Kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức âm tăng trưởng âm sau 15 năm

(ĐTTCO) - Báo cáo đánh giá của Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 11-3 cho thấy, tăng trưởng xuất - nhập khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh và ghi nhận mức tăng trưởng âm kể từ năm 2009.

Hệ quả từ những “cơn gió ngược”

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.

Cùng với suy giảm đơn hàng, thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn liên quan đến nguồn vốn khi trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, tình trạng nợ đọng, thiếu vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo. Xét bình quân, trong năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có tới hơn một nửa số doanh nghiệp, cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu trong khi 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở 2 chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.

xuatnhapkhau-163.jpg
Tăng trưởng kim ngạch thương mại của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm sau 14 năm

Sau giai đoạn đầy khó khăn, việc vực dậy niềm tin thị trường và trước hết là niềm tin của chính các doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn vẫn đeo bám, việc bám trụ lại thị trường của các doanh nghiệp cũng trở thành một thách thức không nhỏ.

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui đã vượt số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chứng tỏ nhiều thách thức còn dai dẳng khiến không ít doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh để chờ đợi cơ hội mới.

Mặc dù trong bức tranh tổng thể, gam màu tối vẫn đang bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều. Tuy nhiên, điểm tích cực là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện.

Vực dậy niềm tin cho thị trường

Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report thực hiện trong 2 tháng đầu năm nay, triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5, mức khả quan so với năm 2023. Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5.

Sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề.

Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý trong khi xuất khẩu dù giảm 4,6% trong năm qua nhưng xét riêng quý cuối cùng của năm 2023, lĩnh vực này đã hồi phục gần 8,8% so với cùng kỳ.

tangtruong-5706.jpg
Những nhóm ngành được dự báo sẽ phục hồi và duy trì tăng trưởng trong năm nay

Tình hình khó có thể chuyển biến "một sớm một chiều", song năm 2024 được kỳ vọng là “vùng đệm” cho thị trường từng bước khôi phục niềm tin, các doanh nghiệp dần chinh phục các thách thức, những động lực dẫn dắt sự phục hồi rõ ràng hơn và các cơ hội được tái tạo. Đặc biệt, đây được coi là năm diễn ra những thay đổi lớn cả ở quy mô Việt Nam lẫn thế giới, tái định hình môi trường kinh doanh.

Xét trên phạm vi quốc tế, 2024 cũng là năm mà chính trường các nước sẽ có sự biến động. Đây là năm mà bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử với hơn 50 quốc gia chiếm hơn 60% GDP toàn cầu. Những người chiến thắng sẽ đưa ra các quyết định chính sách quan trọng không chỉ với riêng từng quốc gia, mà còn ảnh hưởng tới khu vực, lớn hơn còn mang tính toàn cầu. Với hàng loạt nguyên thủ quốc gia mới, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bước vào một giai đoạn rất khác so với hiện nay.

Trước bối cảnh như vậy, khả năng thích nghi, nhạy bén với sự thay đổi, cả tích cực lẫn tiêu cực chính là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn và thách thức, tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo đánh giá của Vietnam Report, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào “cỗ xe tứ mã” gồm: đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước; tăng cường đầu tư công - thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước và cuối cùng là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Dù không quá hứa hẹn cho một câu chuyện tăng trưởng đột phá sẽ diễn ra, nhưng với đòn bẩy từ việc phát huy các động lực truyền thống, cùng bệ phóng vững chắc từ môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, doanh nghiệp có cơ sở kỳ vọng 2024 sẽ là một “vùng đệm” quan trọng để chuyển giao sang thời kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Các tin khác