Kỳ vọng “Made in Vietnam”
Ngày 21-9 đã diễn ra hội nghị đầu tiên của Thường trực Chính phủ với đại diện các tập đoàn tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự tin tưởng và niềm tự hào với sự phát triển và trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam. Trước tình hình của đất nước hiện nay suy nghĩ của các doanh nghiệp lớn đối với đất nước hiện nay là gì? Các doanh nghiệp tin tưởng điều gì và có mong muốn gì? Đó là điều Chính phủ muốn biết và mong đợi ở cộng đồng doanh nghiệp và nhất là ở những doanh nghiệp lớn hàng đầu của đất nước.
Vì thế hội nghị với doanh nghiệp lớn ngày 21-9 mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước phải chuẩn bị một tâm thế bước vào kỷ nguyên mới - "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu.
Những doanh nhân, những người đứng đầu các doanh nghiệp lớn tham dự hội nghị đã nói lời cảm ơn Chính phủ đã tổ chức hội nghị này. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp có tiếng nói, là sự quan tâm động viên to lớn của Chính phủ với doanh nghiệp doanh nhân. “Đây cũng là hành động truyền lửa để chúng tôi có thêm năng lượng phấn đấu, để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội, làm giàu cho đất nước” - ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup phát biểu.
“Chúng tôi cống hiến đến giờ này hơn 30 năm với tinh thần vì dân tộc, vì đất nước, vì quê hương và cũng vì bản thân. Nói chung các doanh nghiệp ở đây đã thành đạt, thành công nhưng rất muốn thời gian tới phải có sự thay đổi, phải có cách mạng về trí tuệ, công nghệ và tư duy mới, đột phá trong cơ chế, nếu không sẽ “rất mệt” - ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco thẳng thắn bày tỏ.
Điều đầu tiên ông kiến nghị là phải tăng cường phân cấp, phân quyền. “Tôi làm mấy dự án, tôi biết, khổ lắm. Có những dự án phải quay đi quay lại vì thủ tục không biết bao nhiêu lần. Cứ hành trình như thế này, không biết chúng tôi còn sức để làm không. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều. Nhưng ở dưới có cả rừng cơ chế, chúng tôi vào đấy không biết là đi lối nào, ra lối nào”, ông Tiền nói.
Khẳng định đồng hành, cống hiến vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển mong muốn Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao. Để đất nước phát triển, để công việc tốt, tôi đề nghị phải đặc biệt tháo gỡ thể chế, đột phá về chính sách nhanh hơn và mạnh hơn nữa”.
Phấn khởi vì Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đề xuất: “Để đất nước phát triển, cần tháo gỡ về thể chế chính sách, nhất là cần sửa đổi các luật nhanh hơn nữa. Đồng thời cần có các chính sách ủng hộ sản xuất trong nước và cần có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn”.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Lắng nghe những lời tâm huyết bộc bạch, thẳng thắn tại hội nghị, Thủ tướng cam kết Chính phủ luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà.
Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ, hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Trong bối cảnh mới, không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings bày tỏ niềm tin vào hướng đi đúng đắn tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã xác định. KN Holdings cũng xác định phát triển bền vững là kim chỉ nam hoạt động, trong đó ưu tiên tập trung 2 lĩnh vực then chốt là xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.
“Tập đoàn kỳ vọng rằng, cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ, sẽ ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu “Made in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế”, ông Kiểm phát biểu.
Chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp
Khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại hội nghị, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát… Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn gặp nhiều rào cản, chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu. Đây chính là điều các doanh nghiệp mong muốn. Suy nghĩ chung của doanh nghiệp, doanh nhân, đó là Đảng, Nhà nước và Chính phủ mong muốn có những doanh nghiệp lớn, muốn thế phải có đột phá, phải có đổi mới, có cơ chế thuận lợi, có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp".