CHETAN AHYA, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Morgan Stanley:
Đang chạm đáy
Chetan Ahya
Dù đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, dù có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang diễn ra và sẽ nhanh hơn các cuộc khủng hoảng tài chính lớn trước đây. Morgan Stanley dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chạm đáy ở mức -7,5% trong quý II. Tuy nhiên, sản lượng của các thị trường phát triển và toàn cầu sẽ hồi phục mức trước suy thoái trong vòng 4 đến 8 quý, nhanh hơn so với từ 6-14 quý để phục hồi sau các cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Tác nhân của suy thoái kinh tế này là cú sốc ngoại sinh dưới dạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, thay vì điều chỉnh nội sinh cổ điển được kích hoạt bởi sự mất cân bằng gia tăng. Điều này cũng không bắt đầu như cuộc khủng hoảng tài chính và hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn so với các cuộc khủng hoảng tài chính lớn trước đây.
Một số chỉ số kinh tế được Morgan Stanley theo dõi đã có dấu hiệu chạm đáy. Chẳng hạn, kỳ vọng trong tương lai của người tiêu dùng đã được cải thiện, xu hướng đi lại đã tăng lên và chi tiêu đang giảm chậm hơn so với những tuần đầu của đợt bùng phát dịch. Morgan Stanley tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy vào tháng 2, và khu vực đồng eur chạm đáy cuối tháng 4, Mỹ cũng vậy. Trung và Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin sẽ chạm đáy vào cuối năm nay.
Morgan Stanley đã quan sát chặt chẽ việc mở cửa ở Trung Quốc để đánh giá phần còn lại của thế giới có thể như thế nào. Ngoài ra, Morgan Stanley lo ngại việc mở cửa trở lại có thể dẫn đến làn sóng thứ 2 tiềm năng của Covid-19. Chúng tôi thừa nhận vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến virus, nhưng chúng tôi dự đoán sẽ có thêm các đợt nhiễm trùng nữa.
Dù sao, hy vọng với việc mở cửa lại theo từng giai đoạn, tăng cường khả năng kiểm tra và theo dõi ở mức độ có hiệu quả, phát triển các giải pháp y tế để điều trị, ngăn ngừa bệnh và nhận thức của người dân nói chung, chúng ta có cơ hội tốt hơn nhiều để giảm quy mô và phạm vi của các đợt dịch trong tương lai.
WARREN BUFFETT, Chủ tịch & CEO Berkshire Hathaway:
Thận trọng khi đặt cược vào Mỹ
Warren Buffett
Hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được xác nhận tại Mỹ. Sự bùng phát đã dẫn đến việc các quốc gia đóng cửa nền kinh tế của họ, dẫn đến mất việc làm chưa từng có. Đã có tới 3,84 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 25-4, nâng tổng số đơn trong 6 tuần lên hơn 30 triệu. Sự bùng phát cũng khiến hoạt động kinh tế nói chung tăng thấp hơn trong quý I, với GDP giảm 4,8%. Đó là suy thoái kinh tế lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất.
Nền kinh tế đang đối mặt với một loạt hậu quả nghiêm trọng, đợt suy thoái này rất khác biệt so với 1 thập niên trước. Vào năm 2008 và 2009, đoàn tàu kinh tế của Mỹ đã đi sai đường, trong đó có lý do khiến “nền đường yếu” về mặt ngân hàng. Lần này, chúng ta chỉ cần kéo đoàn tàu và theo dõi nó. Tôi tin rằng những ngày tốt đẹp hơn đang chờ đón nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, mọi người hãy thận trọng khi đặt cược vào Mỹ. Bạn có thể đặt cược vào nước Mỹ nhưng bạn phải cẩn thận về cách bạn đặt cược. Thị trường có thể làm bất cứ điều gì. Theo quan điểm của tôi, đối với hầu hết mọi người, điều tốt nhất phải sở hữu quỹ chỉ số S&P 500. Mọi người đã trả rất nhiều tiền cho những lời khuyên mà họ thực sự không cần. Nếu bạn đặt cược vào Mỹ và duy trì quan điểm đó trong nhiều thập niên, bạn sẽ làm tốt hơn nhiều so với việc mua chứng khoán kho bạc.
MARTIN WOLF, Trưởng bình luận kinh tế thời báo Financial Times, London:
3 kịch bản
Martin Wolf
Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất thế giới phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1930. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng sản lượng toàn cầu trên đầu người giảm 4,2% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 1,6% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Dự báo 90% quốc gia sẽ tăng trưởng âm trong GDP thực tế trên đầu người năm nay, so với 62% trong năm 2009.
Điều này khác hẳn vào tháng 1, khi IMF dự báo tăng trưởng suôn sẻ trong năm nay. Hiện tại, IMF dự báo mức giảm 12% trong 2 quý đầu năm 2020 tại các nền kinh tế lớn, và giảm 5% tại các nước đang phát triển. Định chế này cũng lạc quan khi dự báo quý II sẽ là quý đáy, sau đó kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi, dù sản lượng ở các nền kinh tế tiên tiến dự báo sẽ duy trì dưới mức quý IV-2019 cho đến năm 2022.
Với đường cơ sở là các nước sẽ mở cửa kinh tế vào nửa cuối năm 2020, IMF dự báo tỷ lệ thu hẹp toàn cầu 3% vào năm 2020, tiếp theo là mở rộng 5,8% vào năm 2021. Trong các nền kinh tế tiên tiến, dự báo GDP sẽ co lại 6,1% trong năm nay, tiếp theo là mở rộng 4,5% vào năm 2021. Nhưng theo tôi, tất cả điều này có thể quá lạc quan. IMF cung cấp 3 kịch bản. Trong kịch bản đầu tiên, dự kiến việc đóng cửa kéo dài hơn 50% so với đường cơ sở. Trong kịch bản thứ 2, có đợt virus thứ 2 bùng phát vào năm 2021. Trong kịch bản thứ 3, các yếu tố này được kết hợp.
Với kịch bản việc đóng cửa kéo dài hơn trong năm nay, sản lượng toàn cầu dự báo thấp hơn 3% vào năm 2020 so với đường cơ sở. Với làn sóng nhiễm trùng thứ 2, sản lượng toàn cầu sẽ thấp hơn 5% so với mức cơ sở vào năm 2021. Với cả 2 điều không may nói trên, sản lượng toàn cầu sẽ thấp hơn gần 8% so với mức cơ sở vào năm 2021. Theo khả năng thứ 2, chi tiêu của chính phủ cho các nền kinh tế tiên tiến sẽ cao hơn 10% so với GDP năm 2021 và nợ chính phủ cao hơn 20% trong trung hạn so với đường cơ sở vốn đã bất lợi.
Chúng ta phải làm gì để đối phó thảm họa này? Câu trả lời là không từ bỏ việc đóng cửa trước khi tỷ lệ tử vong được kiểm soát. Sẽ không thể mở lại các nền kinh tế khi dịch bệnh hoành hành, làm tăng số người chết và đẩy các hệ thống y tế vào tình trạng sụp đổ. Điều cần thiết là chuẩn bị tốt cho việc mở lại nền kinh tế, bằng cách gia tăng mạnh mẽ năng lực xét nghiệm, truy tìm và cách ly mầm bệnh.
Trên tất cả, trong đại dịch Covid-19, thiếu sự hợp tác quốc tế có nghĩa nhiều người sẽ chết. Hỗ trợ khả năng phản ứng y tế rất cần thiết, nhưng cũng cần giúp đỡ kinh tế cho các nước nghèo, thông qua giảm nợ, tài trợ và các khoản vay giá rẻ. Một vấn đề mới rất lớn về quyền rút vốn đặc biệt của IMF, với việc chuyển các khoản phân bổ không cần thiết sang các nước nghèo hơn, là cần thiết.
