Kiểm tra chuyên ngành “trói chân” DN nội

(ĐTTCO)-Theo hiệp định thương mại mới, đến năm 2018, Việt Nam phải giảm số giờ thông quan từ hơn 100 giờ như hiện nay xuống còn 48 giờ. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan thừa nhận sẽ khó thực hiện, bởi ngành nào cũng muốn… kiểm tra doanh nghiệp (DN).

(ĐTTCO)-Theo hiệp định thương mại mới, đến năm 2018, Việt Nam phải giảm số giờ thông quan từ hơn 100 giờ như hiện nay xuống còn 48 giờ. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan thừa nhận sẽ khó thực hiện, bởi ngành nào cũng muốn… kiểm tra doanh nghiệp (DN).

“Ma trận” thủ tục hành chính

Tính cho đến hết 6 tháng năm 2016, có 309.000 tờ khai kiểm tra chuyên ngành và chỉ phát hiện vi phạm 7 trường hợp. Điều này cho thấy, tỷ lệ vi phạm rất thấp và hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Thế nhưng, các bộ ngành liên quan đều khăng khăng giữ quan điểm phải kiểm tra chuyên ngành 100% các lô hàng xuất nhập khẩu để an toàn cho người tiêu dùng trong nước.

Phản bác quan điểm trên, đại diện Công ty May Scavi khẳng định, có những lô hàng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người tiêu dùng vẫn bị kiểm tra chuyên ngành. Điển hình trong hoạt động dệt may, các DN thường xuyên nhập khẩu lô vải mẫu để may sản phẩm chào hàng các đối tác. Mỗi lô vải mẫu chỉ khoảng từ 1 - 2m vải, đủ để may 1 sản phẩm mẫu, hoàn toàn không có giá trị thương mại nên không thể gây hại cho người tiêu dùng trong nước.

 

Thế nhưng, các DN vẫn phải tiến hành kiểm tra chuyên ngành chất formaldehyde và admin thơm trước khi cho thông quan. Chi phí cho mỗi mẫu kiểm tra từ 1,5 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/mẫu, gây lãng phí cho DN. Chưa hết, thời gian để báo giá và sản phẩm may mẫu cho các đối tác thường rất cạnh tranh, trong vòng khoảng 2 - 3 ngày. Với việc DN chỉ được thông quan vải mẫu khi hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành (thông thường mất từ 3 - 5 ngày), cũng đồng nghĩa DN Việt mất luôn khả năng cạnh tranh đơn hàng.

Cũng trong hoạt động dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội DN dệt may Việt Nam, cho biết hiện có nhiều DN nhận được các đơn hàng may quân phục cho thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng không thể thực hiện được vì quy định của Bộ Quốc phòng không cho phép các DN dệt may nhận may quân phục quân nhân.

Chưa hết, Bộ Thông tin Truyền thông vừa mới ban hành thêm quy định liên quan đến hoạt động in ấn hoa văn trên vải. Những DN muốn nhập máy in để thực hiện hoạt động in ấn hoa văn trên vải đơn sắc thì chủ DN phải tốt nghiệp chuyên ngành in ấn từ cấp cao đẳng trở lên. Nếu không, phải qua lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên ngành về in ấn.

Liên quan xuất nhập khẩu thép, đại diện Hiệp hội Cơ khí cho rằng Thông tư số 58 liên tịch giữa Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành cuối năm 2015 đang chặn đứng hoạt động của các DN hoạt động trong ngành cơ khí chế tạo. Theo thông tư này, DN muốn nhập khẩu một lô thép sản xuất phải mất rất nhiều thời gian để có thể hoàn tất thủ tục.

Bước đầu tiên, DN cần phải có giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Sở Công thương (mất khoảng 5 ngày làm việc). Kèm với giấy xác nhận này, DN phải làm thêm bản kê khai thép nhập khẩu nộp tại Bộ Công thương để được xác nhận lần hai (DN phải chờ từ 5 - 15 ngày).

Kế đến, DN phải tiếp tục đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Cùng thực hiện những quy định của Thông tư 58, các DN còn phải thực hiện những quy định tại Thông tư 12/2015 của Bộ Công thương về thủ tục xin cấp phép nhập khẩu tự động, đăng ký đánh giá sự phù hợp chất lượng thép nhập khẩu tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.

Có tất cả những giấy tờ trên, hải quan mới cho phép DN đưa thép nhập khẩu về kho chứa của DN. Tuy nhiên, để có thể đưa thép vào sản xuất, vẫn còn hai bước DN phải làm là yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 xuống lấy mẫu kiểm tra và nộp kết quả cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Và chỉ khi nào Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có thông báo xác nhận thì hồ sơ thông quan mới chính thức hoàn tất.

Phải bỏ những quy định vô lý

Đó là ý kiến mà Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) TPHCM nhận được nhiều nhất từ các đại diện hiệp hội ngành nghề. Với lĩnh vực dệt may, bà Mai cho rằng nên bỏ quy định kiểm tra chuyên ngành chất formaldehyde và admin thơm với lô hàng là vải mẫu. Thay vào đó, nên có quy định rõ quy cách của vải mẫu để được miễn kiểm tra chuyên ngành khi thông quan.

Với quy định về may đồng phục quân nhân thì cần quy định rõ không được may đồng phục quân nhân trong nước, còn với những đơn hàng xuất khẩu thì không nên cấm. Riêng với quy định của Bộ Thông tin Truyền thông về việc chủ DN in cần phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành in ấn hoặc phải học qua lớp bồi dưỡng do bộ cấp thì nên bỏ vì thực sự không cần thiết.

Về phía Hiệp hội Cơ khí thì cho rằng nên kiểm tra chất lượng thép một lần thay vì phải làm 2 lần như hiện nay. Không có DN nào mà không có nhu cầu sản xuất lại bỏ tiền ra để đi nhập khẩu nguyên liệu về chỉ để phủ mền. Do đó, tùy theo nhu cầu của mình, DN sẽ tự định lượng số lượng thép cần nhập khẩu mà không cần phải có sự xác nhận của các cơ quan chức năng liên quan.

Về mẫu kiểm định chất lượng, nên thay những trang thiết bị công nghệ kiểm tra hiện đại hơn, tránh những tổn thất về giá trị không đáng có cho những lô hàng nhập khập thép của DN. Hiệp hội Giấy đề xuất bỏ quy định kiểm tra kiểm dịch thực vật đối với giấy cuộn.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TPHCM, nhận xét dù DN và hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần nhưng số văn bản sửa đổi của các bộ ngành còn rất ít, thậm chí có một số văn bản sửa đổi còn gây khó khăn hơn những văn bản cũ. VCCI sẽ cùng với Tổng cục Hải quan tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ để sửa đổi các quy định không hợp lý.

Quan trọng hơn, phải nhanh chóng áp dụng biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Có như vậy, ngành hải quan mới đạt mục tiêu thời gian thông quan chỉ còn 48 giờ vào năm 2018, như cam kết của Việt Nam khi ký kết hiệp định thương mại thế hệ mới.

Các tin khác