Nhiều nhà băng đang cho vay với lãi suất cao

(ĐTTCO) - Mức lãi suất cho vay quá cao đã triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp, nhất là khi các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư và sản xuất trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Nhiều nhà băng đang cho vay với lãi suất cao

Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02 do NHNN tổ chức (bằng hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến) vào chiều 25-4, vấn đề lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM đã trở thành vấn đề “nóng” của hội nghị.

Đại diện NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã thẳng thắn “điểm mặt, chỉ tên” các NHTM đang duy trì mức lãi suất cho vay cao hơn cả mặt bằng lãi suất cho vay nói chung mà NHNN cho phép.

Theo đại diện Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc nhiều NHTMCP duy trì mức lãi suất cho vay quá cao đã không đúng với quy định trần lãi suất cho vay do NHNN quy định, do đó cơ quan thanh tra NHNN cần vào cuộc chấn chỉnh

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã yêu cầu đại diện NH này phải giải thích tại sao lại duy trì mức lãi suất cho vay cao “ngất ngưởng” và mức lãi suất huy động cũng tăng cao.

“Tôi yêu cầu ngay trong vòng 1 tuần, tính từ hôm nay, các ngân hàng có báo cáo đầy đủ và chi tiết về việc này. Thanh tra NHNN cũng cần phải vào cuộc việc này, không để tình trạng này diễn ra”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.

Theo đại diện NHNN, việc nhiều NHTMCP duy trì mức lãi suất cho vay quá cao nói trên đã không đúng với quy định trần lãi suất cho vay do NHNN quy định. Thêm vào đó, mức lãi suất cho vay quá cao đã triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp, nhất là khi các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư và sản xuất trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

GS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng:

Lãi suất cao gấp đôi lạm phát đang "bào mòn" doanh nghiệp

Hiện nay mức lạm phát ở Việt Nam vào khoảng hơn 4%/năm, nhưng lãi suất tiết kiệm do các ngân hàng thương mại ấn định trên 9%, cao gấp 2 lần mức lạm phát. Đây là mức lãi suất vào hạng cao nhất thế giới. Năm 2022 lạm phát ở Mỹ là 6%, lãi suất đã được Fed tăng lên 5%, nghĩa là vẫn thấp hơn mức lạm phát. Các nước châu Âu có mức lạm phát cao tới 8,5%, nhưng ngân hàng Trung ương châu Âu cũng chỉ dám tăng lãi suất lên 3,2% thấp xa so với lạm phát.

Tôi lấy dẫn chứng, năm 1989, thời kỳ lạm phát ở Việt Nam rất cao tới 9% một tháng, nhưng Ngân hàng Trung ương Việt Nam chỉ tăng lãi suất tiết kiệm lên 12%/tháng đã lập tức giảm lạm phát. Nhưng hệ luỵ cũng rất nặng nề - hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa - vì không chịu được mức lãi suất cao.

Hiện nay mức lãi suất tiết kiệm ở Việt Nam cao gấp hơn hai lần lạm phát, đã và đang tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động tăng cao hơn số doanh nghiệp mới ra đời.

Trong quý 1-2023, trung bình mỗi tháng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có 19.000 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là lớn hơn, lên đến 20.000 doanh nghiệp. Tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) chỉ tăng 0,7, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Mức tăng GDP của cả nước trong quý I-2023 cũng chỉ đạt 3,32%.

Có thể nói mức lãi suất tiết kiệm cao như hiện nay là nguyên nhân chủ yếu làm cho hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động và phá sản, làm cho thị trường bất động sản đóng băng, làm cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái trì trệ.

Tôi từng kiến nghị Chính phủ nên chỉ đạo NHNN điều chỉnh hoạt động theo hai hướng. Thứ nhất, mức lãi suất tiết kiệm phải được kiểm soát ở mức xấp xỉ mức lạm phát, không thể cao ngất ngưởng như hiện nay. Thứ hai, dư nợ tín dụng có thể nới lỏng hơn cho các ngân hàng thương mại được quyền tự chủ nhiều hơn. NHNN nên điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại theo hướng kiểm soát lãi suất tiết kiệm ở mức cao hơn chỉ số lạm phát ở mức phù hợp, không thể quá cao như hiện nay

Các tin khác