Kiên quyết cắt lỗ

Hôm qua 16-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị của Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT).

Hôm qua 16-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị của Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2012 tổng doanh thu của các TĐ, TCT đạt trên 1.621.000 tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch năm, tăng 2% so với năm 2011.

Trong đó, các đơn vị có doanh thu lớn như dầu khí, điện lực, xăng dầu, viễn thông quân đội, bưu chính viễn thông, hàng không, lương thực miền Nam, dệt may, công nghiệp cao su.

Một số đơn vị doanh thu giảm hoặc không đạt kế hoạch như cà phê, lương thực miền Bắc, công nghiệp than - khoáng sản. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2011.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%; nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch năm nhưng giảm 12% so với thực hiện năm 2011.

Điểm đáng chú ý là lỗ phát sinh của các đơn vị khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó một số TĐ, TCT tiếp tục lỗ trong năm 2011. 10 đơn vị có lỗ lũy kế tổng cộng khoảng 17.730 tỷ đồng. Về công nợ, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần).

Tổng tài sản/tổng nợ phải trả 1,6 lần. Nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng xét riêng rẽ, có một số TĐ, TCT đã vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.

Về tình hình tái cơ cấu TĐ, TCT, trong năm 2012 đã sắp xếp được 21 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (có 3 TCT), sáp nhập 5 doanh nghiệp và chuyển thành công ty TNHH một thành viên 3 doanh nghiệp.

Phê duyệt việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của 2 TCT, đã thực hiện cổ phần hóa VietinBank, tái cơ cấu Vinashin (đề án tái cơ cấu Vinashin sẽ trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 1-2013). Việc chấn chỉnh đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh cũng đã được triển khai mạnh.

Nhiều đơn vị đã rà roát, xác định lại các ngành nghề chính, thoái vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành. Dù vậy, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp còn chậm, đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa.

Từ thực tế trên, nhiệm vụ đặt ra đối với các TĐ, TCT năm 2013 là xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp để đạt mức tăng trưởng khoảng 10%; đồng thời quyết liệt tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới các đơn vị theo đề án đã được phê duyệt.

Chính phủ xác định năm 2013 tiếp tục còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp nhà nước vẫn phải là lực lượng nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các TĐ, TCT cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý; bảo đảm tính hiệu quả đối với các dự án đầu tư phát triển; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, nhất là kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

Những đơn vị đang có khó khăn về tài chính, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc không cần thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính...

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn. Thủ tướng đề nghị các TĐ, TCT rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách theo tinh thần nỗ lực cao nhất để vượt qua khó khăn.

Trọng tâm thứ hai được Thủ tướng nêu ra là đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đối với TĐ, TCT quan trọng, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về điều lệ hoạt động của từng đơn vị. Gắn với đó là quyết liệt đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa. Chính phủ sẽ kiên quyết giải quyết dứt điểm doanh nghiệp thua lỗ không có khả năng phục hồi.

Các tin khác