Theo đó, về quản lý các trường hợp nhập cảnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, coi các trường hợp nhập cảnh trái phép như các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly y tế và xử lý theo quy định.
Tổ chức, doanh nghiệp khi mời các chuyên gia, nhà đầu tư, đưa lao động tay nghề cao vào làm việc tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là tại các đường mòn, lối mở, cửa khẩu; tăng cường việc kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Các ngành công an, kiểm sát, tòa án khẩn trương xem xét, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép, trước hết là tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thông tin kịp thời, bảo đảm răn đe, phòng ngừa chung; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép.
Ngày 26-7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng nâng cao cảnh giác, đề cao hơn nữa trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước, kiên quyết không để xảy ra tình trạng có người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương liên quan mở rộng điều tra, xác minh các vụ việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian qua, xác định các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tiếp tay, các đơn vị, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15-8.
Cùng ngày, Văn phòng Bộ Công thương cho biết, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, liên quan đến khẩu trang để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch trong nước, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường vào cuộc.
Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã đi kiểm tra, giám sát 547 cửa hàng kinh doanh mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay và các thiết bị y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, tình hình vẫn ổn định, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua, các cửa hàng không găm hàng, tuân thủ quy định về niêm yết giá đầy đủ và nguồn hàng hiện nay được đáp ứng đầy đủ.
° Chiều 26-7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản hỏa tốc số 6082/VPCP-KGVX chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN, Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ, nhằm kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT, Bộ KH-CN chỉ đạo, hỗ trợ TP Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại TP Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch. Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ TP Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 25-7.
Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, đối với các trường hợp nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, các diễn biến mới của dịch bệnh cần xử lý bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp. Thủ tướng yêu cầu Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng phải coi việc xử lý trường hợp nhiễm bệnh mới phát hiện trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất, cần tập trung chỉ đạo.