Phải “độc và lạ”
Sản xuất phim ngắn hoặc clip hài, nếu không thu hút được người xem, cầm chắc lỗ vốn. Còn phát trực tuyến, ban đầu không ít nghệ sĩ vẫn xem thị trường này như một phương tiện hâm nóng tên tuổi, nhưng dần dần họ nhận ra đây là giải pháp để kiếm tiền khôn ngoan nhất.
Bây giờ, các tụ điểm ca nhạc và tấu hài đều bị thu hẹp. Nếu phải chen chân trên các game show truyền hình, số lượng người hâm mộ cũng không đáng kể. Bài toán nhìn ra trông rộng nhất của giới show biz là thiết lập kênh trên Youtube, vừa kiếm danh vừa kiếm lợi.
Nếu đem sản phẩm ký gửi cho những công ty kinh doanh trực tuyến như Pops World hoặc Yeah1 Music, nghệ sĩ sẽ được chia lợi nhuận theo quảng cáo khai thác được vào từng thời điểm khác nhau. Ngược lại, nếu tự mình nhảy lên Youtube, nghệ sĩ thoải mái hơn khi quyết định đường hướng kinh doanh cho sản phẩm cá nhân. Dù hưởng theo view hay lấy quảng cáo, mỗi sản phẩm đều cần con số hàng triệu lượt nhấp chuột.
Một triệu view không hề đơn giản, giữa thị trường giải trí công nghệ cực kỳ sôi động, nên nhiều nghệ sĩ phải “động não” và “động thủ” ở những cấp độ phi thường lẫn dị thường.
Tiêu chí độc và lạ được lấy làm kim chỉ nam cho mọi sản phẩm giải trí trực tuyến. Song muốn độc và lạ về nội dung không đơn giản, cả âm nhạc lẫn phim ảnh, nên nghệ sĩ quyết định giành giật khán giả bằng… tên sản phẩm. Tên càng kỳ quái càng hấp dẫn. Điều này các nghệ sĩ trẻ tỏ ra rất nhạy bén. Nhóm Đen Vâu - Thái Vũ thực hiện một music video không có gì đặc sắc, nhưng đặt tên rất ngổ ngáo “Anh đếch cần gì ngoài em”.
Sự ngạo mạn ngay lập tức giúp music video này có được 2,3 triệu view sau 1 ngày tung lên Youtube. Tương tự, ca sĩ Bảo Anh phát hành music video “Như lời đồn”, đã tranh thủ nhắn nhủ “các bạn trẻ không được đọc lái tên bài hát”, cũng có được 1,7 lượt view. Những music video “Như cái lò” hoặc “Thu dẩm” cũng láu cá thu hút view theo kiểu này.
Ca sĩ Bảo Anh hứng chịu không ít thị phi sau “Như lời đồn”.
Những bài hát có cái tên thô tục, tất nhiên bị chính giới âm nhạc tẩy chay. Thế nhưng, gần như không có biện pháp chế tài, vì những music video xàm xí không hề xin cấp phép mà lan truyền thoải mái trên internet. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kiến nghị: “Rất cần cơ quan quản lý vào cuộc với những động thái cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta đều biết cấm rất khó.
Do vậy, nên chăng cần một cuộc trò chuyện, trao đổi với các nghệ sĩ để đưa ra một tiêu chí nào đó nhất định. Còn với các ca khúc mang nội dung thô tục, dư luận xã hội và khán giả phản ứng mạnh phải phạt nặng". Nói vậy, nhưng chính Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng bó tay trước dòng giải trí phi chính thống.
Kẽ hở quản lý?
Kẽ hở quản lý?
Nếu các music video đặt tên ngầm ý thô tục, các phim ngắn cũng câu view bằng những cái tên ỡm ờ như “Cướp chồng của chị”, “Cô vợ lăng loàn”, “Bán thân cho người tình”, hoặc “Anh xe ôm và cô gái điếm”. Nếu xem trọn vẹn, những phim ngắn này cũng không đến nỗi tệ hại, nhưng những nhà sản xuất vẫn muốn lấy cái tên chiều chuộng thị hiếu rẻ tiền nhằm có được hàng triệu view. Đây là một kẽ hở về quản lý, hay chính xác hơn là chưa có bộ quy tắc ứng xử cho những sản phẩm trên mạng. Đạo đức nghề nghiệp chấp nhận hao hụt cho số lượng view tăng lên, thị trường giải trí sớm muộn cũng rơi vào khủng hoảng giá trị.
Những nghệ sĩ đã có vị trí nhất định trong show biz không dại gì tung sản phẩm lên mạng bằng chiêu trò “giật tít, câu view” để nhận được những phản hồi dislike (không thích). Có sẵn năng lực tài chính và êkíp, những nghệ sĩ nổi tiếng tính toán khá kỹ lưỡng cho mỗi sản phẩm trực tuyến. Nếu chỉ đưa 1 music video không tạo được hiệu ứng sâu rộng, các sản phẩm chuyên nghiệp phải bao gồm cả chuỗi music video nối tiếp hỗ trợ nhau.
Sau khi tung ra music video chính thức, sẽ có thêm music video padory (bản nhái hài hước), rồi đến music video dance (bản vũ đạo cho lớp công chúng ở vũ trường), tiếp theo là music video lyric (bản có lời ca để khán giả hát theo), và cuối cùng là music video chế lời mới cho thập loại bá tánh. Chính sự liên thủ ấy đã đẩy music video chính tăng trưởng đại nhảy vọt về lượt view.
Những sản phẩm giải trí trực tuyến được đầu tư tiền tỷ và thu về tiền tỷ ngày càng nhiều. Bằng chứng là những music video vượt mốc 100 triệu lượt xem không còn là của hiếm, như “Bống bống bang bang” của nhóm 365, “Bùa yêu” của Bích Phương, hoặc “Phía sau một cô gái” của Sobin Hoàng Sơn, hoặc “Em gái mưa” của Hương Tràm, “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh…
Những nghệ sĩ trẻ xác định thị trường trực tuyến sẽ tác động ngược lại cát-xê đời thực của họ, nên Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Chi Pu đều không ngần ngại chi trả những khoản kinh phí đắt đỏ cho các music video. Tuy nhiên, người thành công nhất chính là ca sĩ Sơn Tùng MTP.
Mỗi sản phẩm của ca sĩ Sơn Tùng MTP đều nhanh chóng đạt được con số chục triệu view chỉ sau 1 ngày phát hành trực tuyến. Lý do, ca sĩ Sơn Tùng MTP rất biết cách chiều chuộng và kêu gọi người hâm mộ lên mạng để… cày view cho mình.
Thí dụ, khi music video “Lạc trôi” đạt con số 35 triệu lượt view chỉ sau 1 tuần lên mạng, ca sĩ Sơn Tùng MTP đã tổ chức tặng quà cho fan. Dù món quà đơn giản chỉ là cuốn lịch hoặc khăn choàng cổ, nhưng cũng khiến fan nức lòng nức dạ ra sức cày view và cổ vũ người khác cùng cày view cho thần tượng. Vì vậy, cứ đến dịp ca sĩ Sơn Tùng MTP ra sản phẩm mới, lập tức giới mộ điệu có hẳn chiến dịch cày view rất khủng khiếp. Có không ít fan của ca sĩ Sơn Tùng MTP tự hào khoe rằng, đã xem đi xem lại 1 music video của thần tượng trên kênh Youtube đến ngàn lần trong vòng 10 ngày. Nghe mà giật hết cả mình!
Sản phẩm trực tuyến triệu view là một dấu hiệu của thị trường giải trí đang hưng thịnh trên internet. Thế nhưng, triệu view chưa hẳn là thước đo nghệ thuật đáng tin cậy. Bởi lẽ, rất nhiều giá trị ảo được tạo ra từ những chiêu trò khó lường chỉ có chủ nhân những sản phẩm triệu view tường tận “trong chăn mới biết chăn có rận”.