Kinh tế vĩ mô tuần 24 đến 28-9

Kể từ đỉnh 23,02% hồi tháng 8-2011, chỉ số giá tiêu dùng đã liên tục giảm tốc và có tín hiệu đi lên trong tháng 9 này, tức lạm phát tháng 9 đi lên từ đáy?

Kể từ đỉnh 23,02% hồi tháng 8-2011, chỉ số giá tiêu dùng đã liên tục giảm tốc và có tín hiệu đi lên trong tháng 9 này, tức lạm phát tháng 9 đi lên từ đáy?

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Lạm phát tháng 9: Đi lên từ đáy?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM vừa được công bố bất ngờ tăng vọt so với tháng 8.

Cụ thể, CPI tháng 9 ở Hà Nội tăng mạnh 2,47% so với tháng 8, và cao hơn nhiều so với mức tăng 0,57% của tháng trước. Trong khi đó, CPI tháng này ở TPHCM tăng 1,21%, cũng cao hơn nhiều so với mức tăng 0,66% trong tháng 8.

Các đợt tăng giá xăng, giá nhiêu liệu trong tháng 8 chưa kịp phản ánh đầy đủ vào chỉ số giá trong tháng, cùng với yếu tố thời vụ mùa tựu trường tháng 9, dịp lễ 2-9 đã tăng sức ép đáng kể lên lạm phát tháng này.

Với các số liệu hiện có, CPI tháng 9-2012 của cả nước ước tăng khoảng 1,6% so với tháng 8, và tăng 5,85% so với cùng kỳ năm 2011.

Như vậy, kể từ đỉnh 23,02% hồi tháng 8-2011, chỉ số giá tiêu dùng đã liên tục giảm tốc đi xuống và có tín hiệu đi lên trong tháng 9 này.  

Trong những tháng tiếp theo, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng sẽ biến động khó lường hơn do ảnh hưởng của tình hình mưa lũ ở các vùng miền Trung – Bắc, của giá năng lượng tăng/giảm thất thường, và độ trễ của chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ đã được triển khai từ giữa năm nay.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng cuối năm 2012 dự báo tăng khoảng 1-1,2%; và lạm phát cả năm sẽ vào khoảng 7-8%. Với dự báo này, chỉ số giá tiêu dùng 5,04% trong tháng 8 vừa qua sẽ được ghi nhận là mức đáy mới, so với đỉnh 23,02% trong tháng 8-2011.

Mặt bằng lãi suất mới sẽ được thiết lập?

Thông tin cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn dài ngày ở nhiều NHTM đã tăng mạnh trong vài ngày gần đây, sau đợt khởi động của hai ngân hàng lớn là ACB và EIB vào cuối tuần trước.

Nguyên nhân của đợt tăng lãi suất này được cho là để cân đối nguồn vốn chuẩn bị nhu cầu cuối năm, đảm bảo thanh khoản cho nợ xấu tăng cao hay dự phòng tình huống xấu liên quan đến các thông tin vi phạm hình sự ở một số ngân hàng…

Ngoài những yếu tố kỹ thuật như trên, thì việc nhiều ngân hàng nhỏ nhộn nhịp tham gia vào làn sóng này cũng cho thấy hiện tượng “đu theo” nhằm cạnh tranh giữ chân khách hàng. 

Không giống như những đợt sóng tăng lãi suất (vượt trần) giai đoạn trước, cuộc chạy đua lãi suất huy động thỏa thuận lần này vẫn diễn ra “hợp lệ”. Tuy nhiên, không phải là không đáng lo ngại nếu mức độ tham gia diễn ra sâu rộng hơn trên hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, việc khó kiểm soát các hoạt động vay/mượn trên thị trường này cũng khiến cho trần lãi suất huy động ngắn hạn mất đi ít nhiều ý nghĩa. Nếu việc chạy đua này kéo dài với sự tham gia của nhiều TCTD sẽ dễ dàng đẩy mặt bằng lãi suất lên mức cao hơn, đặc biệt khi lạm phát có dấu hiệu gia tăng trở lại.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ THẾ GIỚI, TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Theo dự báo của HSBC, tỷ giá USD/VNĐ cuối năm 2012 chỉ lên mức 21.200-21.300 đồng/USD, tức tăng khoảng 1,4-1,9% so với mức 20,900 đồng/USD hiện nay.

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam cũng được dự báo sẽ đạt 5,1% trong năm nay và 5,8% trong năm 2013, so với con số 5,9% trong năm 2011.

Tỷ lệ lạm phát trung bình cả năm được dự báo ở mức 8,6% trong năm nay và 8,4% trong năm 2013, so với mức 18,6% trong năm 2011.

Về lãi suất, HSBC cho rằng, lãi suất cơ bản của Việt Nam sẽ còn ở mức 8% cho tới hết năm nay, trước khi tăng lên mức 9% vào quý I-2013.

• NHNN vừa công bố số liệu cập nhật mới nhất về hệ thống ngân hàng Việt Nam; cụ thể:

Tính đến ngày 31-7, tổng tài sản của các TCTD đạt 4.999.027 tỷ đồng, tăng gần 2% so với tháng trước. Nhìn chung, từ tháng 4 đến tháng 7, tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn liên tục tăng.

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 30-6 là 2.887.697 tỷ đồng; và nợ xấu cập nhật đến hết quý I-2012 là 202.000 tỷ đồng.

• Ngày 20-9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết mới nhận công văn dập đúc 350.000 lượng vàng từ Ngân hàng Nhà nước. Với công suất 50.000 lượng/ngày, sẽ mất khoảng một tuần để gia công hết số vàng trên.

• Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 8 đạt gần 20,57 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu đạt 10,31 tỷ USD, tăng 1,2% và nhập khẩu đạt 10,26 tỷ USD, tăng 6,7%.

Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 148 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 74.09 tỷ USD, tăng 19% và nhập khẩu đạt 73,96 tỷ USD, tăng 7,5%.

Như vậy, tính đến hết tháng 8-2012, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, cả nước đã xuất siêu 134 triệu USD.

• Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), hiện lượng thép tồn kho đang lến tới hơn 300.000 tấn; và hầu hết doanh nghiệp ngành này đều đang cắt giảm sản xuất xuống dưới 60% công suất, thậm chí có đơn vị ngừng sản xuất.

Các ngành nghề vật liệu xây dựng khác cũng đang phải đối mặt với việc bị thua lỗ do thị trường bất động sản đóng băng.

• Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn chặn tác động của đồng JPY mạnh đến đà phục hồi của nền kinh tế.

Theo đó, BOJ tăng quy mô quỹ mua tài sản thêm 10 ngàn tỷ JPY (126,7 tỷ USD) lên 55 ngàn tỷ JPY (697 tỷ USD) và giữ nguyên chương trình cho vay ở mức 25 ngàn tỷ JPY.

Đồng thời, BOJ giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0-0.1% và lượng trái phiếu mua vào hàng tháng ở mức 1,8 ngàn tỷ JPY. Công cụ chính sách chủ yếu của BOJ vẫn là mua vào các chứng khoán tài chính từ nợ Chính phủ đến các quỹ ETF để thúc đẩy tăng trưởng.

• Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ mua lại không giới hạn trái phiếu của một số nước đang gặp nhiều khó khăn tài chính như Tây Ban Nha, Italia.

Đây được coi là "vũ khí mới" mà ngân hàng này sử dụng để giải cứu Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và đồng tiền chung châu Âu.

Cho dù vẫn còn có ý kiến phản đối, nhưng hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng đó là quyết định mang tính bước ngoặt lớn nhất của ECB kể từ khi thành lập.

Các tin khác