Kinh tế thị trường phải dứt khoát

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG (ảnh), Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, để phát triển cả về trung hạn lẫn dài hạn, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa. Ở đây cải cách thể chế được xem vừa là chìa khóa và vừa là mệnh lệnh cho sự phát triển.

Nhiều mục tiêu chưa đạt
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong những năm qua chúng ta đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng, là vấn đề được Chính phủ quan tâm, nỗ lực thúc đẩy trong những năm qua và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kinh tế thị trường phải dứt khoát ảnh 1 
Nhưng tôi cho rằng kết quả đó là chưa đủ, vẫn còn rất khiêm tốn. Có thể dẫn chứng như kết quả về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2018, cho thấy trong số 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ ngành được Nghị quyết 27/NQ-CP đưa ra, chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai và chưa ra kết quả.
Thời gian qua, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực, song nền kinh tế vẫn chưa tạo ra được những đột phá để đi lên. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả; các dòng chảy lớn trong nền kinh tế như chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, Nhà nước sang tư nhân, hay khu vực chính thức thành phi chính thức vẫn đang diễn ra rất chậm.
Ngoài ra, còn phải kể đến các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn, và suy giảm năng lượng nội sinh cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Trong khi đó, việc duy trì tăng trưởng cao và bền vững như mức tăng trưởng hiện tại là thách thức lớn, nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế.
Kinh tế thị trường phải dứt khoát ảnh 2 Cần loại bỏ hành vi độc quyền, tự cấp đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Thưa ông thời gian qua, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra khá chậm chạp. Phải chăng giữa tư duy đổi mới kinh tế với chính trị vẫn chưa thực sự nhất quán?
- Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thay vì nỗ lực tái cơ cấu dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển. Cụ thể, nên rà roát, loại bỏ khoản trợ cấp với doanh nghiệp nhà nước, loại bỏ hành vi độc quyền, rà soát danh mục dự án đầu tư, chỉ đạo.
Còn trong tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Hà Nội...  Nhìn về trung hạn, Việt Nam sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức, bởi những hạn chế nội tại và sức ép địa chính trị bên ngoài. Tuy nhiên, xác định được những vấn đề quản trị nội tại sẽ giúp chúng ta đề ra đường hướng phát triển đúng đắn, làm nền kinh tế mạnh lên. Do đó, đổi mới kinh tế và chính trị tôi cho rằng sẽ là nhất quán với nhau, trong đó đổi mới kinh tế phải đi đầu.

Phải thay đổi tư duy
- Ông từng nhiều lần cho rằng dư địa để cho cải cách thể chế nói chung ở Việt Nam hiện nay còn rất lớn, vậy cụ thể là gì?
- Để phát triển mạnh mẽ, tôi cho rằng Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế trên 4 trụ cột quan trọng: Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng, rủi ro thấp, chi phí thấp; ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế; hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng kinh tế số.
Dư địa để cho cải cách thể chế ở Việt Nam hiện nay còn rất lớn, vì thời gian qua dù chúng ta đã có một số cải cách nhưng chưa có thay đổi, hay cải cách mang tính đột phá về thể chế. Để có cải cách thể chế đột phá thực sự, việc quan trọng đầu tiên là phải xác định rõ nội hàm của khái niệm, để từ đó thiết lập, bổ sung và thay đổi hệ thống các quy tắc, luật lệ chính thức để thực hiện các cải cách kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. 
- Vậy còn riêng đối với lĩnh vực kinh tế, để đột phá Việt Nam cần phải thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?
- Cái chính là nằm ở tư duy. Chúng ta phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận về kinh tế và sự vận hành của nền kinh tế. Trong phát triển kinh tế phải tuân thủ một số nguyên tắc, như phải lấy bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng là mục tiêu cuối cùng; lấy nâng cao mức độ, quy mô cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng là trung tâm của pháp luật; chính sách điều tiết nền kinh tế nói chung và các ngành, lĩnh vực kinh tế nói riêng. Nhà nước không can thiệp để ngăn chặn, hạn chế sáng tạo, mô hình, phương thức và hoạt động kinh doanh có liên quan, còn trường hợp cần thiết thực hiện thí nghiệm điều tiết…
- Xin cảm ơn ông.
 Chúng ta đã có hơn 30 năm đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng cứ đi nửa vời, không dứt khoát. Việt Nam vừa thích thị trường, vừa ngại thị trường, rất sợ cạnh tranh dù rất muốn cạnh tranh. Hễ có bất cứ vấn đề nào chúng ta cũng đổ lỗi cho thị trường, mà không nhìn ra hiệu lực quản lý Nhà nước yếu kém và thiếu sự dứt khoát trong thúc đẩy chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường. 

Các tin khác