Kinh tế thế giới 2016

(ĐTTCO) -  Một thế giới ngày càng hội nhập khiến hiệu ứng lan tỏa toàn cầu ngày càng mạnh. Sau đây là những sự kiện ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới trong năm vừa qua, do ĐTTC bình chọn.

(ĐTTCO) -  Một thế giới ngày càng hội nhập khiến hiệu ứng lan tỏa toàn cầu ngày càng mạnh. Sau đây là những sự kiện ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới trong năm vừa qua, do ĐTTC bình chọn.

1. Trump đắc cử

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ đúng ra là một sự kiện chính trị, tuy nhiên lại là sự kiện có sức ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế thế giới năm nay và các năm tiếp theo, cùng với sự phổ biến của chính sách kinh tế Trump (Trumponomics). Dựa vào các phát ngôn trước khi vào Nhà Trắng của ông Trump, giới học giả đã tóm lược sơ qua về Trumponomics.

Theo đó, dự báo sau khi lên làm Tổng thống, ông Trump sẽ mang tới những đổi thay ở Hoa Kỳ như: thuế rẻ hơn, chi đầu tư hạ tầng nhiều hơn, hạn chế thương mại với nước ngoài và GDP tăng trưởng mạnh hơn. Vì Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất của nhiều nước, nên việc đổi thay chính sách tại đây sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đáng chú ý, nhiều khả năng TPP sẽ bị “đứt gánh” vì chính sách hạn chế thương mại của ông Trump.

 2.  Brexit

Người Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6. “Cuộc hôn nhân đứt gánh” giữa Anh và EU sau 23 năm chung sống có thể khiến EU có nguy cơ tan rã thành nhiều quốc gia với các nền kinh tế độc lập, xóa sổ một thị trường chung, một nền kinh tế chung và một liên minh về mặt chính trị. Nếu có trụ lại, EU sẽ trở nên chia rẽ và suy giảm tiếng nói trên trường quốc tế.

Nguy hiểm hơn, một số quốc gia thành viên EU ngày càng có xu hướng liên kết nội khối dựa trên lợi ích riêng. Brexit làm đồng EUR và bảng Anh giảm giá chóng mặt so với USD, nên các dòng vốn thi nhau rời châu Âu để hướng tới những thị trường an toàn hơn, trong đó có trái phiếu Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và yen Nhật Bản, và điều này tiếp tục làm mạnh hơn đồng USD hoặc đồng yen.

Đồng USD tăng giá cũng tạo sức ép lên đồng NDT của Trung Quốc, vì nước này bị “mắc kẹt” giữa 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Hoa Kỳ (nơi dùng USD) và EU (nơi dùng EUR). 

3. OPEC hạ sản lượng

Lần đầu tiên kể từ tháng 12-2008, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng thuận hạ sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp vào tháng 9. Mặc dù quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017 và kéo dài trong 6 tháng, thị trường dầu mỏ thế giới đã có những phản ứng tức thời.

Động thái này của OPEC, cộng với hành động tương tự của các nước ngoài OPEC như Nga, đã giúp giá dầu hồi phục mạnh mẽ. Mặc dù giá dầu tăng giúp triển vọng của ngành công nghiệp “vàng đen” tươi sáng hơn và thúc đẩy nền kinh tế của các nước giàu dầu mỏ, nhưng nó lại khiến người tiêu dùng trên thế giới chi tiêu đắt đỏ hơn. Giá dầu lao dốc trước đó đã đẩy một số quốc gia sản xuất dầu mỏ như Brazil và Venezuela rơi vào vòng xoáy suy thoái.

Ngay cả quốc gia nổi tiếng chi tiêu xa hoa như Saudi Arabia cũng phải cắt giảm chi tiêu. Một vấn đề khác là việc thực thi cam kết của các thành viên. Lịch sử cho thấy thành viên OPEC thường phá vỡ cam kết, tiếp tục bơm dầu thay vì cắt giảm như đã hứa, và khiến cho toàn bộ thỏa thuận bị đổ bể. 

4. FED nâng lãi suất

Ngày 15-12 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 0,5-0,75%/năm. Ngay lập tức, quyết định này đã đẩy giá USD lên cao hơn, trong khi đồng tiền này vốn đã cao hơn một số đồng tiền chính như EUR hay NDT trong suốt năm qua.

USD tăng giá và triển vọng FED nâng lãi suất thêm vào năm 2017 đã khiến xuất hiện dòng vốn chảy ngược từ các nước thị trường mới nổi và đang phát triển về lại Hoa Kỳ, khiến nền kinh tế nhiều nước rơi vào cảnh lao đao. Ngoài ra, đồng tiền của nhiều nước tiếp tục bị sức ép tỷ giá khi FED nâng lãi suất. Đồng ringgit của Malaysia đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Nhiều công ty Malaysia có khoản nợ lớn bằng đồng USD, vì vậy việc trả nợ sẽ trở nên tốn kém hơn rất nhiều. Indonesia và Philippines cũng sẽ bị chịu ảnh hưởng, nhưng đây là 2 nước giàu tài nguyên nên giá cả hàng hóa tăng sẽ có lợi cho họ. Tại Việt Nam, sức ép lên tỷ giá VNĐ cũng rất lớn.

 5. Khủng hoảng Venezuela

Những khó khăn về kinh tế đã kéo Venezuela vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và xã hội trong suốt hơn 2 năm qua. Những biện pháp cải tổ kinh tế mới nhất của Tổng thống Nicolas Maduro vẫn không cứu vãn được tình hình, trong khi phe đối lập được sự hỗ trợ của các thế lực thù địch không ngừng chống phá.

Thất bại trong việc kiểm soát giá cả, thiếu ngoại tệ và giá dầu mỏ giảm sâu đã khiến Venezuela phải rất chật vật trong việc nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu. Dân Venezuela đang phẫn nộ và trong tình cảnh khốn khổ vì những tờ tiền 100 bolivar không còn giá trị trong khi những tờ tiền mới mệnh giá 500 bolivar chưa xuất hiện tại ngân hàng hoặc các trụ ATM.

Việc ngừng sử dụng đồng tiền này một cách bất ngờ và trước khi những tờ tiền có mệnh giá lớn hơn được công bố đã dẫn tới sự thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng trong dân chúng. Nhiều người đã đổ ra đường biểu tình và cướp bóc các cửa hàng, siêu thị. Cá biệt có nơi dân còn phá ngân hàng và đốt tờ 100 bolivar.

6. Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, NDT lao dốc

Vào các ngày 4 và 7-1, thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến những đợt bán tháo mạnh khiến thị trường giảm tới 7% và làm rung lắc các thị trường chứng khoán toàn cầu. Từ ngày 4 đến 15-1, thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi gần 18%.

Đồng NDT rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2011 khiến hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn trên thị trường xuất khẩu, nhưng lại khiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán làm dấy lên tâm lý bất an về nền kinh tế Trung Quốc, vốn bị cho rằng được xây dựng trên nhiều yếu tố bất ổn như nợ ngân hàng chính thức và phi chính thức đều quá lớn, nhà đất bị đầu cơ... Sự bất an này khiến dòng vốn cả trong nước và nước ngoài đều tìm đường tháo chạy. Theo kịch bản của Fitch Ratings, cùng với sự sụt giảm của đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 2,3% mỗi năm.

 7. Khủng hoảng Deutsche Bank

Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gióng hồi chuông báo động với ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank (DB), cho rằng đây là nguồn rủi ro lớn nhất với hệ thống ngân hàng thế giới. Nhà băng này hiện có hơn 100.000 CBCNV. Đến tháng 10, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu DB trả 14 tỷ USD để dàn xếp vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp giai đoạn năm 2005-2007.

Nhiều người lo ngại nhà băng này sẽ trở thành một Lehman Brothers thứ 2, kéo cả thế giới vào một cuộc khủng hoảng. Lo ngại về tương lai của DB khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm xuống mức đáy trong hơn 20 năm, một số quỹ đầu tư rút tài sản ra khỏi DB. Không những thế, hiệu ứng DB cũng khiến nhiều mã chứng khoán ngân hàng lớn ở châu Âu và Hoa Kỳ cũng giảm theo. DB hiện có giá trị khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương hơn một nửa quy mô nền kinh tế Đức.

8. Galaxy Note 7 phát nổ

Samsung Electronics đã có một khởi đầu khá tươi sáng cho năm 2016, nhưng tất cả đã tan thành sương khói sau khi hãng phải đưa ra quyết định thu hồi toàn bộ điện thoại thuộc dòng Galaxy Note 7. Một vài chiếc Note 7 đã phát nổ, gây nên làn sóng lo ngại về tính an toàn của sản phẩm mũi nhọn này. Thậm chí Note 7 còn bị cấm mang lên máy bay.

Từ chỗ được ngợi ca và đang giúp Samsung lấy lại thị phần từ đối thủ Apple, 2,5 triệu chiếc Note 7 bị thu hồi khiến Samsung thiệt hại nhiều tỷ USD. Cổ phiếu của hãng lao dốc, khoảng 17 tỷ USD giá trị vốn hóa “bốc hơi”. Việc Note 7 phát nổ cũng ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vì Samsung đặt nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới ở nước ta.

Các tin khác