Công viên địa chất “Non nước Cao Bằng” như một bức tranh phong cảnh hùng vĩ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Trải rộng trên địa bàn 9 huyện với diện tích 3.275km2, với nhiều thắng cảnh hoang sơ, tuyệt sắc đang ẩn giữa Công viên địa chất vẫn chưa được nhiều người biết tới. Chúng tôi đã cùng một nhóm bạn trẻ đam mê khám phá chinh phục lên Cao Bằng để khai mở những thắng cảnh mới mẻ, ấn tượng.
Tuyệt phẩm “Núi Thủng”
Hệ thống núi đá vôi ở Việt Nam do thiên nhiên kiến tạo từ hàng triệu năm trước, đã tạo thành nhiều danh lam thắng cảnh từ miền rừng núi đến biển đảo. Trong đó, hệ thống núi đá vôi khu Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng mang nhiều nét độc đáo với đặc sản “Núi Thủng”, và những khu hang động được ví như “Tiểu Sơn Đoòng”. Tháng 4-2018, khi danh hiệu “Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng” được UNESCO công nhận thì khu “Núi Thủng” ở xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh bắt đầu được hé mở với du khách gần xa. “Núi Thủng” hay “Mắt Thần Núi”, theo tiếng người Tày bản địa là “Phja Piót” nằm cách TP Cao Bằng khoảng 35km.
Đó là ngọn núi đá vôi cao khoảng 100m so với mặt hồ, như một khối hình tháp xanh khổng lồ nằm độc lập giữa lòng thung lũng. Giữa lưng chừng là lỗ thủng cực lớn xuyên qua lòng núi, với đường kính chỗ rộng nhất lên tới gần 50m. Theo tài liệu nghiên cứu về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, phần lỗ thủng giữa núi có như hiện nay do vận động nâng trong giai đoạn tân kiến tạo (đây là giai đoạn hình thành và phát triển tự nhiên ở nước ta kéo dài từ 65 triệu năm trước cho đến ngày nay, trong đó có đặc điểm nổi bật là địa hình được trẻ hóa do vận động nâng).
Dưới chân núi là một vùng thung lũng rộng lớn cũng mang nét đặc biệt không kém. Mùa khô từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau (theo âm lịch), toàn bộ thung lũng là một thảm cỏ xanh biếc, nơi những đàn trâu ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, còn mọi người có thể cắm trại, đi picnic bằng xe đạp… Nhưng đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8, nơi đây bỗng biến thành hồ nước trong xanh rộng đến 15ha.
Trước nay, chúng tôi cứ tưởng “Núi Thủng” chỉ có ở Trà Lĩnh, nhưng mới đây một số người đã phát hiện thêm 2 khu nữa. Trong đó, Cổng Trời chính là một ngọn núi thủng hùng vĩ mà chúng tôi muốn khám phá. Để khám phá, từ TP Cao Bằng, chúng tôi đi tiếp khoảng 15km để đến trung tâm xã Ngũ Lão, huyện Hòa An. Nơi đây chào đón du khách chúng tôi bằng một cao nguyên hoang sơ, rộng mênh mông. Nhìn từ trên cao cảnh sắc bao la với mảng mầu xanh của núi rừng, đồng bãi.
Thỉnh thoảng, một bản người Mông nhỏ bé với khoảng chục nếp nhà nằm lọt thỏm giữa mầu xanh đại ngàn. Từ trung tâm xã chúng tôi đi tiếp 5km vào xóm Nà Mẫn, liên hệ với chàng trai Lương Cường - một thổ dân chuyên đi lấy lan rừng ở khu vực Cổng Trời. Chúng tôi theo chân Cường bắt đầu hành trình. Cường cho biết: “Từ con đường mòn ven suối lên tới Cổng Trời - Núi Thủng mất khoảng 40-45 phút. Bao đời nay, người dân bản địa thường hay lên đây lấy lan rừng, đi săn mật ong. Nhưng vẻ đẹp của Cổng Trời - Núi Thủng ở Nà Mẫn mới chỉ được vài nhóm ưa khám phá ở Cao Bằng phát hiện ra gần đây và đưa lên mạng”.
