Tính riêng trong khoảng chục năm trở lại đây, những vụ việc bê bối liên quan đến một số NHTM đều cho thấy có bóng dáng của sở hữu chéo trong đó.
Từ yếu tố lịch sử…
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết vấn đề kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong các NHTM sẽ là một trong những nội dung chính trong trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội sắp tới. Người đứng đầu NHNN cũng nhìn nhận, dù tình trạng sở hữu cổ phần, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với nhau, giữa TCTD với doanh nghiệp, đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong xử lý.
Nguyên nhân xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn, do cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến các tổ TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch. Cũng theo NHNN, hiện nay một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù mức độ sở hữu không vi phạm quy định của pháp luật song tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực tế, tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực NH ở Việt Nam đã tồn tại suốt nhiều thập niên qua, do cả yếu tố lịch sử để lại. Sau khi Việt Nam thực hiện đổi mới và mở cửa nền kinh tế năm 1986, mãi đến năm 1990-1993 mới bắt đầu có NH cổ phần. Thời điểm đó, nguồn vốn của các NH rất ít, nếu không liên kết giữa các NH với nhau sẽ không có vốn để cung ứng cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Vì vậy hình thức sở hữu chéo xuất hiện. Đặc biệt, trong giai đoạn 2005-2007, Việt Nam đã cho phép nâng cấp nhiều NH, mà một trong các yêu cầu quan trọng lúc đó là NH phải đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu, khoảng 1.000 tỷ đồng trở lên. Để có đủ số vốn tối thiểu ấy, nhiều NH phải liên kết mới có thể chia sẻ nguồn vốn (thông qua cổ phần) cho nhau.
Tuy nhiên, qua nhiều năm sở hữu chéo giữa các NHTM đã đưa đến nhiều hệ lụy như thiếu minh bạch, khó quản lý, làm gia tăng nợ xấu khi nguồn vốn sử dụng không hiệu quả, giảm tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt đã tạo ra sự thao túng và các NH “sân sau” do các doanh nghiệp lớn chi phối.
Việc thao túng NH thông qua sở hữu chéo hiện nay vẫn đang âm thầm diễn ra với những hình thức biến đổi tinh vi và phức tạp hơn. Có thể đó là hình thức gián tiếp qua nhiều kênh như doanh nghiệp A sở hữu NH B, và NH B lại sở hữu công ty C, trong khi công ty C lại cho doanh nghiệp D vay. Sự rắc rối này khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát được các mức độ sở hữu nhau.
Cần quy định trong luật rõ ràng
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN nêu rõ hiện nay đang có sự bất cập trong luật, như không có quy định về khái niệm đầu tư chéo. Cụ thể, pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định (Điều 126, 127, 128 Luật Các TCTD). Đây là “kẽ hở” các cá nhân, tổ chức “lách luật” để sở hữu chéo và thao túng.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ban hành đã đưa thuật ngữ “sở hữu chéo” thành thuật ngữ pháp lý, khi được đề cập đến lần đầu tiên tại Điều 189. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp khi đó không giải thích thế nào là sở hữu chéo, mà phải đến Nghị định 96/2015/NĐ-CP mới đưa ra định nghĩa: “Sở hữu chéo là việc đồng thời 2 doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau”.
Tiếp đó, năm 2020, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung) được ban hành nhưng tiếp tục kế thừa toàn bộ nội dung quy định “sở hữu chéo” như năm 2014, không giải thích thế nào là “sở hữu chéo”. Đáng chú ý, khi Nghị định 47/2021/NĐ-CP ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020, nghị định này đã loại bỏ hoàn toàn định nghĩa về “sở hữu chéo”.
Mới đây, trong dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD do NHNN trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thông qua và trình lên Quốc hội, NHNN đã bổ sung quy định với nội dung điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng không được vượt quá 5%, 15%, 20% theo luật hiện hành xuống còn 3%, 10% và 15%. Đây được xem là một trong những giải pháp để ngăn chặn sở hữu chéo và thao túng tại các NHTM.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thay vì giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, có thể giảm sự thao túng của cổ đông lớn thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT tối thiểu (được quy định tại Điều 62) từ 5 lên 7 hoặc 9 thành viên. Điều này sẽ khiến một cổ đông lớn hay nhóm cổ đông lớn không thể đề cử quá nhiều ứng viên để bầu thành viên HĐQT của TCTD.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi, bên cạnh việc có các giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề thao túng hoạt động NH, cần lưu ý sự ổn định của cơ cấu cổ đông lớn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các NHTMCP.
Thực tế cho thấy, những biến động trong thời gian qua về cơ cấu cổ đông tại các NH như Sacombank, Eximbank… đều ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của các NH này. Do đó, luật cũng cần đưa ra lộ trình phù hợp để các cổ đông hiện hữu thực hiện thoái vốn, tránh gây ra những “cú sốc” cho các NH và thị trường.
Với quy định vừa giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông/nhóm cổ đông lớn, vừa giảm tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn tự có cho khách hàng/nhóm khách hàng, kỳ vọng có thể giảm những hành vi thao túng hoạt động của NH nhằm phục vụ lợi ích cho công ty “sân sau” của các cổ đông chi phối.