JANET HENRY, Kinh tế trưởng toàn cầu Ngân hàng HSBC:
Bảo hộ mậu dịch sẽ trở lại
Janet Henry
Đại dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu co lại 3,3% vào cuối năm 2020, sự suy giảm đáng kể so với mức -2,1% trong năm 2009. Đại dịch đã tàn phá một số lĩnh vực và có thể có tác động lớn đến các nền kinh tế đang phát triển. Các biện pháp đóng cửa để ngăn chặn đại dịch đang làm giảm hoạt động kinh tế, thúc đẩy thất nghiệp và làm giảm thương mại quốc tế. Chúng đã buộc các ngân hàng trung ương và chính phủ phải cam kết hàng ngàn tỷ USD để giữ các hộ gia đình và các công ty hoạt động, đồng thời ngăn chặn thị trường tài chính tăng giá.
Sự sụp đổ trong lĩnh vực dịch vụ đặc biệt nghiêm trọng, với các khách sạn, nhà hàng, quán bar và quán cà phê đều đóng cửa gần như tuyệt đối trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Nhiều chỉ số quản lý mua của ngành dịch vụ đã giảm mạnh từ mức 50-55 vào đầu năm xuống dưới 30 vào cuối tháng 3. Điều này đã góp phần làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp trên nhiều quốc gia. Tại Na Uy tỷ lệ này tăng từ mức trên 2% trong tháng 2 lên 10,4% vào ngày 24-3, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ hơn 6,6 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 28-3.
HSBC dự báo các biện pháp đóng cửa, giãn cách kéo dài càng lâu, bức tranh càng trở nên tồi tệ. Dù các công ty mạnh có thể cố gắng giữ chân nhân viên, nhưng những người có hợp đồng tạm thời và tự làm chủ ở nhiều quốc gia không được hỗ trợ sẽ có rất ít khả năng trở lại làm việc. Hàng triệu công nhân ở các nền kinh tế tiên tiến đã bị sa thải sẽ không có việc làm khi nền kinh tế mở lại.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi có thể phải chịu những cú sốc tài chính nghiêm trọng khi thâm hụt ngân sách mở rộng và tình trạng xuống cấp tín dụng trở nên thường xuyên hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận được yêu cầu từ hàng chục quốc gia trên thế giới. Quỹ đang tìm kiếm thêm nguồn tài chính từ các thành viên giàu có nhưng đến nay vẫn chưa được.
Các nhà hoạch định chính sách hy vọng việc cắt giảm lãi suất, mua tài sản và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, cũng như tài chính có mục tiêu, sẽ giúp thúc đẩy khu vực tư nhân trong thời gian ngắn. Nhưng dự báo một cuộc suy thoái kéo dài sẽ tác động lâu dài đối với tài chính công ở khắp mọi nơi. Gánh nặng nợ của các chính phủ sẽ lớn hơn nhiều.
Đặc biệt, những tác động dài hạn của đại dịch liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, vốn đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, sẽ có một số hạn chế lâu dài đối với một số ngành và sản phẩm nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, bảo hộ trở lại với một số ngành sản xuất, hoặc hạn chế xuất khẩu, cũng như sự giám sát chặt chẽ hơn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
ENDA CURRAN, chuyên gia kinh tế của Bloomberg:
Chủ nghĩa tư bản sẽ thay đổi
Enda Curran
Những biện pháp can thiệp trong đại dịch Covid-19 của các chính phủ đã khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng theo cách sẽ làm biến đổi những cốt lõi của chủ nghĩa tư bản trong nhiều năm tới. Một danh sách dài biện pháp bất thường đã được triển khai khi các NHTW cung cấp các khoản vay và các bộ trưởng tài chính đưa ra cam kết sẽ gánh vác chi phí cho bảng lương kinh doanh. Các hãng hàng không, máy khoan dầu và các ngành công nghiệp gặp khó khăn khác đang xếp hàng để chờ được giải cứu, trong khi các ngân hàng bị sức ép phải ngừng trả cổ tức…
Việc huy động hàng ngàn tỷ USD như quy mô thời chiến nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái. Nhưng nó cũng có khả năng làm thay đổi sự năng động của các ngành công nghiệp và thị trường. Deutsche Bank thậm chí cho rằng không còn thị trường tự do nào. Sự đa dạng có khả năng biến mất khi các cơ quan tiền tệ ở các nước phát triển đẩy mạnh áp dụng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.
