Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn

(ĐTTCO) - Việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế kéo dài trong thời gian dài đã làm méo mó dòng vốn vào nền kinh tế. Các ngân hàng (NH) phát hành trái phiếu (TP) cho nhau như là cách để gia tăng quy mô, tín dụng và lợi nhuận…
Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn

 Trong khi đó, thị trường TP do doanh nghiệp (DN) phát hành nhận trái đắng, khi Chính phủ chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường này, đồng thời hạn mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, đã gây nhiều bất ổn cho hoạt động DN.

Cho vay chéo trong các TCTD
Hoạt động tín dụng của hệ thống NH trở nên không còn tấp nập trong năm 2022, khi Chính phủ và NHNN lo ngại đến lạm phát trong nền kinh tế. Lo ngại này là chính đáng và Chính phủ đã tạm thành công trên số liệu CPI 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc kiểm soát tín dụng gồm cả TPDN đã làm nền kinh tế và giới kinh doanh bất động sản (BĐS) trình đủ loại kiến nghị.
Nhìn lại dữ liệu từ năm 2019 đến nay, thông qua việc thu thập dữ liệu trên các bảng thuyết minh báo cáo tài chính của 25 NH (chưa tính Agribank), có thể nói trung bình tín dụng tăng trưởng mỗi năm hơn 15,4%. Nếu chỉ tính thuần túy khoản tín dụng cho khách hàng vay, mức tăng 14,8% (Bảng 1). Nghĩa là, phần TP NH nắm giữ của các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức kinh tế, không tính phần TPCP, chỉ đóng góp cho mức tăng thêm này 0,8%.
Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn ảnh 1
Nhìn số liệu này để so sánh với tăng trưởng kinh tế, sẽ thấy đã có sự dư thừa tiền so với nhu cầu thực trong nền kinh tế. Nếu tính luôn giá trị tín dụng của Agribank vào tín dụng của 25 NHTM trên, giá trị tín dụng này lớn hơn mức thu nhập nền kinh tế tạo ra. Đó là lý do đẩy nhu cầu giá cả các loại tài sản như BĐS tăng giá không ngừng.
Tuy nhiên, có điều kỳ lạ từ dữ liệu thuyết minh báo cáo tài chính NH “chứng khoán nợ đầu tư” mà NH nắm giữ từ các tổ chức kinh tế chỉ tăng trung bình 9%. Trong khi đó, mức tăng lại 22,8% khi tính cả mức chứng khoán nợ đầu tư vào TCTD khác và tổ chức kinh tế. Nghĩa là, có lượng lớn TP được phát hành từ NH này do NH khác nắm giữ (Bảng 2). 
Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn ảnh 2
Tính đến quý III-2022, theo báo cáo của 25 NH, giá trị TP do các NH phát hành được các NH khác nắm giữ lên đến 567,4 ngàn tỷ đồng (Xem bảng 3 và biểu đồ). Nhờ vào công cụ TP đã giúp các NH phát hành lượng lớn giá trị được các NH khác nắm giữ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. 
Như vậy, việc bơm tiền ra nhằm hạ lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng Covid, hay phục hồi hậu Covid, chỉ tạo ra cơ hội cho các NHTM chuyển tiền qua lại lẫn nhau thông qua công cụ TP mà không vi phạm các quy định hiện hành. Hoạt động này chẳng khác nào NH này gửi tiền vào NH khác qua liên NH; NH này ủy thác qua trung gian công ty quản lý quỹ hay cá nhân để đi gửi tiền vào NH khác, như đã xảy ra từ hơn thập niên về trước được phơi bày qua đại án “bầu Kiên, Huyền Như”.
Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn ảnh 3
Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn ảnh 4
Qua đó giúp NH đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, ghi nhận lợi nhuận vượt trội… thậm chí cột chặt nền kinh tế vào hệ thống chằng chịt này. Do vậy, khi thị trường TPDN được tập trung chú ý quản lý trong năm 2022, các NHTM lập tức bị thiếu hụt công cụ để đảo các lô TP phát hành trước đó. Sự thiếu hụt thanh khoản hệ thống sẽ xảy ra vì buộc phải giảm nắm giữ TP và tự xử lý.

Đến thị trường TPDN
Đến nay, nhiều sự chú ý được đổ dồn về thị trường TPDN. Các công ty BĐS được xem như là tội đồ của thị trường này. Nhưng thực hư quy mô của thị trường này lớn đến mức nào. Theo số liệu thu thập từ nguồn dữ liệu Fiinpro trích xuất ngày 12-10-2022, quy mô thị trường TP được phát hành giai đoạn 2019-2022, tổng giá trị TP do các DN, các tổ chức tài chính, NH phát hành trị giá 1.158,975 ngàn tỷ đồng (tương đương 48 tỷ USD).
Giá trị TPDN do các DN không phải tổ chức tài chính phát hành trị giá 536,446 ngàn tỷ đồng, chiếm 46,3% tổng giá trị TP trên. Nghĩa là có đến 53,7% do các tổ chức tài chính gồm NH, công ty chứng khoán (CTCK) phát hành.
Như phần phân tích trên, TP do các tổ chức tài chính phát hành được 25 NHTM thống kê trên nắm giữ trị giá lên đến 567,4 ngàn tỷ đồng, nghĩa là gần 49% giá trị TP phát hành. Tính luôn cả giá trị TP do các TCTD và DN phát hành, 25 NH trên nắm giữ 818,6 ngàn tỷ đồng vào cuối quý II-2022, hay 829,6 ngàn tỷ đồng vào cuối quý III-2022. Nghĩa là, chỉ có khoảng 277,7-262,2 ngàn tỷ đồng từ các DN phát hành. Như vậy, hệ thống NH đã nắm giữ đến 71,5% giá trị TPDN phát hành.
Như vậy, nếu loại bỏ phần TPDN được các NH phát hành và tự nắm giữ lẫn nhau, quy mô thị trường TP nước ta chưa đến 24 tỷ USD. Nếu số lượng TP này đến hạn trả có phải là áp lực cho hệ thống tài chính trong nước? Cũng dựa trên nguồn dữ liệu trên, chỉ có 84,0 ngàn tỷ đồng TP đáo hạn năm 2022, 121,2 ngàn tỷ đồng năm 2023 và 115,08 ngàn tỷ đồng đáo hạn năm 2024 do các DN phát hành.
 Sự lớn mạnh của CTCK
TTCK Việt Nam hiện có gần 100 CTCK với quy mô vốn lớn. Với dữ liệu của 64 CTCK công bố báo cáo tài chính, cho thấy hoạt động chính của các CTCK vẫn dành nguồn lực để cho nhà đầu tư vay, cầm cố cổ phiếu (Bảng 4). Hoạt động tự doanh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn vốn của các CTCK.
Gần đây nhiều NH cũng nhập cuộc việc mua lại và tăng vốn CTCK lên nhiều lần. VPBank đã mua lại CTCK ASC và nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên gần 9.000 tỷ đồng, thậm chí có lộ trình tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng. CTCK Globalmind Capital gia nhập hệ sinh thái NH Quốc tế (VIB)… 
Từ sở hữu chéo đến cho vay chéo làm biến dạng dòng vốn ảnh 5
Theo quy định ở Điều 103 Luật Các TCTD, các NH phải lập công ty con để tham gia hoạt động “Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu”. Theo Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn, đặt mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường TP đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ TPDN tối thiểu 20% GDP.
Nếu GDP năm 2022 dự kiến đạt 394,5 tỷ USD. Nếu mục tiêu duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6%/năm, từ nay đến năm 2025 GDP dự kiến đạt 470 tỷ USD. TTCK hiện mức vốn hóa chưa đến 250 tỷ USD, nghĩa là đòi hỏi mức vốn hóa phải tăng khoảng 220 tỷ USD cho 3 năm tới. Tương tự, thị trường TPDN chiếm 20% GDP, mức giá trị cũng ước 93 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần thúc đẩy tín dụng, một trong những cách tăng nhanh hạn mức tín dụng sẽ là công cụ TPDN như được trình bày phần trước, nghĩa là các NH đua nhau phát hành TP và nắm giữ lẫn nhau. Đồng thời, việc NH sở hữu CTCK sẽ giúp thực hiện các dịch vụ phát hành TP, tưới tiêu trong hệ sinh thái của NH, cung cấp vốn cho vay margin, cầm cố cổ phiếu của chính những cổ đông lớn… để đón đầu xu hướng trên.
Bộc lộ của TTCK ngày nay cho thấy rất nhiều cổ đông lớn trong các CTCP đã cầm cố cổ phiếu của mình trong các CTCK. Thực hư số cổ phần này ĐTTC đã có bài viết, vấn đề là các DN đã huy động được vốn từ thị trường cho phát triển DN. Như vậy, nếu với quy mô thị trường TP do DN phát hành, các DN sẽ tự giải quyết được khi các khoản nợ đáo hạn, nếu được sự hỗ trợ từ CTCK thông qua lượng cổ phần sở hữu của những cổ đông lớn. Thế nhưng, nhiều nhân tố cùng ập đến làm những cổ đông lớn đã mất đi nhiều chục tỷ USD giá trị vốn cổ phần để đảm bảo cho các khoản nợ đáo hạn trong tương lai.

Các tin khác