Rạn nứt từ Đông sang Tây
Với những mâu thuẫn địa chính trị và quân sự chưa có hồi kết, có thể nói thế giới đang ngày càng rạn nứt từ Đông sang Tây. Đầu tiên là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa ngã ngũ, với các chính sách trừng phạt lẫn nhau vẫn còn tiếp diễn. Cuộc chiến này ảnh hưởng đến toàn bộ thương mại thế giới, vì Mỹ là đối tác thương mại lớn của hầu hết các nước, trong khi Trung Quốc là nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất, được xem là “công xưởng” của thế giới. Kế đó là xung đột vũ trang Nga-Ukraine, 2 nước đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu; Nga lại là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu.
2 cuộc chiến kinh tế và quân sự này còn khiến thế giới phân mảnh nhiều hơn, bởi trong mỗi cuộc chiến, các nước còn lại hầu hết phải “chọn phe”. Trong khi đó, thế giới suốt hơn 2 năm qua còn bị tác động bởi các chính sách kiểm dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với những mặt hàng quan trọng như lương thực, năng lượng, chip bán dẫn và các nguyên vật liệu sản xuất.
Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay dự báo sẽ trầm trọng hơn nhiều do tác động từ Covid, biến đổi khí hậu và chiến tranh. Theo Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP), tại 82 nước WFP đang hoạt động, có tới khoảng 345 triệu người đối mặt tình trạng thiếu đói, tăng hơn gấp đôi so với trước đại dịch. Tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi Nga cắt nguồn cung dầu và khí đốt, khiến lục địa già đối mặt với mùa đông băng giá.
Giá năng lượng và các loại hàng hóa cơ bản tăng cao khiến lạm phát trên toàn thế giới tăng vọt. Chẳng hạn, lạm phát ở Mỹ hiện cao nhất 40 năm, ở Pháp cao nhất kể từ năm 1991, Tây Ban Nha cao nhất trong 37 năm, Hàn Quốc cao nhất 24 năm… Điều này khiến ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước lớn như Mỹ, Anh, EU phải liên tục nâng lãi suất. Fed của Mỹ đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp, trong đó 3 lần gần nhất tăng tới 0,75%; NHTƯ Anh đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp; ECB tăng lãi suất kỷ lục 0,75% vào ngày 8-9 và cam kết tiếp tục tăng…
Nguy cơ suy thoái toàn cầu
USD, EUR, bảng Anh là những đồng tiền chính của thế giới, nên khi NHTƯ quản lý các đồng tiền này tăng lãi suất, sẽ có tác động lên toàn thế giới. Nó khiến các khoản nợ bằng những đồng tiền này có lãi suất cao hơn, đồng thời khiến chúng đắt đỏ hơn vì giá các đồng tiền này thường chuyển động cùng chiều với việc nâng lãi suất.
Vì vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo khi các NHTƯ trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất, thế giới có thể tiến tới suy thoái toàn cầu vào năm 2023, cùng với đó một loạt cuộc khủng hoảng tài chính ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ bùng phát. Các nhà phân tích dự báo các NHTƯ sẽ tăng lãi suất toàn cầu lên gần 4% cho đến năm 2023, tăng hơn 2% so với mức trung bình năm 2021.
Theo nghiên cứu của WB, trừ khi gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm bớt, những đợt tăng lãi suất đó có thể khiến tỷ lệ lạm phát cơ bản toàn cầu ở mức khoảng 5% vào năm 2023 - gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch. Để cắt giảm lạm phát toàn cầu xuống tỷ lệ phù hợp với mục tiêu của các NHTƯ, họ có thể cần phải tăng lãi suất thêm 2%. Nếu điều này đi kèm với căng thẳng tài chính, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,4% vào năm 2023.
WB cho rằng nền kinh tế toàn cầu hiện đang trong giai đoạn hướng tới suy thoái mạnh nhất kể từ năm 1970. Niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu đã sụt giảm mạnh hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái trước đó. 3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Eurozone đã giảm tốc đáng kể. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả một tác động vừa phải đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, cũng có thể đẩy nó vào suy thoái. WB khuyến cáo các NHTƯ nên kiên trì trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, nhưng phải hành động phối hợp với nhau mới có thể giúp thế giới tránh được cuộc đại suy thoái.
Nước nào vì nước đó
Thế nhưng, sự phối hợp này khó đạt được, theo Bloomberg, bởi mỗi quốc gia đều đặt quyền lợi của nước họ lên trước tiên. Đặc biệt, trước làn sóng tăng lãi suất của Fed, các quốc gia đang bị buộc phải xây dựng hàng phòng thủ cho riêng mình, không có dấu hiệu nào cho thấy các chính phủ sẵn sàng hành động cùng nhau. Vì thế, dù các vấn đề trên thị trường tiền tệ hiện nay gợi nhớ đến những năm 1980, nhưng các giải pháp khó có thể xảy ra.
Vào thời điểm đó, các siêu cường kinh tế thế giới đã đồng ý giải quyết vấn đề sức mạnh đồng USD, bằng việc đi đến một thỏa thuận vào năm 1985 với Hiệp định Plaza. Ngược lại, hiện nay có rất ít dấu hiệu cho thấy một hiệp ước như vậy sẽ được ra đời, bởi các lợi ích kinh tế quốc gia khác nhau. Viraj Patel, chiến lược gia tại Vanda Research, cho biết: “Sự phối hợp của các quốc gia để có Hiệp định Plaza mới phải có sự tham gia của Mỹ. Nhưng gần như 100% Mỹ sẽ không hành động để làm suy yếu đồng USD”.
Ngày 22-9, NHTƯ Nhật Bản (BOJ) đã hành động trực tiếp để hỗ trợ đồng yên lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Bằng hành động này, Nhật Bản gia nhập nhóm quốc gia có hành động trực tiếp trên thị trường ngoại hối, bao gồm Chile, Ghana, Hàn Quốc và Ấn Độ. NHTƯ của Thụy Sĩ cho biết tại quyết định chính sách hôm 22-9 rằng họ sẵn sàng can thiệp vào ngoại hối nếu cần.
George Boubouras, Trưởng nhóm nghiên cứu tại quỹ đầu cơ K2 Asset Management, cho biết: “Đó là kịch bản mỗi người vì chính mình, vì thế giới ngày nay phân mảnh hơn nhiều so với những năm 1980. Cơ hội phối hợp toàn cầu để làm suy yếu đồng USD gần bằng 0. Vì vậy, dự báo chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh tiền tệ đảo ngược hơn”.
Một điểm khác biệt chính so với những năm 1980 là quy mô tuyệt đối của giao dịch ngoại hối ngày nay, với doanh thu trung bình hàng ngày đạt 6,6 nghìn tỷ USD trong cuộc khảo sát 3 năm gần đây nhất, do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện vào năm 2019. Con số này tăng từ 5,1 nghìn tỷ USD chỉ 3 năm trước đó và lớn hơn đáng kể so với hồi năm 1986, khi BIS bắt đầu loại khảo sát hoạt động này.
Thế giới ngày nay đang trong vòng xoáy suy thoái bởi yếu tố chính trị cũng như lợi ích kinh tế của từng quốc gia. |