Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia Teten Masduki đã hối thúc các nhà bán lẻ hàng ăn tham gia kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh quốc gia này được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á với tiềm năng đạt 4,5 triệu tỷ rupiah (302 tỷ USD) vào năm 2030.
Phát biểu tại một sự kiện ngày 21/8, Bộ trưởng Teten nói: “Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) muốn rằng nền kinh tế kỹ thuật số khổng lồ của Indonesia ở Đông Nam Á cũng phải được các nhà cung cấp súp thịt viên khai thác”, đồng thời cho biết đã nhận được Tổng thống yêu cầu hướng dẫn các nhà cung cấp mặt hàng này tham gia hệ sinh thái kỹ thuật số nhằm mở rộng kinh doanh.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa 30 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia thị trường kỹ thuật số vào năm 2024, tăng mạnh so với mức 19,5 triệu trong năm nay. Ông Teten bày tỏ lạc quan rằng mục tiêu này sẽ đạt được với sự tham gia của các nhà cung cấp mì và súp thịt viên.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp mì gà và súp thịt viên (Papmiso) Bambang Haryanto cho biết hiện 1.200 trong số 50.000 thành viên của tổ chức này đã tham gia kinh doanh trực tuyến.
Nền tảng giao đồ ăn GoFood hiện có 62.700 nhà cung cấp thực phẩm, trong khi con số này lên tới 120.000 trên Grab Food. Bộ trưởng Teten bày tỏ hy vọng rằng tất cả 50.000 thành viên của Papmiso sẽ kêt nối kinh doanh trực tuyến trong 2 năm tới.
Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng giúp đỡ các nhà cung cấp mì và súp thịt viên làm thủ tục đăng ký kinh doanh, tiếp cận các ngân hàng để được hỗ trợ vốn theo chương trình Tín dụng kinh doanh nhân dân (KUR), cũng như xin giấy phép phân phối và chứng chỉ halal./.