Miệt mài “bò” rồi cũng đến đích
Sự cố này khiến nhà đầu tư (NĐT) liên tưởng lại tình trạng nghẽn lệnh hồi cuối năm 2020 đầu năm 2021 và kết quả là hệ thống giao dịch mới của FPT được áp dụng, thanh khoản bùng nổ. Lần này trục trặc tiếp tục xảy ra cũng đúng vào lúc HoSE diễn tập chuyển đổi hệ thống KRX. Dự án công nghệ thông tin KRX khởi động từ năm 2012 vốn dĩ đã kéo dài thậm chí có thể trải qua nhiều “lứa” NĐT đến rồi đi trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Tuy nhiên, sự cố cũng là cách để HoSE thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách điều hành. Bởi ngay sau đó, HoSE đã có thông tin chia sẻ về sự cố. Theo đó, vào đầu phiên giao dịch chiều 6-3, kết nối từ hệ thống của một số CTCK đến hệ thống của HoSE có hiện tượng chập chờn. Đến phiên giao dịch ATC, việc kết nối đã ổn định.
Theo HoSE, hệ thống giao dịch trong phiên giao dịch này hoạt động bình thường. Thống kê, tổng số lệnh của toàn thị trường phiên là 1.177.809 lệnh, tăng nhẹ so với bình quân của 10 phiên giao dịch liền trước là 1.142.638 lệnh. Thông báo của HoSE cho biết, đơn vị đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống là Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Quay trở lại hệ thống KRX, từ cuối năm ngoái, giới đầu tư thấp thỏm chờ đợi cột mốc ngày 25-12 để hệ thống này “go live”, mặc dù chưa bao giờ có thông tin chính thức về “ngày D”. Cuối cùng thị trường đã có sự thất vọng nhất định.
Tuy nhiên từ sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, kỳ vọng lại được khơi dậy với các chỉ đạo quyết liệt. Cho đến tuần trước, thông tin được hé lộ từ các CTCK cho thấy những bước đi cụ thể và rõ ràng ở giai đoạn cuối đang được tiến hành.
Nếu ai đã trải qua giai đoạn cuối 2020 đầu 2021 với việc thanh khoản sàn HoSE tầm 15.000-20.000 tỷ đồng là hệ thống bị chậm, thậm chí “đứng hình” thì cảm giác trải nghiệm hệ thống mới là thật sự khác biệt.
Theo thông tin đã được kiểm chứng với nhiều CTCK khác nhau, các bước chạy thử toàn diện như một hệ thống giao dịch bình thường đang được gấp rút thực hiện.
Cụ thể, từ ngày 4-3 đến ngày 8-3, HoSE sẽ diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1. Các CTCK chuẩn bị và thực hiện kiểm tra hệ thống, kiểm tra kết nối (Cutover Test) vào ngày 7-3. Sau đó, từ ngày 11-3 đến 15-3 các CTCK sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch như một ngày giao dịch bình thường. Ngoài ra dự kiến sẽ có một lần chạy thử nữa từ ngày 22-3 đến 28-3.
Đến thời điểm hiện tại, thời gian chính thức vận hành vẫn chưa được xác định cũng như chưa được công bố chính thức, nhưng bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong một cuộc tọa đàm tuần qua cũng khẳng định cơ quan quản lý quyết tâm đưa vào vận hành hệ thống KRX sau khi “test” thành công và kế hoạch là trong năm 2024. Chính vì vậy các đợt chạy thử như một hệ thống giao dịch bình thường chính là các bước tiến gần hơn tới việc vận hành chính thức.
Không chỉ là một hệ thống giao dịch
Có thể nói, hy vọng triển khai hệ thống KRX vốn đã bắt đầu từ năm 2023 khi liên tục có những lần chạy thử, sửa lỗi và nâng cấp hệ thống ở các CTCK thành viên. Đến năm 2024 hy vọng đó càng trở nên rõ ràng hơn không chỉ vì các bước đi cụ thể mà còn ở yếu tố “thiên thời”.
Đó là thời điểm tháng 9-2025, FTSE sẽ tiến hành rà soát và xem xét nâng hạng đối với TTCK Việt Nam. Kỳ vọng này càng được “gia cố” khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 với lời khẳng định quyết tâm nâng hạng TTCK từ “cận biên” lên “mới nổi” trong năm 2025.
Nói cách khác, từ giờ đến tháng 9-2025 tất cả các tiêu chí chưa đáp ứng được sẽ phải hoàn thiện. Trong đó, việc triển khai hệ thống KRX là bước quan trọng về mặt kỹ thuật cho việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (không cần yêu cầu NĐT nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua). Đây là một trong 2 tiêu chí chính mà TTCK Việt Nam còn vướng, bên cạnh quy định về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Với đa số NĐT, hệ thống KRX được coi như một hệ thống giao dịch chứng khoán hàng ngày. Trên thực tế đây là nền tảng liên quan đến nhiều cấu phần khác nhau, bao gồm cả công bố thông tin, giám sát, thanh toán bù trừ… Việc thay đổi hệ thống không chỉ có thể giúp gia tăng năng lực khớp lệnh hàng ngày mà còn sẵn sàng cho các sản phẩm mới.
Thậm chí, NĐT có thể trông đợi vào việc rút ngắn hơn nữa chu kỳ thanh toán thành T+2, thậm chí là T+0, chứ không phải T+2,5 như hiện tại. Việc giảm tỷ lệ ký quỹ trước khi mua (không cần 100% tiền) cũng giúp NĐT có thể linh hoạt hơn trong việc điều tiết nguồn vốn.
Nhìn chung lợi ích thiết thực nhất các NĐT có thể cảm nhận được nếu vận hành hệ thống mới là năng lực đáp ứng thanh khoản tăng lên. Nếu ai đã trải qua giai đoạn cuối 2020 đầu 2021 với việc thanh khoản sàn HoSE tầm 15.000-20.000 tỷ đồng là hệ thống bị chậm, thậm chí “đứng hình” thì cảm giác trải nghiệm hệ thống mới thật sự khác biệt. Khi đó, thanh khoản hàng ngày ở sàn HoSE lên tới 30.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn vẫn vào lệnh bình thường.
TTCK là thị trường của kỳ vọng và do đó, cần những câu chuyện để dẫn dắt kỳ vọng, và việc triển khai hệ thống KRX là một trong những câu chuyện như vậy. Thậm chí, sự kiện này có thể là tâm điểm của thị trường năm 2024, sau rất nhiều lần khiến NĐT “mừng hụt”.
Hiện tại, với xu hướng ngày càng nhiều NĐT mới gia nhập thị trường, lượng vốn đổ vào TTCK sẽ ngày càng tăng. Do vậy, nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài cũng sẽ gia tăng đáng kể. Tổng hợp các yếu tố thúc đẩy đó sẽ giúp thanh khoản lên một tầm cao mới.