vay ngân hàng 270 tỷ đồng còn lại bằng cách thế chấp căn nhà.

Có thể hình dung việc tôi mua nhà thông qua sơ đồ cân đối kế toán đơn giản: Bên tay trái đại diện cho tài sản của tôi có giá 300 tỷ đồng. Bên tay phải đại diện cho các nguồn tài chính căn nhà bao gồm khoản thế chấp 270 tỷ đồng và khoản thanh toán trước 30 tỷ đồng. Sự khác biệt giữa giá trị của ngôi nhà và giá trị những gì tôi nợ gọi là vốn chủ sở hữu (CSH) của tôi trong ngôi nhà. Còn vốn ngân hàng hay còn có tên gọi chính xác là vốn chủ nhà băng.

GS Trần Ngọc Thơ giải mã bí mật đằng sau sự đặc biệt và huyền bí của các nhà băng ảnh 2

Từ đây bắt đầu phát sinh: giả dụ tôi là chủ ngân hàng, 30 tỷ đồng tiền thanh toán trước của tôi bây giờ gọi là vốn ngân hàng, tức vốn CSH của tôi là 30 tỷ đồng, và 270 tỷ đồng nợ ngân hàng lấy từ tiền gửi của dân.

Và điều gì sẽ xảy ra nếu ngôi nhà giảm giá trị sau đó? Giả sử giá trị giảm 5% xuống còn 285 tỷ đồng. Sau khi trừ 270 tỷ đồng, ngân hàng chỉ còn lại 15 tỷ đồng vốn CSH. Như vậy chỉ cần giá nhà giảm 5% đã quét sạch vốn CSH 50%. Nếu giá nhà giảm 10% sẽ ăn hết 100% vốn CSH, và nếu giá nhà giảm trên 10% ngân hàng sẽ bị âm vốn CSH. Thuật ngữ chuyên môn gọi là mất khả năng thanh toán, ở Việt Nam có khái niệm ngân hàng 0 đồng. Thực ra nếu gọi chính xác phải là ngân hàng âm đồng.

Theo quy tắc kế toán hiện hành, nếu chỉ nhìn vào số liệu kế toán chúng ta sẽ không thấy được ngân hàng đang bị sụt giảm mạnh vốn CSH hoặc thậm chí đang âm vốn. Đó cũng là trường hợp của ngân hàng SVB bên Mỹ phá sản.

Đây chỉ là một thí dụ nhỏ cho thấy vay mượn đã phóng đại rủi ro như thế nào. Chỉ cần 1 sự sụt giảm nhỏ trong giá trị tài sản khoảng 10% cũng có thể ăn hết vốn CSH.

Nhưng cũng chỉ cần giá nhà tăng nhẹ cũng có thể lời gấp hàng chục lần. Đó là sự thú vị đam mê, nhưng cũng đầy nguy hiểm của nghề làm ngân hàng và đòn bẩy ngân hàng. Nhưng rất tiếc, so với khu vực doanh nghiệp sản xuất, nó cũng lại ít bị điều tiết nhiều nhất.

- Vậy theo GS, thực trạng vốn CSH hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện như thế nào?

- Thí dụ trên cho thấy, vốn ngân hàng là một khái niệm động và phụ thuộc hoàn toàn vào rủi ro mà ta chưa biết trước. Ngay lúc tôi vay mượn vốn ngân hàng của tôi là 30 tỷ đồng. Nhưng sau đó đủ thứ rủi ro chưa biết xuất hiện làm giá nhà sụt giảm, ngay lập tức vốn CSH cũng giảm theo. Trong thực tế, điều này không tạo ra vấn đề lớn nếu ngân hàng không bán căn nhà ngay lập tức và người gửi tiền vẫn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng.

GS Trần Ngọc Thơ giải mã bí mật đằng sau sự đặc biệt và huyền bí của các nhà băng ảnh 3

Và thực ra đây chỉ là những khoản lỗ trên giấy. Bởi các quy tắc kế toán hiện hành không phản ảnh khoản lỗ này nếu nó được nắm giữ đến ngày đáo hạn. Vì vậy nếu chỉ nhìn vào số liệu kế toán, chúng ta sẽ không thấy được ngân hàng đang bị sụt giảm mạnh vốn CSH hoặc thậm chí đang âm vốn.

Đó cũng là trường hợp của ngân hàng SVB bên Mỹ phá sản với khoản lỗ chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn 15,1 tỷ USD, gần bằng với 16 tỷ USD vốn CSH trước khi phá sản. Như vậy trước khi phá sản vào tháng 3 năm nay, SVB gần như là ngân hàng 0 đồng, nhưng vẫn báo cáo lợi nhuận khá tốt. “Hoàng đế” hầu như khỏa thân nhưng tại sao không ai thấy? Đến đây câu hỏi nhức nhối được đặt ra “các cơ quan quản lý đang ở đâu”?

Trở lại câu hỏi liệu vốn CSH hệ thống ngân hàng của chúng ta đang ở mức nào, thực hư ra sao, ắt chỉ có cơ quan quản lý là NHNN nắm rõ nhất. Hy vọng như thế! Nhưng những sự kiện chấn động trên thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua cho thấy, đối với các ngân hàng thân thiện với BĐS, chỉ cần một sự sụt giảm nhỏ trong giá tài sản, rủi ro sẽ rất lớn.

Tôi đang lo lắng những chính sách mở đường cho các nhà băng tăng mua vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo ra những hệ lụy.

- Nói như vậy thị trường BĐS nước ta thời gian qua sụt giảm khá sâu, những nhà băng nào cho vay BĐS nhiều sẽ càng chấp nhận rủi ro?

- Trong thí dụ vay thế chấp căn nhà vừa nói trên, nếu giá tài sản giảm nhiều hơn 10%, có khả năng tôi sẽ không còn động lực trả nợ cho ngân hàng nữa. Nếu giá nhà giảm thêm 5%, tôi chỉ có thể trả nợ cho ngân hàng nếu tôi tìm ra một cơ hội sinh lợi 50% trên vốn CSH. Đây là điều không tưởng.

Vậy tôi phải làm gì? Làm đúng quy định điều này là không thể. Vậy là ngân hàng phải chơi trò chơi rủi ro, thậm chí làm sai luật pháp, tức đầu tư vào các dự án rủi ro thay vì cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Thế thì chỉ còn cách đặt cược vào BĐS để mong sự hồi sinh. Và bằng một cách nào đó, liệu các nhà băng lại mua tiếp TPDN của chính các DN BĐS?

- Vậy giải pháp trước mắt các nhà băng cần phải tăng vốn nhiều hơn?

- Tạm thời tôi không bàn chuyện Chính phủ cứu hay không cứu ngân hàng, và luật pháp phải cải tiến như thế nào để tránh sân sau của các chủ nhà băng. Nhưng trước hết cần nhìn nhận 2 vấn đề.

Thứ nhất, pháp luật hiện nay quy định các chủ ngân hàng có trách nhiệm hữu hạn. Điều này khiến cho ngân hàng lao vào mô hình kinh doanh chấp nhận rủi ro quá mức. Nếu thất bại chắc chắn sẽ lây lan sang toàn hệ thống và để lại hệ lụy khủng khiếp cho hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.

Thứ hai, để hạn chế các ông chủ ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức, cần phải tăng vốn cao thêm nữa. Sau cuộc khủng hoảng hàng loạt ngân hàng Mỹ, hầu như chắc chắn các nhà lập pháp sẽ buộc các chủ ngân hàng phải tăng vốn nhiều hơn nữa, thậm chí gấp đôi so với các quy định hiện tại. Nhiều đề xuất quốc tế cho rằng, các ngân hàng cần phải đủ vốn với tỷ lệ 30% vốn CSH cấp 1 trên tổng tài sản.

Với Việt Nam, ước tính sơ bộ của tôi cho thấy vốn CSH cấp 1 trên tổng tài sản các nhà băng Việt tầm khoảng vài phần trăm. Nó thật sự quá thấp. Ngoài ra, các quy định về các chỉ số thanh khoản nhà băng cũng cần được cải tiến và tăng cường mạnh hơn. Nếu chủ ngân hàng cảm thấy mình bị mất mát nhiều quá trong một cuộc chơi, họ sẽ hạn chế chấp nhận rủi ro quá mức.

- Thưa GS hầu hết nhà băng Việt đều tuân thủ Basel 2, một số tuyên bố tiệm cận Basel 3. Vậy điều này liệu có đủ ngăn các ngân hàng hạn chế chấp nhận rủi ro?

- Nhiều bình luận cho rằng, một trong những lý do dẫn tới khủng hoảng ngân hàng Mỹ hiện nay là do các quy định Basel quá phức tạp. Đến mức nó là câu chuyện riêng của các nhà toán học ở Ủy ban Basel chứ không phải của các chuyên gia. Các công thức quy định lượng vốn điều chỉnh rủi ro theo chuẩn Basel phức tạp đến mức “Hoàng đế” trong câu chuyện cổ tích của Andersen cũng không biết, hoặc không hiểu hết nhưng cứ giả vờ mình hiểu.

Còn các chuyên gia ngân hàng không dám nói gì vì sợ bị chê thiếu hiểu biết, bất tài, thiếu chuyên môn ngân hàng. Có những khái niệm toán học nghe rất siêu việt, nhưng thực ra trong thực tế ra sao vẫn không ai biết được. Chẳng hạn, quy định tính rủi ro thị trường cho các chứng khoán mà ngân hàng giao dịch, được tính ở mức kịch bản chịu đựng được rủi ro 1.000 năm mới xảy ra 1 lần.

Thế nhưng tại sao lại cứ hết khủng hoảng ngân hàng này đến khủng hoảng ngân hàng khác, theo chu kỳ 15 năm ở Mỹ lại xuất hiện một cuộc khủng hoảng lớn (gần nhất là 2008 và 2023).

Và cũng mới đây thôi, thất bại của SVB cũng chính là do họ giao dịch và nắm giữ quá nhiều TP chính phủ. Cuộc khủng hoảng này đã dạy cho ta bài học, thậm chí ngay cả TP chính phủ tuy là tài sản an toàn nhưng vẫn đầy rủi ro.

Trong khi đó, nhìn lại Việt Nam tôi thấy NHNN đang lấy ý kiến về đề xuất hạ hệ số rủi ro các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội để tính hệ số đủ vốn CAR khoảng 12-50%, thay vì ở mức 25-100% như hiện tại. Hãy cẩn thận với đề xuất này.

- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.

Sự thành công và cả thất bại ngân hàng là con người đang quá ngụy biện về nó, cho rằng các ngân hàng rất đặc biệt và khác biệt với tất cả các công ty trong nền kinh tế. Lợi dụng sự đặc biệt này, các chủ nhà băng có nhiều đặc quyền đặc lợi, tạo ra nhóm lợi ích ngân hàng.

--------

Kỳ tới: Phải thay "trang phục" cho các nhà băng

Các tin khác