Ngân hàng muốn bứt phá phải có sự 'tiếp sức' của vốn ngoại

(ĐTTCO) - Mua bán và sáp nhập (M&A) hiện đang nóng lên trong bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng (NH) năm 2023, khi thương vụ lớn vừa được công bố cùng với hàng loạt kế hoạch khác được các NH “úp mở” sẽ tiến hành. Trong các kế hoạch này, các NH đều kỳ vọng vào sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).
VPBank thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation.
VPBank thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation.

Sức hấp dẫn của dòng vốn ngoại

Cuối tháng 3, VPBank thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản, thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC trở thành NĐT chiến lược của VPBank.

Theo VPBank, khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho NH 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2019 hợp tác giữa BIDV và KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng.

Dễ thấy, bắt tay với NĐTNN mang lại nguồn vốn vô cùng hấp dẫn, thay vì tăng vốn bằng chia cổ tức phải mất vài năm. Hợp tác chiến lược với NĐTNN hầu như là hướng đi các NH Việt Nam đều ấp ủ. Chẳng hạn, cuối năm 2022 VIB đã lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của NĐTNN từ 20,5% lên 30%, đồng thời đề xuất cổ đông ủy quyền cho HĐQT chủ động quyết định các nội dung công việc về tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của NĐTNN trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 30% vốn điều lệ của NH.

Hay Sacombank cũng từng tiết lộ, sau khi hoàn thành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2023, NH dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại. Mới đây, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, chia sẻ tại ĐHCĐ 2023 rằng tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài là mục tiêu lớn của SHB trong năm nay.

Trong tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 của Chính phủ về việc NĐTNN mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam mới đây, NHNN đã bổ sung Khoản 6a vào Khoản 6 Điều 7: “Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của NĐTNN tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại Khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc".

Có thể thấy, nhu cầu vốn ngoại của các nhà băng Việt nhìn trong bức tranh phác thảo kể trên là rất lớn.

Vẫn chủ yếu các NĐT châu Á

Việc các NHTM trong nước luôn muốn tìm đối tác chiến lược nước ngoài là điều đương nhiên trong dòng chảy phát triển, bởi nhu cầu tăng vốn điều lệ ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, để làm được việc này, các TCTD phải hoàn thành chuẩn mực Basel II và duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 8%.

Đặc biệt, để hoàn thiện cả 3 trụ cột trong Basel II các NH phải tuân thủ quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, trong đó có các yêu cầu về quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn bao gồm cả kiểm tra sức chịu đựng về vốn trong kịch bản bất lợi. Vì vậy, mấy năm nay, đa số NH đều gia nhập đường đua tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí trên.

Đến nay đã có trên 20 NHTM triển khai Basel II theo yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, trên thế giới phần lớn quốc gia tiên tiến đã thực hiện Basel III và một số quốc gia đang tiến vào Basel IV. Rõ ràng, Việt Nam đang có sự chậm trễ so với hệ thống NH toàn cầu, nên vừa phải triển khai Basel ll vừa phải chuẩn bị Basel III, Basel IV.

Mấy năm nay, các NH cũng tăng vốn bằng cách lấy nội lực để tăng nội lực, chia cổ tức bằng cổ phiếu, nói không với cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, nội lực khó gánh được nhu cầu tăng vốn mãi. Trong bối cảnh đó, nếu mời gọi được NĐTNN, các nhà băng sẽ an tâm hơn vì được bổ sung được ngay khoản vốn rất lớn đầu tư lâu dài.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngày 17-4, VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ hơn 3.590 tỷ đồng từ SMBC. Còn một số thủ tục khi phát hành riêng lẻ dự kiến sẽ kéo dài 2-3 tháng, nên khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8, thương vụ sẽ hoàn tất và đối tác sẽ chuyển tiền vào.

Trước đó nhiều thương vụ cũng nhanh chóng bổ sung hàng ngàn tỷ đồng vào vốn điều lệ của các NH, như hợp tác giữa Vietcombank và Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited (GIC) và Mizuho Bank Ltd mang về khoảng 6.200 tỷ đồng. Hay tại OCB, sự đầu tư của Aozora Bank để sở hữu 15% cổ phần của NH này đã nhanh chóng đưa vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.

Thực tế, so với chia cổ tức bằng cổ phiếu, con đường tăng vốn gian nan gấp nhiều lần. Đơn cử, VPBank và SMBC đã đàm phán trong vòng 2 năm mới đi đến thỏa thuận hợp tác cuối cùng. Nhìn rộng ra, tình hình kinh tế trên thế giới đang gặp khó khăn, ngành NH cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo một chuyên gia tài chính, nhiều NĐTNN đã rút vốn vì thấy NH Việt Nam không đi theo chuẩn mực của thế giới, xảy ra các sai phạm của một số cá nhân, cổ đông lớn. Hơn nữa, ý định ban đầu của họ muốn tham gia thị trường tiềm năng nên chấp nhận mức lợi nhuận thấp để tìm được giá trị gia tăng cho đầu tư trong tương lai, nhưng đã không nhận được giá trị này. Hoặc họ chỉ đến để tạo bàn đạp mở chi nhánh tại Việt Nam. Một phần khác rút đi vì tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các NH quá thấp, họ không có tiếng nói dù là cổ đông chiến lược.

Thế nên, xu hướng dễ thấy là gần đây NĐTNN đến từ khu vực châu Á hợp tác chiến lược với các NH Việt, còn NĐTNN đến từ phương Tây chủ yếu đầu tư ngắn hạn. Nhóm này vẫn lấp đầy “room” ngoại ở một số NH nhưng không hỗ trợ cho sự phát triển lâu dài của NH, chỉ mua cổ phiếu vì lợi nhuận.

Như tại SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết nhiều NĐTNN muốn tìm hiểu với mục đích hợp tác ngắn hoặc trung hạn, trong khi NH ưu tiên đối tác gắn bó lâu dài. Với tình hình này, NH buộc phải chuyển chiến lược, chấp nhận cả NĐTNN ngắn hạn và trung hạn.

Việc NHNN đề xuất Chính phủ xem xét quyết định cho các NHTMCP nhận chuyển giao bắt buộc NH yếu kém được mở room ngoại lên đến 49%, dấy lên hy vọng về cơ hội NH nội huy động được vốn ngoại để phát triển bền vững.

Các tin khác