Cuối tuần này, Mỹ, Canada và các đồng minh châu Âu tuyên bố loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để tăng áp lực lên Moskva.
Tuy nhiên, hiện các nhà lãnh đạo phương Tây đang chia rẽ về việc liệu có cấm Nga tham gia SWIFT hay không. Nếu như quyết định được thông qua, lệnh cấm sẽ giáng một đòn trí mạng vào các ngân hàng Nga cùng mọi hoạt động thương mại xuyên biên giới của nước này.
Vai trò của SWIFT với Nga và thế giới
SWIFT, hay Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, được thành lập cách đây hơn 35 năm, với sự tham gia của 239 ngân hàng từ 15 nước. Đến thời điểm này, SWIFT đã liên kết hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính trên toàn thế giới. Hệ thống này xử lý 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trị giá hàng nghìn tỷ USD. Riêng Nga chiếm 1,5% giao dịch trong SWIFT vào năm 2020.
“SWIFT là mạng lưới toàn cầu trung lập được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng gồm hơn 11.000 tổ chức tại 200 quốc gia”, Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế tuyên bố.
Nếu bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga vẫn có thể thực hiện giao dịch xuyên biên giới, tuy nhiên hoạt động này sẽ tốn kém và khó khăn hơn. Các giao dịch với nước ngoài sẽ phải dựa vào các công cụ liên lạc kém hiệu quả hơn, chẳng hạn như email và telex. Vì vậy, càng nhiều ngân hàng Nga bị Liên minh châu Âu và Mỹ nhằm vào thông qua SWIFT, việc kinh doanh với nước ngoài của quốc gia này sẽ càng bị cản trở.
Nghiêm trọng hơn, lệnh cấm tham gia SWIFT sẽ hạn chế nguồn lợi nhuận quốc tế của Nga từ xuất khẩu dầu và khí đốt - vốn chiếm hơn 40% doanh thu của nước này.
“Con át chủ bài” SWIFT vẫn nằm trong vòng tranh cãi
Từ lâu, SWIFT đã được đưa vào phương án trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu (EU). Lệnh cấm không được cân nhắc trong những đòn trừng phạt ban đầu. Thay vào đó, biện pháp nghiêm trọng này được coi như “con át chủ bài” nhằm tăng thêm tính răn đe trước những động thái của Moskva. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng Ukraine đã bước vào giai đoạn xung đột toàn diện, lãnh đạo các nước phương Tây đang tranh luận về việc có nên đẩy nhanh việc sử dụng “lá bài” cuối cùng hay không.
Hôm 24/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thúc đẩy việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Nhưng sau đó, ông thừa nhận rằng vấn đề này cần được sự đồng thuận giữa các đồng minh phương Tây. Hiện ông đang nỗ lực kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu triển khai thêm đòn trả đũa cứng rắn.
“Anh sẽ làm việc với các đồng minh để ngăn chặn quyền truy cập vào hệ thống thanh toán SWIFT của Nga”, phát ngôn viên của Thủ tướng Johnson cho biết.
Cùng ngày, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cho biết ông muốn EU áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, bao gồm việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Theo Tổng thống Séc, ưu tiên hàng đầu hiện nay là cô lập Tổng thống Nga Putin.
Người đứng đầu nhiều quốc gia khác - bao gồm Thủ tướng Canada Justin Trudeau, lãnh đạo Baltic và Ba Lan - cũng ủng hộ việc loại Nga khỏi SWIFT. Tuy nhiên, một số nước tỏ ra thận trọng hơn trước vấn đề này.
Cùng ngày thứ Năm (24/2), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng Đức và EU đều còn e ngại quyết định này.
Một quan chức G7 khác giải thích nguyên nhân một số nước thành viên chưa muốn tung ra đòn trừng phạt về thanh toán quốc tế vì cấm Moskva tham gia SWIFT cũng tương đương với ngăn cản chính họ thanh toán cho các giao dịch thu mua nhiên liệu từ Nga. Việc này có thể gián tiếp khiến giá nhiên liệu quốc tế tăng. Đây cũng là vấn đề khiến Washington đau đầu.
Tổng thống Biden từng nói rằng ông không muốn các lệnh trừng phạt làm tăng giá xăng dầu và tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Ngoài những nguy cơ gây hại cho nền kinh tế toàn cầu, một số thành viên G7 cũng lo ngại rằng việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ thúc đẩy quan hệ Nga-Trung. Từ đó, hai cường quốc này có thể hợp tác tạo ra một hệ thống thanh toán không cần đến đồng USD - điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây không mong muốn.
Nga có biện pháp nào để thay thế SWIFT không?
Nga đã tạo ra một hệ thống giao dịch riêng để thay thế cho SWIFT. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đánh giá rằng hệ thống này chưa thể thế chân được mạng lưới thanh toán quốc tế - xét đến cuối năm 2020, hệ thống mới chỉ có 400 thành viên từ 23 quốc gia.
Một lựa chọn khác cho Moskva là hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc - mạng lưới có thể giúp Nga-Trung không cần phụ thuộc vào SWIFT. Đây là mối quan ngại lớn đối với các nước châu Âu, bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nếu Nga-Trung hợp tác thành công trong lĩnh vực này, hệ thống tài chính toàn cầu do đồng USD thống trị hiện nay sẽ bị ảnh hưởng và làm suy yếu quyền lực của phương Tây.
Tiền điện tử
Nga có thể sử dụng tiền điện tử để đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Tuy nhiên, hoạt động tiền điện tử của Nga trong những năm qua đã giảm sút đáng kể, vì vậy, các chuyên gia cho rằng Moskva khó có thể thay thế hoàn toàn SWIFT bằng biện pháp này. Hơn nữa, các quốc gia và ngân hàng chọn giúp Nga trốn tránh lệnh trừng phạt có thể phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ hàng chục nước trên thế giới.
Dù chưa chắc liệu Nga có bị cấm hoàn toàn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế hay không, ông Biden khẳng định các lệnh trừng phạt hiện có cũng có thể tác động lớn đến nền kinh tế nước này.
Các lệnh nhằm vào hàng loạt cá nhân và tổ chức của Nga, bao gồm cả hai ngân hàng hàng đầu trong khu vực là Sberbank và VTB. Chính quyền Biden cũng áp đặt các lệnh kiểm soát xuất khẩu, khiến các công ty Nga thuộc lĩnh vực quốc phòng, hàng không và hàng hải không thể tiếp cận công nghệ của Mỹ.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng việc tăng cường các biện pháp trừng phạt vẫn đang được cân nhắc, bao gồm cả SWIFT.
“Việc ông Putin gây hấn với Ukraine sẽ khiến Nga phải trả giá đắt”, ông Biden nói.
Trong khi đó, Ukraine đang thúc đẩy phương Tây hành động mạnh tay hơn để ngăn cản bước tiến của Nga.