Trung Quốc và Ấn Độ vẫn luôn là hai quốc gia tiêu thụ vàng đứng đầu thế giới nhiều năm qua. Vì các thói quen tiêu dùng và văn hóa đặc trưng, người dân hai cường quốc tỷ dân này có nhu cầu rất cao về vàng trang sức, và đầu tư qua kênh vàng. Tùy từng năm, tùy vào thăng trầm của nền kinh tế và thói quen tiêu dùng mà hai nước thay nhau đứng đầu bảng xếp hạng về tiêu thụ kim loại quý này.
Năm 2023 chứng kiến sự đổi ngôi với việc Trung Quốc thay thế Ấn Độ trở thành nhà tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Lý do là bởi nhu cầu của Bắc Kinh đối với vàng trang sức năm qua tăng 10%, còn đầu tư vào vàng cũng tăng 28%. Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng năm 2023 do Hội đồng Vàng Thế giới nhận định Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của thị trường vàng năm qua.
Trong khi đó, nhu cầu về vàng trang sức của Ấn Độ năm qua giảm, chỉ tăng với kênh vàng đầu tư. Số liệu cho thấy, người tiêu dùng Ấn Độ năm qua tiêu ít hơn cho vàng nữ trang khoảng 6% so với năm 2022, với khoảng 562 tấn vàng. Trong khi nhu cầu kiếm lời từ loại kim loại này tăng 7%, lên 185 tấn. Về tổng thể, mua bán vàng của người dân Ấn Độ đã giảm khoảng 3% trong năm qua xuống còn 747 tấn.
Các số liệu này cho thấy sự chuyển động của thị trường vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ trong 12 tháng của năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động cực kỳ phức tạp. Và vì thế, các diễn biến này cũng rất khó lường. Theo Somasundaram, Giám đốc điều hành khu vực tại Ấn Độ của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của Ấn Độ năm 2023 giảm do chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá vàng thế giới tăng. Tính từ đầu năm, giá vàng tại Ấn Độ đã tăng hơn 13%, sau khi tăng hơn 10% vào năm 2023.
Trong mùa mua sắm cuối năm ngoái, việc giá tăng đã khiến doanh số bán vàng đi xuống. Bất chấp đợt lễ Navratri đã kích thích nhu cầu của người tiêu dùng Ấn Độ, thúc đẩy doanh số bán hàng trong kỳ lễ tiếp theo là Diwali trong tháng 11, tổng giá trị giao dịch vàng của Ấn Độ vẫn giảm.
Lý do là vì nhu cầu giảm trong tháng 12 – đợt mua sắm chính của người Ấn Độ, do giá vàng tiếp tục xu hướng tăng, dẫn đến nhu cầu trang sức trong quý 4 năm qua giảm 9% so với 1 năm trước đó. Điều này cho thấy người tiêu dùng Ấn Độ rất mẫn cảm trước các diễn biến về giá cả khi phải đưa ra các quyết định của mình. Dĩ nhiên, việc giá vàng tăng cũng thúc đẩy người tiêu dùng Ấn Độ chuyển đổi kênh đầu tư sang vàng. Tuy nhiên, mức tăng này là chưa đủ để cân bằng lại sự sụt giảm.
Một điều hiển nhiên là trong bối cảnh giá cả mặt hàng vàng biến động nhiều như trong năm 2023, và với giá trị cao của vàng, rất dễ xảy ra các vụ lừa đảo, tội phạm liên quan tới mặt hàng này. Tình hình ở Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ. Các loại tội phạm liên quan tới vàng có thủ đoạn khá tinh vi và phức tạp, không chỉ giới hạn trong biên giới Ấn Độ.
Một ví dụ điển hình là việc lực lượng điều tra an ninh mạng của bang Uttarakhand, Ấn Độ trong 2 năm qua đã phát hiện ra ít nhất 3 trường hợp lừa đảo trên mạng để lừa người dân đầu tư vào các trang web giao dịch vàng trực tuyến với lời quảng cáo kiếm được lợi nhuận khổng lồ.
Hình thức gian lận mạng tương đối mới này phức tạp hơn các vụ lừa đảo thông thường và liên quan đến một số công ty vỏ bọc hoạt động ở Ấn Độ có liên kết với những đối tượng ở nước ngoài như Hong Kong (Trung Quốc). Trong quá trình điều tra, nhà chức trách đã lần ra dấu vết của số tiền giao dịch lên tới 375 triệu USD.
Loại tội phạm phổ biến thứ hai liên quan tới vàng thời gian gần đây là việc buôn lậu vàng từ nước ngoài vào Ấn Độ. Theo thống kê chính thức, trong 10 tháng đầu năm 2023, các vụ buôn lậu vàng ở Ấn Độ đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ, với gần 4.800 vụ. Các lực lượng thực thi pháp luật nước này đã thu giữ gần 4 tấn vàng. Đây là số vụ buôn lậu vàng lớn nhất trong ít nhất 3 năm qua.
3 địa phương tại Ấn Độ có số vụ buôn lậu vàng bị phát hiện nhiều nhất là Maharashtra, Tamil Nadu và Kerala. 3 bang này chiếm hơn 60% tổng số vụ buôn lậu vàng được ghi nhận ở nước này cho đến nay. Dễ hiểu vì đây là các bang có số lượng người lao động đi làm ở nước ngoài nhiều, hoặc là đầu mối giao lưu kinh tế thương mại. Các chuyên gia cho rằng, với việc giá vàng tiếp tục tăng trên thị trường, mức thuế nhập khẩu cao tại Ấn Độ, tình trạng buôn lậu vàng sẽ còn gia tăng.
Chính quyền Ấn Độ đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn để phòng chống các loại tội phạm liên quan tới vàng. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền phổ biến tới người dân về các hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan tới vàng. Hải quan và lực lượng tình báo kinh tế của Ấn Độ cũng siết chặt việc kiểm tra, soi chiếu tại các cửa khẩu, điều tra các đường dây buôn lậu để ngăn chặn việc đưa lậu vàng vào trong nước, trốn thuế.
Về ngắn hạn, giá vàng gia tăng ở quy mô toàn cầu thời gian qua được cho là chịu sự chi phối của các căng thẳng địa chính trị như cuộc xung đột Nga – Ukraine hay xung đột Israel – Hamas tại Dải Gaza hay diễn biến tăng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của Ngân hàng Dự trữ Mỹ. Quyết định của các ngân hàng Trung ương lại chịu sự chi phối của các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát. Tất cả các yếu tố này diễn biến rất khó lường trong giai đoạn vừa qua, và còn kéo dài. Đây là lúc mà các nhà đầu tư toàn cầu vẫn muốn gia tăng nắm giữ vàng trước các rủi ro kinh tế.
Cũng cần thấy rằng các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi… cũng đang đóng góp tích cực vào việc thu mua vàng, đẩy giá lên. Việc họ gia tăng mua vàng không chỉ đáp ứng nhu cầu bên trong mà còn từng bước hướng tới mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD. Dĩ nhiên, vàng chỉ là một kênh đầu tư được lựa chọn nên sẽ có nhiều giải pháp khác để thực hiện các mục tiêu của mình.