Kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ

(ĐTTCO) - Ngày 2-6, UBND TPHCM tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ tháng 6-2022. Chủ trì cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Phan Thị Thắng, Dương Anh Đức, Ngô Minh Châu.
Công ty cổ phần thủy hải sản Sài Gòn APT chế biến thực phẩm đông lạnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công ty cổ phần thủy hải sản Sài Gòn APT chế biến thực phẩm đông lạnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kinh tế phục hồi mạnh
Về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Đào Minh Chánh cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát tốt, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Điều này tạo tâm lý yên tâm và tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trong tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ, thu ngân sách giữ nhịp tăng trưởng tốt. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước hơn 209.800 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ.
Dù vậy, TPHCM cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như: thị trường chứng khoán suy giảm ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư, nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng, một số ngành có chỉ số lao động giảm...
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết thêm, trong tháng 6, ngành tài chính thực hiện một số giải pháp chống thất thu ngân sách. Đó là việc tập trung các chuyên đề, gồm kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; thanh tra kiểm tra sau hoàn thuế, quản lý thu đối với lĩnh vực nhà đất và quản lý công tác thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Tại cuộc họp, một vấn đề được quan tâm thảo luận là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm còn thấp. Tính đến ngày 25-5, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch.
Phải xem lại năng lực và trách nhiệm
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhận xét, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế thành phố phục hồi, tăng trưởng so với quý 1-2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm so với cùng kỳ và chậm so với tốc độ chung cả nước. Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. “Phải thấy rằng, tiền kiếm đã khó, mà có tiền xài không được thì phải xem lại năng lực và trách nhiệm”, đồng chí Phan Thị Thắng nhấn mạnh và yêu cầu cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đồng chí Phan Thị Thắng cũng giao Sở KH-ĐT chủ trì thành lập Tổ công tác của UBND TPHCM tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thúc đẩy tiến độ các dự án ODA. Sở KH-ĐT cũng được giao chủ trì tham mưu các giải pháp phát triển nguồn vốn đầu tư hơn 119.000 tỷ đồng trong trường hợp đề xuất Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nới trần nợ công. Theo đồng chí, đây là nội dung TPHCM rất quan tâm, nhiều lần đề xuất và đã được Chủ tịch Quốc hội đồng thuận về cơ chế. Tuy nhiên, đến nay đã hơn hai tháng các sở vẫn chưa trình được.
Về công tác cải cách hành chính, đồng chí Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Nội vụ TPHCM tham mưu tổ chức hội nghị trong tháng 6 để tìm giải pháp cải thiện các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index. Trong đó, cần đánh giá các giải pháp thời gian qua đã đủ tạo chuyển biến hay cần có thêm giải pháp mạnh hơn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cũng yêu cầu Sở Xây dựng TPHCM chủ trì khẩn trương triển khai các chương trình, chính sách về nhà ở, xây dựng; ban hành các tiêu chí, quy trình đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội; ban hành đề án huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
Đồng chí đặc biệt lưu ý hoàn thành công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội, tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM trong nội dung dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
 Một số chỉ số về kinh tế - xã hội TPHCM 5 tháng đầu năm 2022
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: 456.153 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 57.200 tỷ đồng, đạt 49,1% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước: 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch: 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Các tin khác