
Cuộc chiến thuế quan
Ban đầu, mức thuế quan phổ quát sẽ có hiệu lực vào ngày 5-4, trong khi thuế đối ứng dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 9-4. Tuy nhiên, đến ngày 9-4, ông Trump thông báo mức thuế đối ứng sẽ bị hoãn lại trong thời gian 90 ngày với tất cả các nước, trừ Trung Quốc.
Tất cả các quốc gia hiện đang phải chịu mức thuế quan 10% cho đến khi thời hạn tạm dừng 90 ngày kết thúc vào tháng 7, tại thời điểm đó, thuế quan sẽ tăng lên mức "Ngày giải phóng".
Sau công bố của ông Trump, các đối tác thương mại của Mỹ lập tức tìm kiếm cách ứng phó. Tính đến nay, đã có hơn 75 nhà lãnh đạo thế giới đã liên lạc với Nhà Trắng để đàm phán một thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên, một số đối tác lớn đã có phản ứng cứng rắn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đã chỉ trích gay gắt các mức thuế quan, nhắc lại các kế hoạch bảo vệ doanh nghiệp của mình và lưu ý rằng EU đang chuẩn bị các biện pháp đối phó trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Cụ thể, EU cho biết đã đề nghị Mỹ một hiệp ước thuế quan "không đổi không" đối với hàng hóa công nghiệp. Có suy đoán rằng EU có thể viện dẫn Công cụ chống cưỡng ép (ACI), cho phép áp dụng bất kỳ biện pháp nào được coi là cần thiết trong trường hợp có "sự cưỡng ép" của bên thứ ba. Các biện pháp đối phó này có thể bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các dịch vụ của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu, ngoài thuế quan đối với hàng hóa.
Các nước châu Á nằm trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế quan mới của Mỹ. Trung Quốc đã phản ứng gần như ngay lập tức bằng cách áp đặt mức thuế tương đương 34% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, và chính quyền Mỹ đã phản ứng bằng cách áp đặt mức thuế 104% đối với Trung Quốc.
Vào ngày 9-4, Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ lên 84%. Kể từ đó, Mỹ đã áp đặt mức thuế 125% đối với Trung Quốc. Nhìn rộng hơn trong khu vực, Indonesia, Campuchia và Ấn Độ đã tuyên bố rằng họ sẽ không trả đũa. Tương tự, Úc dù lên tiếng chỉ trích mức thuế quan, nhưng nói rằng họ sẽ không trả đũa.
Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan của Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới, không có nước thứ ba nào có thể thoát được sự ảnh hưởng của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Vũ khí hóa công cụ kiểm soát
Khi Trung Quốc trả đũa, họ không dừng lại ở việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ mà còn thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại khoáng sản quan trọng, đồng thời bổ sung 8 công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và 17 công ty vào danh sách thực thể không đáng tin cậy.
Những hành động này không chỉ đơn thuần là phản ứng ngắn hạn đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc. Thay vào đó, chúng là một phần của sự thay đổi lớn hơn trong chính sách của cả Mỹ và Trung Quốc hướng tới việc sử dụng các hạn chế xuất khẩu như một công cụ kinh tế được vũ khí hóa.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu như một phản ứng chiến lược đối với các biện pháp kinh tế của Mỹ. Kể từ khi Huawei và HiSilicon bị đưa vào Danh sách thực thể của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) vào tháng 12-2019, chính sách của Mỹ đã ưu tiên xác định và khai thác các điểm nghẽn kinh tế của Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc cũng xây dựng các công cụ chiến lược để gây ảnh hưởng kinh tế theo cách phản ánh các chiến lược của Mỹ.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã nêu bật 4 nghiên cứu điển hình kéo dài từ tháng 8-2020 đến tháng 2-2025. Kết quả nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chế độ kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu để phản ứng trực tiếp với các biện pháp của Mỹ, đặc biệt là việc đưa các công ty Trung Quốc vào Danh sách thực thể, việc thực thi quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài và việc hạn chế bán chất bán dẫn cho người dùng cuối là người Trung Quốc.
Vai trò mờ nhạt của WTO
Hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật lệ đã bị đảo lộn hoàn toàn sau các sắc lệnh thuế của ông Trump. Một thành phần quan trọng của hệ thống đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng cơ quan này đang “hấp hối” trong những năm gần đây.
Vào ngày 7-4, Canada đã khởi kiện lên WTO liên quan đến thuế quan của Mỹ đối với ô tô và phụ tùng ô tô từ Canada. Quốc gia này lập luận rằng thuế quan của ông Trump không phù hợp với một số điều khoản của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1994. Trung Quốc cũng khởi kiện lên WTO vào ngày 8-4 với lý do tương tự.
Trong khi thuế quan được pháp luật cho phép như một chính sách thương mại, tất cả các quốc gia thành viên WTO, bao gồm cả Mỹ, đã đồng ý một số giới hạn trần đối với thuế quan mà họ áp dụng, được gọi là "mức thuế ràng buộc".
Hơn nữa, theo Nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO, các quốc gia thành viên phải tuân thủ Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), có nghĩa là ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, các quốc gia không thể dành cho một quốc gia "ưu đãi đặc biệt" mà không làm như vậy đối với tất cả các thành viên WTO khác.
Vi phạm nguyên tắc MFN có khả năng dẫn đến tranh chấp được đưa ra Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO (DSS), như chúng ta đã thấy với Canada và Trung Quốc. Yêu cầu tham vấn của mỗi quốc gia với Mỹ theo cơ chế tranh chấp của WTO lập luận rằng Mỹ đã vi phạm nguyên tắc MFN và áp đặt thuế vượt quá mức ràng buộc, với các hình phạt không cân xứng đối với hành vi vi phạm các quy định về hải quan.
Tuy nhiên, nơi có thẩm quyền cao nhất trong hệ thống này là Cơ quan phúc thẩm của WTO hiện không hoạt động. Điều này là do Mỹ liên tục ngăn chặn việc bổ nhiệm và tái bổ nhiệm các thành viên của nó, dẫn đến Cơ quan Phúc thẩm không có đủ số lượng đại biểu cần thiết để hoạt động.
Do đó, các quốc gia muốn thách thức tính hợp pháp của thuế quan của Mỹ thông qua DSS có khả năng phải đối mặt với những khó khăn thực tế đáng kể. Việc không có Cơ quan Phúc thẩm hoạt động có nghĩa là ngay cả khi một tranh chấp được khởi xướng, quá trình này có thể bị đình trệ hoặc không được giải quyết, khiến nó trở thành một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ quốc gia nào tìm cách khắc phục.