Chuyển biến tích cực
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) được xem là một trong những điểm sáng của kinh tế TPHCM. Cụ thể, IIP tháng 4 ước tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm ước tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP đã hoạt động trở lại. Đáng chú ý một số DN FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế DN nước ngoài. Đây được xem là cơ hội tốt để các DN ngành CNHT trong nước tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh.
Một chỉ số khác cũng đang minh chứng cho tốc độ phục hồi trở lại của DN TPHCM là kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của DN TP chỉ tăng trưởng 1%, khi hầu hết thị trường xuất khẩu chính đều có kim ngạch giảm.
Những tháng đầu năm 2022, tình hình đã có nhiều khởi sắc khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TP 4 tháng đầu năm đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh như điện tử và linh kiện tăng 20,2%, dệt may tăng 88,2%, rau quả tăng 103,4%… Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 4 tháng ước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 122,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về mức tăng trưởng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm, bà Lê Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết: “Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là dấu hiệu tích cực đối với sản xuất trong nước. Các DN tăng cường nhập khẩu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chuẩn bị sản xuất cho đơn hàng xuất khẩu những tháng tiếp theo”.
Trong xu hướng chung này, du lịch TPHCM cũng đang từng bước phục hồi, đặc biệt khi Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch từ 15-3. Tính riêng tháng 4, tổng doanh thu ngành dịch vụ du lịch TP ước đạt 8.761 tỷ đồng, tăng 26,7%; khách du lịch nội địa đến TP ước đạt 1,97 triệu lượt, tăng 56,7%; khách quốc tế đến TP hơn 114.728 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ 2021.
Đặc biệt trong 4 ngày của dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, lượng khách tham quan tại các khu vui chơi giải trí 420.000 lượt; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 95.000 lượt; công suất phòng đạt khoảng 70%, tổng thu trong 4 ngày đạt khoảng 1.610 tỷ đồng. TPHCM cũng triển khai nhiều sản phẩm mới, trong đó tour ngắm TP từ trên cao bằng trực thăng thu hút được nhiều du khách tham gia.
Hiện TP chuẩn bị cho ra mắt tour du thuyền trên sông Sài Gòn. Kỳ vọng với những nỗ lực không ngừng, du lịch TP sẽ bứt tốc mạnh mẽ, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển.
Còn đó thách thức
Phục hồi mạnh mẽ nhưng kinh tế TPHCM cũng đang đối mặt với không ít thách thức, một trong số đó là tín hiệu lạm phát đang bắt đầu. Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội ngày 28-4 vừa qua, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP, chia sẻ một số thông tin đáng chú ý. Theo đó, 4 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP chỉ đạt 8%.
Ông Trần Tuấn Anh nhận định: “8% là rất thấp, dù đã có chuỗi kết nối về các hoạt động sản xuất, xây dựng nhưng sự phát triển mới bắt đầu khởi sắc, chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch. Giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến kéo theo nhiều giá liên quan đến xây dựng như cát, đá, xi măng hay vận chuyển logistics… cũng tăng; lạm phát có tín hiệu bắt đầu”. Trước đó trong quý I, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ (năm 2021 chỉ tăng 0,84%)
Vấn đề giá nguyên vật liệu, vận chuyển tăng mạnh đang đẩy nhiều DN vào thế khó khi lợi nhuận không được như kỳ vọng do chịu áp lực lớn từ chi phí sản xuất, đồng thời khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu khi giá các mặt hàng đều đang trong xu thế tăng.
Nhìn lại con số trong tháng 4 của TP có thể thấy tổng mức bán lẻ giảm nhẹ 0,46% so với tháng trước, phần lớn do tháng 3 tình hình giá cả nguyên nhiên vật liệu, xăng dầu, vàng bạc có nhiều biến động, tác động đến giá cũng như doanh thu của nhiều nhóm mặt hàng.
Trước mắt, TP đang đối diện với những thách thức trong dài hạn. Cụ thể, tốc độ phát triển xuất khẩu của TP đang phục hồi so với năm 2021, nhưng nhìn xa hơn lại đáng lo.
Tại một hội thảo bàn về cách thức giải quyết khó khăn cho DN xuất nhập khẩu hồi đầu năm 2022, đại diện Sở Công Thương TPHCM đánh giá trong tốp 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước là TPHCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, hiện xuất khẩu của TPHCM đang giảm dần theo thời gian. Năm 2010, TP dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch 22,47 tỷ USD, tại thời điểm đó kim ngạch xuất khẩu của tỉnh của Bắc Ninh chỉ đạt 2,45 tỷ USD. Đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Bắc Ninh đuổi sát với 44,8 tỷ USD (TP chỉ đạt 44,9 tỷ USD).
Theo Sở Công Thương, sau 10 năm xuất khẩu của Bắc Ninh cơ bản đã đuổi kịp TPHCM. Sự vươn lên ngoạn mục của Bắc Ninh và Thái Nguyên do thu hút DN FDI lớn trong lĩnh vực điện tử, còn Đồng Nai và Bình Dương dựa trên việc thu hút đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp. Trong khi đó, TPHCM không thể mở rộng khu công nghiệp vì quỹ đất đã hết.
Bên cạnh đó, thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao cũng chưa xứng tầm, trong khi thu hút công nghệ cao có vai trò đặc biệt trong phát triển xuất khẩu.
Cùng với xuất khẩu, phát triển du lịch cũng là thách thức trong tương lai. Thời gian qua ngành du lịch TP đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các sự kiện du lịch, các hoạt động kết nối cũng như tung ra các sản phẩm mới. Song trong danh sách 10 tỉnh/thành thu hút lượng khách lớn nhất dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi TPHCM không có tên.
Mức tăng trưởng 4 tháng đầu năm sẽ tạo đà cho kinh tế TP những quý tiếp theo của năm 2022, cũng như cho giai đoạn từ nay đến 2025 đưa TPHCM trở lại vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. |