Đằng sau con số tăng trưởng và kinh doanh 'không bao giờ lỗ' của các ngân hàng

(ĐTTCO) - LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng đằng sau các báo cáo của các ngân hàng về lợi nhuận ẩn chứa nhiều vấn đề tiềm ẩn rủi ro.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, như đã thành lệ, cứ mỗi mùa ĐHCĐ, báo cáo của các NH công bố luôn là bức tranh tươi sáng với những con số lợi nhuận cao, tăng trưởng tốt. Ông đánh giá thế nào về những con số này và lãi thực sự của nhà băng ra sao?

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Tôi cho rằng về cơ bản có thể nghi ngờ những con số này “có vấn đề”, dù chưa có bằng chứng rõ ràng. Ngay cả khi các NH báo lãi cao, tăng trưởng tốt, nhiều khi không đồng nghĩa sức khỏe NH đó thực sự tốt. Thực ra, chuyện làm ăn lỗ hay lãi trong các NH cũng bình thường, bởi họ cũng là doanh nghiệp (DN). NH lỗ nhiều, hiệu quả kém không phải ít.

Thực tế có nhà đầu tư là cổ đông của nhiều NH trong hàng chục năm, nhưng quá nửa thời gian không được trả lãi. Một số khác chỉ là lãi rất ít, hoặc lỗ, hoặc NH báo lãi nhưng cổ đông không được chia cổ tức bằng tiền mặt, thay vào đó phải để lại để trích lập vào quỹ đề phòng rủi ro, dùng tăng vốn… Hầu như NH nào có rất nhiều lý do đưa ra để biện minh cho việc này.

Về lợi nhuận của NH, xét về quy mô vốn không DN nào có thể bằng NH, nên hiệu suất lãi của NH trên đồng vốn tất phải cao. Thêm vào đó, một số DN lớn khi công bố vốn có thể là vốn “ảo”, nhưng với đặc thù của NH vốn đó luôn phải là vốn thực. Vốn nhiều như thế lãi là điều bình thường. Nhưng không phải không có NH làm ăn thua lỗ. Nên trong các báo cáo, có khi lãi thật rất ít, nhiều khi chỉ là lãi kỹ thuật, tức chỉ trên mặt những con số.

Nhiều NH buộc phải “trang điểm, tô son” để nhằm mục đích cạnh tranh hoặc huy động vốn. Bởi nếu làm ăn thua lỗ sẽ chẳng ai dám gửi tiền vào NH.

Thực tế, trong lịch sử NH nước ta không thiếu NH làm ăn thua lỗ và đã bị “chết”, tên NH hoàn toàn biến mất. Nhưng do cơ chế đặc thù, “chết” ở đây không phải là công bố NH đó phá sản, mà là mua bán, sáp nhập, thậm chí mua lại “0 đồng”. Sắp tới sẽ có 4 NHTM, dù được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu năm nay, kết quả cuối cùng do vận hành yếu kém, kết cục vẫn là “chết”, tức phải cơ cấu, chuyển giao lại để cơ cấu.

- NH báo lãi trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, DN khốn đốn, phải chăng là nghịch lý, thưa ông?

- Điều này có thể giải thích được. Khi khó khăn DN càng phải đi vay vốn tín dụng, trả lãi NH. Nên cái “chết” của DN chính là điểm này. NH càng lãi DN càng khó khăn. Nhưng điều này cũng gây rủi ro, nguy hiểm cho chính bản thân NH. Đó là khi DN thua lỗ, không những không trả được lãi mà nợ vốn vay có thể chuyển sang nợ xấu. Đây là rủi ro có tính hệ thống và dây chuyền.

Tôi từng nói rằng, tăng trưởng tín dụng của NH ở mức 10-13%, nền kinh tế bình thường, phát triển. Còn khi tăng trưởng tín dụng của các NH đẩy lên mức cao hơn, nền kinh tế và sức khỏe DN có vấn đề. Lúc đó thay vì vui mừng vì tăng trưởng tốt, NH cần phải đề phòng những rủi ro có thể xảy ra.

Theo tôi biết, giữa các NHTM luôn có sự cạnh tranh với nhau, thậm chí ngay trong cùng một NH cũng có sự cạnh tranh giữa các chi nhánh về vấn đề tỷ lệ cho vay và tăng trưởng vốn tín dụng. Song không vì thế chạy theo “thành tích” cho vay nhiều, huy động nhiều, gây nên mất an toàn hệ thống. Bởi bản chất là DN có làm ăn hiệu quả, có sử dụng đồng vốn vay đó tốt để có lợi nhuận hay không.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, vì cạnh tranh không lành mạnh giữa các NH, chạy theo lãi bất chấp mọi giá, nên có những NH quay ra những lĩnh vực cho vay khác và thu lãi lớn. Đó là cho vay lãi suất cao, ép người vay phải mua bảo hiểm, ép mua trái phiếu DN… Đây cũng là lý do để giải thích việc một số NH dù làm ăn thua lỗ, nợ xấu cao, nhưng cuối cùng vẫn lãi. Chính điều này khiến thị trường vốn tín dụng bị méo mó và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo các đánh giá, hiện nay hàng chục NHTM nhỏ nằm ở nhóm dưới bảng xếp hạng có thể bị “chết” bất cứ lúc nào. Bởi nợ xấu nếu tính đúng tính đủ, tính theo quy chuẩn, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật giãn nợ, hoãn nợ, có NH đã lên đến hàng chục %, tức ở trong tình thế rất nguy hiểm.

- Như ông đã nói, hiện nhiều NHTM về bản chất là thua lỗ, yếu kém, có thể “chết” bất cứ lúc nào. Song từ trước đến nay ở Việt Nam chưa hề có NH nào bị phá sản?

- Thực ra không phải là không có NH nào phá sản. Thí dụ trường hợp một số DNNN làm ăn thua lỗ trầm trọng, có thể phá sản, nhưng Nhà nước không muốn họ bị phá sản đã đưa ra giải pháp tái cơ cấu. NH cũng tương tự. Đó là cơ chế, là ý chí chính trị, là muốn duy trì tâm lý ổn định cho thị trường. Còn nói về mặt pháp luật, quy định hàng chục năm nay đều cho phép các DN phá sản (trong đó có NH). Luật Phá sản năm 2004 đã dành hẳn 1 chương nói về các quy định cho phá sản NH, dưới luật các nghị định, thông tư cũng có quy định hướng dẫn cụ thể.

Nhưng có phá sản được “theo luật” hay không mới là chuyện đáng để nói. Đối với DNNN cũng như một số NHTM, thay vì công bố là “phá sản”, lại có chuyện “giải cứu”, “cơ cấu lại”, “sáp nhập”. Bởi NH là lĩnh vực đặc thù, nếu để bị phá sản hay công bố phá sản hệ lụy sẽ rất lớn, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Nên ở đây, trong chừng mực nào đó, việc Chính phủ quy định và cho phép “cứu NH” cũng chính là “cứu nền kinh tế”, “cứu thị trường”. Cứu có nhiều cách, như bằng ngân sách, bằng biện pháp kỹ thuật, bằng chính sách…

Xét cho cùng, ở nhiều quốc gia như Mỹ và EU có chuyện NH phá sản, còn Việt Nam thì không. Bởi đó là cơ chế điều hành của thể chế khác nhau, nên cơ chế vận hành, quản lý NH cũng khác nhau.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác