Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, đổi mới mô hình tăng trưởng là bài toán mang tính thời sự ở cả góc độ vi mô và vĩ mô.
Tại Diễn đàn Kinh doanh 2023: Đổi mới Mô hình Tăng trưởng, do Forbes Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 17/8, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam cần chuyển đổi từ cách thức tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên tầm quốc gia... sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu với hàm lượng chất xám cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng nguồn lực hiệu quả, chiến lược kinh doanh bền vững... đế đón xu hướng thay đổi đến từ cuộc cách mạng công nghệ.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất thích ứng với các tiêu chuẩn phát triển bền vững, linh hoạt thích ứng với sự biến động của thị trường trong nước và toàn cầu.
Năm 2023 là năm trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, tác động của công nghệ sẽ thay đổi nhiều mô hình kinh doanh.
Về phía Chính phủ, việc thúc đẩy tạo cơ chế thúc đẩy sản xuất xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của những thị trường xuất khẩu trọng điểm, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh theo xu hướng kinh tế xanh trên toàn cầu.
Ngoài cơ hội từ làn sóng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, Việt Nam có thể cải thiện tăng cường bằng việc khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs), nhất là những FTA thế hệ mới để đa dạng danh mục sản phẩm và thị trường xuất khẩu.
Điển hình, nếu Việt Nam xây dựng được hệ sinh thái dịch vụ về tài chính, thuế, công nghệ, hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ... sẽ tạo ra chuỗi giá trị nâng đỡ cho chuỗi sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, từ đó tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu tốt hơn.
Xưởng thực hành tự động hóa với Robot tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)
Đây cũng là lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam chưa khơi thông và cải cách hiệu quả để phục vụ và đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế.
Liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập và CEO của Trusting Social đánh giá, giai đoạn này là "bình minh" của kỷ nguyên mang tên AI và AI tác động lên cả đời sống xã hội lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Con người đang sống, làm việc, kinh doanh, giải trí... trong xã hội dựa trên sức mạnh của kết nối Internet và những công nghệ mới có khả năng thúc đẩy làm thay đổi xã hội tương lai.
Chính vì vậy, doanh nghiệp lựa chọn chuyển đổi số trong từng khâu, bộ phận; đối với thương mại điện tử cũng cần có lối đi riêng. Với quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần ứng dụng từng bước nhưng phải mang tính hệ thống mới mang lại lợi ích thiết thực trong vận hành nội bộ, cũng như trải nghiệm cho đối tác, khách hàng...
Ở lĩnh vực thương mại, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, doanh nghiệp nên chủ động thay đổi và tập trung tái cơ cấu quản trị công ty, vận hành hoạt động kinh doanh, hướng đến chiến lược đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chú trọng cập nhật cơ chế chính sách của Chính phủ và địa phương phù hợp với mô hình kinh doanh của mình để tận dụng hiệu quả và tạo ra nhiều giá trị hơn.
Ở góc độ của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có tâm lý bi quan sẽ khó vượt qua bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Do đó, trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp cần kiên trì giải bài toán tăng trưởng.
Ngoài ra, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, không chỉ có thách thức mà cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nhìn nhận lại mình, cởi mở hơn trong đầu tư, kinh doanh, cải tiến mô hình quản trị rủi ro trong công ty.
Để kịp thời thích ứng với cơ hội mới và thách thức mới, một số doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn tương lai gần, doanh nghiệp nên linh hoạt giảm chi phí vận hành, tăng năng suất hoạt động, thận trọng trong quản lý vốn...
Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể tạo đà cho tăng trưởng bằng việc "bắt tay" hợp tác đầu tư, kinh doanh đa ngành trên cơ sở nhận diện tiềm năng của các bên và mức độ sinh lợi để đưa ra quyết định.
Trước đó, theo phân tích của các chuyên gia, điểm tích cực của Việt Nam là trong môi trường kinh doanh quốc tế nhiều biến động vẫn kiểm soát tốt lạm phát, duy trì tỷ giá ổn định...
Tuy nhiên, GDP Việt Nam tăng trưởng ở mức thấp khi lĩnh vực xuất khẩu giảm tốc, sản xuất gặp khó khăn, sức mua trên thị trường nội địa suy yếu…
Bà Dorsati Madni, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, khiến sức mua suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư.
Điều này dẫn đến cả khu vực sản xuất và dịch vụ từ doanh nghiệp FDI đến nội địa đều gặp nhiều khó khăn.
Lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư là hai động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng thu hút vốn FDI chủ yếu dựa trên ưu đãi thuế, lao động giá rẻ... ít tạo ra những sản phẩm cho hàm lượng chất xám cao.
Còn trên bản đồ xuất khẩu thế giới, Việt Nam chưa tạo được sự bứt phá, mà nổi bật vẫn là nhiều lĩnh vực truyền thống, gồm: điện tử, dệt may, giày dép, nông sản, đồ gỗ...
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh 2023, Forbes Việt Nam đã vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023.
Đây là lần thứ 11 do Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này và 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 đã mang về tổng lợi nhuận sau thuế 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022; tổng doanh thu đạt 1.490.4553 tỷ đồng, tăng 24,9%.