Kinh tế thế giới tuần qua

Đức đưa chương trình mua trái phiếu của ECB lên tòa án châu Âu, Toyota thiếu ngoại tệ nhập linh kiện cho nhà máy lắp ráp tại Venezuela, công trình mở rộng kênh đào Panama bị đình trệ… là những tin đáng chú ý trong tuần qua.

Đức đưa chương trình mua trái phiếu của ECB lên tòa án châu Âu, Toyota thiếu ngoại tệ nhập linh kiện cho nhà máy lắp ráp tại Venezuela, công trình mở rộng kênh đào Panama bị đình trệ… là những tin đáng chú ý trong tuần qua.

Tòa án Hiến pháp Đức đã nêu ra những mối nghi ngại xung quanh chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và quyết định gởi hồ sơ vụ việc này lên Tòa án Tư pháp châu Âu. Chương trình mua trái phiếu của ECB được công bố vào tháng 8-2012, cho phép ECB mua không giới hạn các khoản nợ nhà nước ở những quốc gia bị khủng hoảng, được đánh giá là vũ khí hiệu quả nhất chống lại khủng hoảng khu vực đồng EUR và xoa dịu những mối lo ngại về một sự sụp đổ của Eurozone.

Tuy nhiên, một số người đã cáo buộc chương trình là một hình thức tiền tệ hóa nợ công, vượt quá thẩm quyền của ECB, thậm chí vi phạm Hiệp ước Maastricht.

Hãng smartphone HTC cho biết đã ký kết một thỏa thuận hợp tác công nghệ và bằng sáng chế với gã khổng lồ Nokia, các điều khoản đầy đủ của thỏa thuận được giữ kín. Nokia bắt đầu kiện HTC về bằng sáng chế vào năm 2012 và đã nộp hơn 50 đơn kiện trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DoJ) quyết định dừng cuộc điều tra chống độc quyền về việc Samsung lạm dụng những “bằng sáng chế tiêu chuẩn cần thiết” (SEP) để thủ thắng trong cuộc chiến với Apple. Bộ phận chống độc quyền của DoJ bắt đầu điều tra vào năm ngoái khi Samsung thuyết phục được Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cấm một số mẫu iPhone và iPad dựa trên SEP.

Vấn đề là các SEP đó cần thiết để thiết bị khả thi theo các tiêu chuẩn công nghiệp nên quyền sử dụng SEP phải được để ngỏ ở mức giá hợp lý theo quy tắc thị trường. Cuộc chiến pháp lý gay gắt giữa Apple và Samsung đã kéo Nhà Trắng vào cuộc và lần đầu tiên kể từ năm 1987, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ra tuyên bố phủ quyết lệnh cấm của ITC.

Công trình mở rộng kênh đào Panama bị đình trệ.

Công trình mở rộng kênh đào Panama bị đình trệ.

Nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới Toyota phải tạm dừng hoạt động nhà máy lắp ráp duy nhất của mình tại thành phố Cumana miền Tây Venezuela. Nguyên nhân là thiếu ngoại tệ để nhập khẩu linh kiện vì sự kiểm soát quá chặt của chính phủ.

Nguồn tin từ ban quản lý nhà máy cho biết sẽ đình chỉ hoạt động từ ngày 13-2 và kéo dài ít nhất 6 tuần, với hy vọng sẽ được cấp nguồn ngoại tệ cần thiết. Venezuela chỉ cung cấp USD với tỷ giá chính thức 6,3 bolivar cho những nhà nhập khẩu hàng hóa được chỉ định ưu tiên như thực phẩm và y tế. Còn những công ty khác muốn có USD để chi trả các hóa đơn nước ngoài phải chấp nhận mua với giá cao hơn trong các cuộc đấu giá của chính phủ.

Trong thông báo gởi người lao động, Toyota Venezuela cho biết tình hình thiếu hụt linh kiện “nghiêm trọng” và việc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới sản lượng cũng như quản trị kinh doanh. Năm 2013, nhà máy Toyota đã xuất xưởng gần 9.500 chiếc xe. Theo Phòng Ô tô Venezuela, tháng 1-2014, tổng sản lượng xe đã giảm mạnh còn 296 chiếc, trong số đó, hầu hết là do Toyota sản xuất.

Công trình xây dựng mở rộng kênh đào Panama, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, đã bị đình trệ vì bất đồng không giải quyết được giữa liên minh thi công GUPC với chủ đầu tư Panama Canal Authority (ACP).

Giá hợp đồng ban đầu là 3,2 tỷ USD nhưng sau đó GUPC muốn tăng thêm 1,6 tỷ USD cho việc thiết kế và xây dựng các cửa kênh mới, phần chính của dự án mở rộng, tuy nhiên ACP không đồng ý. GUPC cho biết “đang tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm giải pháp đi đến thỏa thuận với ACP và hiện đã đưa ra một đề nghị mới nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp”. GUPC là liên minh quốc tế được dẫn dắt bởi công ty xây dựng Sacyr (Tây Ban Nha) và Salini-Impregilo (Italia).

Các tin khác