Hôm nay 20-5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Trong hơn 1 tháng làm việc, kỳ họp lần này của Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, đòi hỏi từng vị đại biểu Quốc hội phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân.
Trước thềm kỳ họp, hàng loạt vấn đề đáng lo ngại được nêu ra: Tăng trưởng GDP quý I-2013 đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là mức thấp so với nhiều năm trước.
Trong khi đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều.
Những "điểm nghẽn" căn bản của nền kinh tế được chỉ ra vào cuối năm 2012 là tồn kho, nợ xấu đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Điều này khiến tăng trưởng tín dụng khó tăng lên (tới tháng 4 chỉ tăng được 1,4%), ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Ngay cả Chính phủ cũng thừa nhận nếu các khó khăn này không sớm được giải quyết, khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay là rất khó. Trong khi đó, ngân sách nhà nước đang đứng trước khả năng hụt thu khi mọi nguồn thu đều giảm so với dự toán.
Thiếu nguồn lực chi đầu tư từ ngân sách, tăng trưởng càng khó kích hoạt khi đầu tư từ khu vực tư nhân cũng đang rơi vào tình trạng kiệt quệ. Vòng luẩn quẩn của khó khăn kinh tế đã tác động mạnh tới đời sống của từng người dân, từng hộ gia đình, dù lạm phát trong những tháng đầu năm được kiềm chế ở mức thấp (tính đến hết tháng 4 CPI chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2012).
Ứng phó với những khó khăn, thách thức trên, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, kích hoạt tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đáng nói là các giải pháp này triển khai khá chậm chạp, chưa tạo được hiệu ứng tích cực để xoay chuyển tình thế.
Do vậy người dân kỳ vọng tại kỳ họp lần này, Quốc hội và Chính phủ sẽ xem xét phân tích cụ thể, tìm hướng tháo gỡ những tồn đọng về chính sách, cũng như có cơ chế triển khai thực hiện các chính sách kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả hơn.
Một nội dung đặc biệt quan trọng diễn ra trong kỳ họp lần này của Quốc hội là lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh lãnh đạo cao cấp trong bộ máy nhà nước. Cơ chế này đã có từ lâu nhưng đến nay mới được cụ thể hóa và lần đầu tiên được Quốc hội tiến hành thực hiện, nên nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giúp những người này nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. Đây cũng là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.
Do đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cao cấp nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Việc cùng lúc tiến hành lấy phiếu đánh giá tín nhiệm với 49 chức danh quan trọng nhất sẽ ít nhiều gây áp lực đối với các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp UBTVQH tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Đại biểu phải công tâm, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, chắt lọc thông tin qua ý kiến nhân dân để việc lấy phiếu đạt kết quả".
Để thực hiện được yêu cầu này không phải là điều dễ dàng, bởi lĩnh vực quản lý, thực hiện nhiệm vụ của 49 vị lãnh đạo trên rất rộng lớn, bao trùm toàn bộ các mặt hoạt động của đất nước. Nếu không tìm hiểu kỹ, thu thập thông tin từ nhiều phía, đại biểu Quốc hội sẽ khó đưa ra được đánh giá chính xác về việc thực hiện nhiệm vụ của người mà mình bỏ phiếu.
Đó là chưa nói đến để có được sự công tâm, người đại biểu phải tránh được sự tác động của những nhóm lợi ích trong xã hội. Người dân kỳ vọng đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu tín nhiệm phải tính lợi ích chung của đất nước, lợi ích của nhân dân. Muốn vậy, ngoài tinh thần trách nhiệm, đại biểu Quốc hội cũng cần tỏ rõ bản lĩnh của người đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân.