Kinh tế đêm được kỳ vọng là 'liều doping' thúc đẩy du lịch

(ĐTTCO) - Hoạt động kinh tế, văn hóa về đêm, trong đó có du lịch đêm, trở thành 'gà đẻ trứng vàng' mang về doanh thu lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm cho nhiều quốc gia trên thế giới. 
Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chưa có điểm nhấn

Anh Oliver Jones, du khách đến từ Australia thẳng thắn nhận xét, du lịch đêm TPHCM chỉ bao gồm khám phá trung tâm TPHCM (nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện…), với trải nghiệm xe buýt 2 tầng, ăn tối trên sông Sài Gòn, đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xem biểu diễn rối nước, hoặc ghé các chợ đêm như Hồ Thị Kỷ (quận 10), phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3)…

Theo anh Oliver Jones, các sản phẩm du lịch đêm không tệ, nhưng cũng không ấn tượng lắm. Trong khi đó, đến với thủ đô Hà Nội, các sản phẩm du lịch đêm vẫn là đi bộ quanh Hồ Gươm, xem rối nước, tham quan phố Tạ Hiện… “Các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang thiếu sản phẩm du lịch đêm để cạnh tranh, hút khách so với một số thành phố của các quốc gia lân cận”, anh Oliver Jones chia sẻ.

Du khách nước ngoài thuởng thức ẩm thực Việt tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Du khách nước ngoài thuởng thức ẩm thực Việt tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhận xét về du lịch đêm chưa hấp dẫn, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng, chiến dịch quảng bá điểm đến của ngành chức năng chưa thực sự hiệu quả, các tỉnh thành có sản phẩm du lịch na ná nhau, giá hành trình cao, trong khi chuỗi cung ứng du lịch chưa thống nhất.

“Chúng ta có hơn 20 chợ đêm nổi tiếng tại Việt Nam nhưng chưa có chợ đêm nào tạo được thương hiệu hoặc ngang hàng với các chợ đêm khác tại các nước trong khu vực”, ông Tuyên nói.

Với kinh nghiệm 25 năm trong ngành du lịch và có cơ hội học hỏi cách làm du lịch của nhiều quốc gia, ông Vũ Văn Tuyên cho rằng: “Giá tour không phải là vấn đề lớn nhất cản trở du khách. Khách sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn nhưng họ phải cảm thấy hài lòng với dịch vụ mà họ nhận lại”.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thành phố có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng địa chỉ cố định và hàng vạn các cơ sở quán ăn lề đường, đường phố. Thời gian qua, TPHCM đã thúc đẩy các lợi thế cũng như xây dựng các phố ẩm thực đặc trưng, hoạt động văn hóa trải nghiệm như City tour về đêm.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì theo đại diện Sở Du lịch TPHCM, vẫn còn những trăn trở và mong muốn đề xuất. Cụ thể, với dịch vụ kinh tế ban đêm cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, hộ kinh doanh và người dân để không dẫn tới tình trạng tự phát.

Xây dựng mô hình đặc sắc, tiêu chí rõ ràng

Để sản phẩm du lịch đêm “sống được”, phát triển ổn định và bền vững, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly cho rằng, cần tạo nét riêng với nhiều hoạt động vui chơi, mua sắm, trải nghiệm và các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Tại TPHCM, Bến Bạch Đằng (quận 1) có thể đầu tư loại hình du lịch “Trên bến dưới thuyền”, còn khu vực Chợ Lớn, điểm nhấn là chợ Bình Tây (quận 6) cần có loại hình mua sắm, ẩm thực gắn với cuộc sống của người dân bản địa.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, nêu ý kiến, để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động kinh tế, văn hóa đêm cần xây dựng các địa điểm cung cấp dịch vụ trước và sau 22 giờ. Đối với các khu vực phục vụ xuyên đêm nên nằm ngoài khu dân cư nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng.

“Tại TPHCM, một số nơi đủ điều kiện hình thành các tổ hợp kinh tế đêm mà không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, chẳng hạn Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)... Tất nhiên, cần kết nối, xây dựng cầu tàu để phát triển sản phẩm du lịch cả đường bộ lẫn đường sông”, ông Mẫn gợi ý.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, sở đã ban hành kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với 4 nhiệm vụ, triển khai ngay trong năm 2023, gồm: tổ chức chương trình tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội; đưa vào hoạt động không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) vào tháng 9; tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn” trong tháng 10; xây dựng và quảng bá video clip “Motion Graphic - quảng bá các sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội” đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Về dài hạn, ngành du lịch thủ đô sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số mô hình du lịch đêm tại các địa phương có thế mạnh, tiềm năng. Trong đó, tập trung theo 2 hướng: hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Tây Hồ) và quy hoạch, xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp (dự kiến ở khu vực ngoại thành).

Nhằm đưa hoạt động du lịch đêm trở nên quy củ, phát triển bền vững, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu kiến nghị, cần có quy định về hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm, thời gian hoạt động, giấy phép hoạt động, các tiêu chuẩn cho từng loại hình kinh doanh cũng như quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cho từng đơn vị để phân quyền một cách rõ ràng.

Mỗi địa phương cần có những sản phẩm đặc thù để chăm chút, xây dựng mô hình; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia cũng như tạo ra các sản phẩm đặc thù để tăng trải nghiệm và chi tiêu của du khách. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm trong phát triển sản phẩm du lịch đêm là xử lý tiếng ồn, bởi những hoạt động về ban đêm thường gây ra tiếng ồn trong quá trình tổ chức hoạt động giải trí, ảnh hưởng tiêu cực tới người dân và khu vực.

“Phải tạo sức hút từ sản phẩm du lịch ban đêm mà không chèo kéo, chặt chém du khách. Đây là vấn đề cần quán triệt tới các hộ kinh doanh khi thực hiện phát triển sản phẩm du lịch đêm”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

PGS-TS VÕ THỊ NGỌC THÚY, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen: Hoàn thiện khung pháp lý phù hợp

Các hoạt động kinh tế, văn hóa về đêm cần được nghiên cứu và có các cách thức quản lý phù hợp để vừa lôi cuốn được người dân, khách du lịch, nhà đầu tư vừa không ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân. Theo đó, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm như quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian, tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng...); chính sách về giao thông ban đêm; đảm bảo an ninh, trật tự; khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động kinh tế đêm.... theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế đêm.

Mỗi địa phương nên xây dựng mô hình hoạt động mang dấu ấn riêng biệt của mình, trong đó cần quan tâm đến hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng, có bản sắc riêng để giữ chân du khách. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật phải có chiều sâu văn hóa, lịch sử đồng thời có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng thế giới.

Ông NGUYỄN HOÀNG TRƯỞNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietsun Travel: “Kích hoạt” dịch vụ giải trí đêm

Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Australia,… các khu phố đêm của họ rộng rãi, trải dài những hoạt động vui chơi, giải trí xuyên đêm. Khách dễ dàng hòa mình vào nhịp sống sôi động, trút bỏ hết ưu phiền để cảm nhận nét văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Chẳng hạn, sản phẩm thưởng thức ẩm thực, ngắm hai bên dòng sông Chao phraya (Bangkok, Thái Lan) xinh đẹp hay du thuyền trên bến Thượng Hải (Trung Quốc) luôn náo nhiệt, thu hút hàng ngàn lượt khách lên xuống tàu mỗi đêm. Tại đây có hàng loạt chương trình biểu diễn trực tiếp trên thuyền vào ban đêm cực kỳ hấp dẫn. Du khách nhỏ hay lớn tuổi đều được đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ (hát, nhảy múa…), thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc phù hợp. Hay như phố đêm ở Tokyo (Nhật Bản), Đức, Hà Lan… đều rất sống động khi màn đêm buông xuống, các tiết mục âm nhạc biểu diễn theo giờ đan xen trên những con phố kinh doanh thời trang sầm uất. Ngay như tại Campuchia, quốc gia này cũng đầu tư cho show diễn “Smile of Angkor” mang đậm chất sử thi kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật, thể hiện xuyên suốt chiều dài văn hóa - lịch sử của đất nước, được du khách đánh giá cao.

TPHCM có lợi thế là năng động, con người thân thiện, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thế nên các sở ngành chức năng của thành phố cần ngồi lại với các doanh nghiệp để tìm hướng phát triển sản phẩm mới đặc trưng và “không đụng hàng”.

THI HỒNG ghi

Các tin khác