Kinh tế thế giới tuần qua

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục, kinh tế Hoa Kỳ có nhiều dấu hiệu khả quan, thặng dư mậu dịch Eurozone tăng so với cùng kỳ… là những tin đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục, kinh tế Hoa Kỳ có nhiều dấu hiệu khả quan, thặng dư mậu dịch Eurozone tăng so với cùng kỳ… là những tin đáng chú ý tuần qua.

Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách vào thứ sáu tuần trước (13-6), BOJ cho biết sẽ tiếp tục tăng cung tiền cơ sở hàng năm từ 60.000-70.000 tỷ yen, như dự đoán của các chuyên gia trước đó. Tokyo cũng cho biết sẽ cắt giảm thuế suất doanh nghiệp.

Theo đó, mức thuế suất sẽ được đưa xuống dưới 30% trong vòng vài năm, và sẽ dao động từ 20-29%. Hiện Nhật Bản là nước có thuế doanh nghiệp cao thứ nhì trong các nước thành viên OECD, chỉ sau Hoa Kỳ, từng bị chỉ trích là trở lực lớn kìm hãm nền kinh tế phát triển. Niềm tin tiêu dùng tăng, hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển mạnh là những dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế Nhật Bản đang dần vượt qua thời kỳ khó khăn sau đợt tăng thuế giá trị gia tăng đầu tháng 4.

Cụ thể, tháng 5, niềm tin tiêu dùng đã phục hồi, lên mức cao nhất kể từ tháng 1-2014 sau khi giảm mạnh trong tháng 4. Trong khi đó, yen đã tăng 3% so với USD tính đến thời điểm hiện tại, đe dọa đến tốc độ lạm phát của Nhật Bản. Bloomberg cho biết, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Nhật Bản sẽ tăng cường kích thích trong năm nay để đạt được mức lạm phát mục tiêu.

Trong khi đó, bức tranh kinh tế Trung Quốc có những biểu hiện trái chiều trong 5 tháng đầu năm. Ngày 13-6, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết sản lượng công nghiệp tăng 8,8% trong tháng 5, nhỉnh hơn so với mức tăng 8,7% của tháng 5-2013 và khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Wall Street Journal. Tuy nhiên, so với tháng 4, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 0,71%.

Một tín hiệu tích cực khác đối với kinh tế Trung Quốc là doanh số bán lẻ trong tháng 5 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt ước tính trung bình của các chuyên gia là 12,1%. Doanh số bán lẻ cũng tăng 1,16% so với mức tăng 0,82% của tháng 4. Tuy nhiên, doanh số bán nhà của 5 tháng đầu năm giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1.970 tỷ NDT (317,3 tỷ USD). Thị trường bất động sản vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc.

BOJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục.

BOJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục.

Tại châu Âu, Eurostat cho biết tổng thặng dư thương mại của 18 nước thuộc Eurozone trong tháng 4 đạt 15,7 tỷ EUR (21,2 tỷ USD), cao hơn so với 14 tỷ EUR cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với 16,7 tỷ EUR của tháng 3. Cụ thể, tháng 4 xuất khẩu giảm 0,2% và nhập khẩu giảm 0,5% so với tháng 3 dựa trên số liệu đã điều chỉnh theo mùa.

Thặng dư thương mại tăng là dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế Eurozone đang trên đà phục hồi sau khi suy yếu trong quý I. Tuy nhiên, sự phục hồi lại rất mong manh do thặng dư tăng là nhờ nhập khẩu giảm, phản ánh thực trạng chi tiêu dùng trong khu vực vẫn yếu. Ngoài ra, Eurostat cũng công bố số liệu về tỷ lệ người có việc làm trong quý I của Eurozone. Theo đó, số người được tuyển dụng tăng 0,1% so với quý IV-2013, số liệu đã được điều chỉnh theo mùa.

Ngày 12-6, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết doanh số bán lẻ (số liệu đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ) tăng 0,3% trong tháng 5. Con số này thấp hơn so với số liệu đã điều chỉnh của tháng 4 là 0,5% và dự báo 0,7% của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch. Trong 3 tháng tính đến tháng 5, doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ bán hàng trong tháng 4 và 5 đều cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng ở mức trung bình trong mùa xuân sau khi suy yếu do thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Doanh số bán lẻ chiếm khoảng 1/3 chi tiêu tiêu dùng - động lực chính của hoạt động kinh tế Hoa Kỳ. 

Các tin khác