Kỷ cương công chức hải quan ở mức bình thường

(ĐTTCO) - Báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được công bố hôm nay (12-11) tại Hà Nội cho thấy, có 55-61% doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của các công chức hải quan ở mức bình thường, chỉ 38% doanh nghiệp đồng tình với nhận định công chức hải quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, 32% doanh nghiệp cho rằng cán bộ hải quan coi doanh nghiệp là đối tác.

(ĐTTCO) - Báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được công bố hôm nay (12-11) tại Hà Nội cho thấy, có 55-61% doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của các công chức hải quan ở mức bình thường, chỉ 38% doanh nghiệp đồng tình với nhận định công chức hải quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, 32% doanh nghiệp cho rằng cán bộ hải quan coi doanh nghiệp là đối tác.

 

Kết quả trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát, ghi nhận ý kiến từ 3.123 doanh nghiệp trên cả nước. Nghiên cứu, khảo sát này được thực hiện trong bối cảnh ngành hải quan đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách hoạt động theo phương châm chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả.

Mục tiêu khảo sát nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin cho Chính phủ về hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Đánh giá về mức độ am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hải quan các doanh nghiệp đều đánh giá ở mức khá/tốt, 60% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá kỹ năng thực hiện thủ tục thông quan ở khâu kiểm tra hồ sơ ở mức khá/tốt, kế đến là khâu kiểm tra thực tế hàng hóa (57%), và thủ tục nộp thuế (52%).

Các doanh nghiệp được khảo sát cũng đánh giá rất cao kỹ năng giải quyết công việc của cán bộ hải quan, 56% doanh nghiệp đánh giá các kỹ năng thực hiện thông quan, khâu kiểm tra hồ sơ của công chức hải quan ở mức khá/tốt. Có 54% doanh nghiệp cho rằng kỹ năng giải quyết công việc trong các khâu kiểm tra thực tế hàng hóa của cán bộ hải quan khá/tốt.

Tuy nhiên, 35% doanh nghiệp được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi về việc trả phí ngoài quy định. Có 28% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan. Một số doanh nghiệp bày tỏ e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả thêm phí ngoài quy định cho cán bộ hải quan.

Một điểm khác đáng lưu ý có 53% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ từng bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn khả năng từng bị xử lý vi phạm càng cao. Chỉ 27% doanh nghiệp từng bị xử phạt có tiến hành khiếu nại về quyết định xử lý vi phạm của cơ quan hải quan, trong đó chỉ một nửa số doanh nghiệp cảm thấy hài lòng với kết quả giải quyết khiếu nại.

Các doanh nghiệp không tiến hành khiếu nại với quyết định xử phạt của cơ quan hải quan có 34% lo ngại mất thời gian, 27% lo ngại gặp rủi ro sau này và khoảng 20% cho biết không tiến hành khiếu nại vì thấy tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Đánh giá chung về pháp luật hải quan, có 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật về hải quan trong giai đoạn 2010 - 2015 là tích cực. Có 64% doanh nghiệp cho rằng quy định pháp luật về hải quan hiện hành dễ thực hiện. Nhưng khoảng 82% doanh nghiệp kỳ vọng phía cơ quan hải quan cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Khoảng 53% doanh nghiệp đề xuất cần tăng cường, củng cố mối quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp.

Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, có 26% doanh nghiệp cho rằng các thủ tục nộp thuế ở mức dễ/rất dễ. Một vài thủ tục được các doanh nghiệp đánh giá ở mức khó/rất khó khi thực hiện như: Thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (31% doanh nghiệp), thủ tục xét miễn thuế (26% doanh nghiệp), giải quyết khiếu nại (23% doanh nghiệp).

Các khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan thường liên quan tới sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các đơn vị hải quan với nhau, giữa cơ quan hải quan với cơ quan quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, sự thay đổi các quy định cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều bày tỏ hài lòng trong việc tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Có 81% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các thông tin pháp luật về hải quan sẵn có, dễ tìm. Khi có được thông tin thì 65% doanh nghiệp đánh giá các thông tin đơn giản và dễ hiểu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong nắm bắt thông tin pháp luật về hải quan. Tỷ lệ doanh nghiệp tự tìm hiểu quy định từ khi xây dựng dự thảo văn bản tăng từ 24% (năm 2013) lên 29% vào năm 2015.

Nhìn chung kết quả khảo sát nghiên cứu trên cho thấy ngành hải quan còn nhiều việc phải làm để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới. Trong báo cáo Doing Business 2016 được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cũng cho thấy dù chỉ số giờ nộp thuế đã cải thiện tích cực, giảm 102 giờ nộp thuế và bảo hiểm so với năm trước. Nhưng chỉ số về giao dịch thương mại qua biên giới trong bảng xếp hạng 2016 lại giảm 1 bậc so với năm trước.

Điều này cho thấy, dù phía cơ quan hải quan đã nỗ lực cải thiện nhưng các quy định về quản lý chuyên ngành tại các cửa khẩu quá phức tạp và đang thiếu đi sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động thông quan hàng hóa.

Các tin khác