Theo thống kê của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế (LNST) quý I của 10/27 ngân hàng (đại diện 70,6% vốn hóa ngành ngân hàng) ước tăng 13,9% so với cùng kỳ. Mặc dù giảm tốc so với quý IV-2022 (tăng 33,9%), nhưng trong bối cảnh vĩ mô hiện tại thì đây vẫn là mức tăng trưởng đáng khích lệ. So với quý IV-2022, LNST của 10 ngân hàng này tăng 17,8%.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh (VCB, BID và CTG), tăng trưởng lợi nhuận được hỗ trợ bởi tín dụng tăng và NIM duy trì. Riêng với BID, áp lực trích lập dự phòng giảm cũng giúp ngân hàng cải thiện lợi nhuận trong quý I.
Bức tranh lợi nhuận kinh doanh quý 1-2023: Ngân hàng lãi đậm, doanh nghiệp lỗ nặng. Ảnh: FiinGroup |
Với nhóm ngân hàng cổ phần, ngoại trừ các ngân hàng với tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao (bao gồm TCB) có lợi nhuận giảm do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, hầu hết có LNST quý I ước tăng trưởng so với cùng kỳ, dẫn đầu là STB (tăng 57%) và ACB (tăng 24,6%). Tuy nhiên, tín dụng tăng rất thấp hay thậm chí giảm ở một số ngân hàng bán lẻ (ACB, VIB) là điểm cần lưu ý.
Trên TTCK, theo đánh giá của FiinGroup, giá CP của các ngân hàng có lợi nhuận tăng cao trong quý I (bao gồm BID, ACB, STB) hiện ở vùng đỉnh 1 năm sau khi hồi phục mạnh 40-60% so với giữa tháng 11-2022.
Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh kinh doanh sáng sủa của các ngân hàng, LNST của 79 doanh nghiệp (chiếm 22% vốn hóa nhóm phi tài chính) lại suy giảm mạnh. Tính đến ngày 17-4, 79 doanh nghiệp đã có ước tính kết quả kinh doanh cho quý I với tổng LNST giảm sâu so với cùng kỳ với mức giảm 31,2%.
Trong đó, có 54 doanh nghiệp báo lỗ hoặc ước tính lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc những ngành có nền tăng trưởng cao trong quý I-2022 như phân bón (DPM, DCM), hóa chất (DGC), bán lẻ (DGW, FRT). Giá CP của các doanh nghiệp này ghi nhận mức giảm 50% từ vùng đỉnh. Triển vọng lợi nhuận tiếp tục kém khả quan khiến những CP này chưa thu hút được dòng tiền và giá CP dao động quanh vùng đáy 15-20 tháng.
Theo FiinGroup, điều này là hệ quả do bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều bất lợi (xuất khẩu kém đi do rủi ro suy thoái ở các thị trường lớn và cầu trong nước suy yếu).