Cụ thể, tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ bao gồm 4 dự án thành phần là: Dự án TPHCM - Trung Lương đang vận hành khai thác; dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hoàn thành trong năm 2021; dự án cầu Mỹ Thuận 2, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, đang lựa chọn nhà thầu thi công; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, đầu tư theo hình thức PPP, chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Đây là dự án được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 vào tháng 8-2017, với chiều dài 23km, có điểm đầu kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư vào năm 2018, nhưng không thực hiện được và đã hủy kết quả sơ tuyển; đến nay chưa ban hành lại hồ sơ mời nhà đầu tư.
Như vậy, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ qua các bước sơ tuyển, đấu thầu nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng, hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn ngân sách nhà nước, giải phóng mặt bằng… Tổng thời gian mất tối thiểu 41 tháng. Ngoài ra, việc thu xếp vốn sẽ khó khăn khi ngân hàng cho vay hợp vốn thực hiện các bước thẩm định, hợp vốn, đàm phán ký hợp đồng, giải ngân… (mất tối thiểu 12 tháng), tương tự như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phần lớn đi qua địa phận của Vĩnh Long, đến nay tỉnh đã thành lập xong Ban giải phóng mặt bằng, Hội đồng đền bù… và đã tổ chức họp 2 lần nhằm sẵn sàng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ GTVT chưa bàn giao cấm mốc, thiết kế, các tim, tuyến… nên địa phương chưa thể xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng được. Gần đây, theo thông tin từ Bộ GTVT thì dự kiến tháng 4-2020 sẽ xong phần bản vẽ, có thể khởi công trong năm 2020 nhằm nỗ lực hoàn thành cùng lúc với cầu Mỹ Thuận 2…”.
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, để sớm triển khai tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, chúng tôi đề xuất phương án xem xét điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào. Giao cho các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thực hiện giải phóng mặt bằng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh mình. Đối với cơ cấu vốn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khi vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 2.400 tỷ đồng, thì phần còn lại sẽ do doanh nghiệp dự án làm đầu mối, cùng các đối tác khác huy động vốn đáp ứng tiến độ thực hiện dự án.
Có thể nói, việc điều chỉnh, bổ sung như đề xuất trên sẽ có ưu điểm về thủ tục triển khai không phức tạp và rút ngắn thời gian triển khai còn khoảng 34 tháng (so với trình tự thông thường là 41 tháng), đảm bảo thông toàn tuyến từ TPHCM đến Cần Thơ trong năm 2021, hoàn thành trong năm 2022.
Chưa kể, tận dụng được mô hình quản trị điều hành, phối hợp hiệu quả tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận giữa UBND tỉnh Tiền Giang với doanh nghiệp dự án về các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công; đồng thời phát huy năng lực các nhà thầu để thực hiện nhanh dự án. Đặc biệt, sẽ tăng tính khả thi khi rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án từ 14 năm 8 tháng, xuống còn 12 năm 6 tháng.
Trước đó, tại buổi kiểm tra tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT sớm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ phương án thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cùng sớm khởi công cầu Mỹ Thuận 2...