Tăng trưởng tín dụng thấp
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 3, lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm 2023. So với cuối năm 2022, lãi suất đã giảm tới 1,5-2%/năm. Hơn 20 ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm 0,4% lãi suất cho vay bình quân so với cuối năm 2022. Đó là chưa kể nhiều NHTM còn tung các gói lãi suất ưu đãi với mức giảm lên đến 2% so với lãi suất thông thường. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 1,61%. Với mức tăng trưởng này, tín dụng quý I mới đạt hơn 11% chỉ tiêu cả năm, ở mức 14%.
Mặc dù lợi nhuận trong quý I của các NHTM đạt tương đối tốt so với nhiều ngành khác, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhiều NH trong quý đầu của năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí một vài NH tăng trưởng âm. Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng tín dụng thấp do “cầu” của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không nhiều.
Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, thông tin, trong quý I, tín dụng ACB giảm 0,6% so với cuối năm trước do nhu cầu tín dụng giảm. Lãnh đạo OCB cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2023, nhất là giai đoạn đầu năm, khó tăng mạnh. Mấy tháng qua, chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI luôn dưới 50%, phản ánh điều kiện kinh doanh của các ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.
Các doanh nghiệp sản xuất hoạt động cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh nên nhu cầu vay vốn thấp. Còn với khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất đang ở mức cao, thời điểm này ít người vay mua nhà nên tín dụng tăng trưởng chậm.
Một lãnh đạo NHTM đang triển khai cùng lúc 2 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp và cá nhân cũng thông tin, lãi suất cho vay ưu đãi của NH này hiện dưới 10%/năm, nhưng doanh nghiệp vay không nhiều. Thậm chí, sản phẩm cho vay tín dụng không cần tài sản thế chấp cũng khó có khách hàng.
“Tréo ngoe là một số doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện vay nhưng không có nhu cầu vay vốn do thiếu đơn hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bất động sản chấp nhận mức lãi suất hiện hành trên thị trường và chỉ mong vay được vốn, nhưng NH không thể cho vay vì không đủ điều kiện vay”, vị này nói.
Tập trung đẩy vốn
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho thấy, tính đến cuối tháng 3-2023, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề tại TPHCM đều sụt giảm mạnh. Điều này cho thấy nút thắt về thị trường và đơn hàng xuất khẩu đang là nguyên nhân chính khiến hàng ngàn doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Đó cũng là nguyên nhân khiến “cầu” tín dụng giảm.
Tại buổi hội thảo về đẩy vốn cho sản xuất kinh doanh được tổ chức gần đây tại TPHCM, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận, hầu hết các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề đều đang gặp khó khăn nên nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp không nhiều.
“Vốn tín dụng hiện rất dồi dào và NH đang khuyến khích cho vay. NHNN đã chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí để giảm lãi suất và tiếp tục vận động các NHTM giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Đào Minh Tú nói.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá, lãi suất huy động hiện giảm khoảng 0,5-1,5 điểm % so với đầu năm, chủ yếu với các kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất cho vay cũng đang giảm khoảng 1-2 điểm % so với đầu năm, khi nhiều NH đưa ra các gói tín dụng ưu đãi. Dù vậy, lãi suất vẫn còn ở mức cao và các tổ chức tín dụng vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.
Lãi suất liên NH trong đầu tháng 4 tăng gấp 4-5 lần so với thời điểm cuối tháng 3-2023, sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành, cho thấy nhu cầu vốn của các NH vẫn rất lớn, nhưng chủ yếu là các NH nhỏ. Các chuyên gia nhận định, lãi suất liên NH tăng trở lại phát ra tín hiệu tích cực, đó là có thể “cầu” vốn của các NH đang tăng tốt hơn, mở ra triển vọng tín dụng đang phục hồi tốt.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN chi nhánh TPHCM, tín dụng quý 1-2023 tăng 1,25%, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước - ở mức 3,65%. Tuy nhiên, tháng 3 là tháng có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 1,37% so với tháng trước đó. Lãnh đạo ACB cũng cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng quý 1-2023 âm nhưng trong tháng 3-2023, tín dụng đã phục hồi và tăng 2,2% so với tháng 2. Với phân khúc định vị khách hàng riêng, ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành tăng trưởng tín dụng mà NHNN cấp.
Nhiều chuyên gia nhận định, NH thừa vốn, tỷ giá ổn định, sức ép về lạm phát giảm dần… khiến NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành, với mong muốn “cầu” tín dụng sẽ tăng thời gian tới. Trong bối cảnh các NHTW trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất thì NHNN Việt Nam đã giảm các mức lãi suất điều hành đến lần thứ 2 kể từ đầu năm.
Điều này cho thấy NHNN đã phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế suy yếu, lãi suất phải giảm thêm mới có thể kích cầu tín dụng tăng trở lại.
Theo TS Cấn Văn Lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố chứ không riêng câu chuyện của lãi suất. Thị trường vẫn cần thời gian để lấy lại niềm tin, có dòng tiền thực và không thể thiếu các giải pháp khơi thông các thị trường khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Không chỉ đưa ra các gói lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp, các NHTM còn có nhiều chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp để kích cầu tiêu dùng.
Cụ thể, SHB vừa có gói 7.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 9,9%/năm, và vay mua nhà dự án với lãi suất từ 10,8%/năm. SeABank cũng vừa giảm lãi suất tối đa 1%/năm với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, đặc biệt là chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 9,29%/năm cho các khoản vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô.
Vietcombank và CTCP Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam hợp tác triển khai chương trình cho khách hàng vay mua ô tô với lãi suất chỉ từ 0%/năm…