Theo một kịch bản hậu virus, tất cả tài sản tài chính đều có nguy cơ bị biến đổi thành một thứ giống như trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Tại Mỹ, làn sóng mua khổng lồ của Fed đã đưa ra thước đo về sự biến động trong kho bạc xuống mức thấp nhất 1 năm. NHTW Nhật Bản (BoJ), sau hơn 2 thập niên mua nợ công, giờ đây đã có bảng cân đối kế toán lớn hơn nền kinh tế nó đã cố gắng chống đỡ. Con số này của Fed và NHTW châu Âu nhỏ hơn, tương ứng khoảng 30% và 40% GDP, nhưng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, họ đã bắt kịp.
Kazuo Momma, người từng chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ tại BoJ, cho biết rủi ro thế giới hậu Covid-19 thậm chí còn bị Nhật Bản hóa nhiều hơn. Làm thế nào để thoát khỏi bảng cân đối kế toán và lãi suất cực thấp hoặc thậm chí âm, sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho rất nhiều NHTW trong nhiều năm tới. 3 NHTW lớn hiện là chủ sở hữu tài sản ở quy mô chưa từng có. Nắm giữ kết hợp của họ có giá trị hơn 1/4 mức vốn hóa thị trường chứng khoán trên thế giới - khoảng 4 lần so với mức trước năm 2008. Nhưng các gói cứu trợ mở rộng vượt xa việc mua trái phiếu có chủ quyền của các NHTW.
Tất cả ngành công nghiệp đang nhận được hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ và cho vay khi nhu cầu thị trường cho các sản phẩm của họ cạn kiệt. Chẳng hạn, chính phủ Đức đã đàm phán để giúp cả hãng hàng không quốc gia Lufthansa và công ty đồ thể thao Adidas AG. Dù vậy, doanh nghiệp đã phải chấp nhận những hạn chế để đổi lấy sự hỗ trợ chưa từng có này, với một số quốc gia hạn chế mua lại cổ phần hoặc thanh toán cổ tức. Như vậy, tính đến hiện tại, các thị trường chứng khoán đã bị siết lại.
LAURENCE BOONE, Kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế:
Chấp nhận “ngủ đông”, tái cấu trúc
Laurence Boone
Kinh tế toàn cầu rất khó gia tăng trở lại mức trước đại dịch Covid-19, dù các nước đang dần mở cửa lại nền kinh tế sau thời gian dài đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh. Đây là quá trình từ từ với một số hoạt động sẽ không được mở lại trong thời gian dài. Quá trình này sẽ rất chậm và không thể sớm quay trở lại trước đó.
Các quốc gia như Italia, Tây Ban Nha và Đức đã cố gắng giảm bớt các biện pháp phong tỏa, nhưng các nhà hàng, quán cà phê và khách sạn sẽ đóng cửa lâu hơn ở nhiều nơi. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến một sự thu hẹp trong khối tiền tệ chung ở mức từ âm 5% đến 12% trong năm nay, một phần phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của đại dịch và các biện pháp phong tỏa sẽ cần giữ ở mức độ nào.
Những chương trình hành động của các chính phủ cho đến nay, bao gồm hỗ trợ thu nhập cho hộ gia đình và nhu cầu thanh khoản của doanh nghiệp, đã rất ấn tượng. Họ đã thực hiện tối đa những gì có thể làm trong giai đoạn 1 của đại dịch và những cú sốc kinh tế xảy ra với nó. Bây giờ chúng ta sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn, khi các biện pháp hỗ trợ sẽ phải nhắm mục tiêu tốt hơn.
Điều đó có thể có nghĩa người lao động sẽ rời khỏi các ngành dự kiến phải "ngủ đông" trong thời gian dài để gia nhập những ngành khác, nơi thiếu lao động. Nó cũng có thể là giúp các doanh nhân tái cấu trúc hoặc đóng cửa doanh nghiệp của họ và mở những doanh nghiệp mới bất cứ khi nào cần thiết.