Sau quãng đường vã mồ hôi men theo con suối cạn, băng qua đoạn dốc rậm rạp trong rừng dài 1,5km, chúng tôi chính thức đặt chân tới Cổng Trời - Núi Thủng. Trước mắt chúng tôi là ngọn núi đá vôi sừng sững với một vòm cửa rộng xuyên thủng toàn bộ quả núi. Nó như một ô cửa khổng lồ mở ra trời mây, rừng cây bao la. Từ đây du khách được chiêm ngưỡng núi non trùng điệp chạy tít tận chân trời. Vòm cửa Núi Thủng ở đây ước tính cao tới gần 100m, chỗ bề ngang rộng nhất khoảng 40m. Nó như tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ mà thiên nhiên đã kiến tạo ra và ban tặng cho mảnh đất này. Ngồi trước cửa hang núi, gió thổi ào ào mát rượi như ngàn chiếc điều hòa đang ùa vào cơ thể. Anh Lương Cường cho biết, sau khi phát hiện ra ngọn Núi Thủng - Cổng Trời ở xã Ngũ Lão này, nhiều người đã ví nó là Thiên Môn của Việt Nam (để so sánh với Thiên Môn Sơn bên Hồ Nam, Trung Quốc).
Sau chuyến đi Núi Thủng - Cổng Trời ở xã Ngũ Lão, chúng tôi được anh Hà Cương, 42 tuổi ở TP Cao Bằng, một người đam mê khám phá du lịch cho biết thêm ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cũng có một ngọn Núi Thủng. Núi Thủng Khuổi Ky tuy không lớn bằng 2 ngọn núi trên, nhưng nó lại gắn liền với câu chuyện lịch sử về Thành đá được xây dựng khi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng (1594-1677). Núi Thủng Khuổi Ky nằm ngay gần động Ngườm Ngao nổi tiếng. Trong khu Núi Thủng Khuổi Ky có rất nhiều khối nhũ đá khổng lồ đủ các hình dạng kỳ thú. Có khối nhũ đá lớn bằng căn nhà 2-3 tầng.
Khám phá Tiểu Sơn Đoòng nguyên sơ
Cùng với Núi Thủng, đến với Cao Bằng chúng ta không thể bỏ qua hệ thống hang động được nhiều người ví như “Tiểu Sơn Đoòng”. Cũng nằm ở xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, chúng tôi được Lương Cường chỉ dẫn đi khám phá khu Hố Sụt Canh Cảo nằm giữa cao nguyên Lũng Gà. Từ UBND xã Ngũ Lão, xe đi trên những cung đường ngoằn ngoèo lên cao nguyên Lũng Gà. Được khoảng 5km, cả nhóm phải dừng xe leo bộ đường mòn khoảng 2km nữa mới tới khu Hố Sụt Canh Cảo.
Con đường mòn xuyên rừng vào khu Hố Sụt Canh Cảo còn hoang sơ, người dẫn đường vừa đi vừa phải dùng dao phát cây cỏ rậm rạp. Sau một hồi mò mẫm theo bước chân của người dẫn đường, chúng tôi đừng trước miệng Hố Sụt Canh Cảo. Nhìn từ trên cao chúng ta có thể thấy cả một dãy núi như bị tạo hóa khoét một lỗ khổng lồ ở giữa. Đứng ở dưới đáy Hố Sụt Canh Cảo nhìn lên một vòm trời huyền diệu.
Xung quanh Hố Sụt là những vách đá dựng đứng với rêu cỏ ngàn đời bám trụ sinh trưởng xanh tốt. Bên dưới lòng Hố Sụt là nhiều loại cây từ thân gỗ đến thân cỏ tạo thành một khu rừng um tùm. Không gian dưới Hố Sụt Canh Cảo với vách cao gần 100m và lòng rộng tới vài ngàn m2 tạo cảm giác gợi cho ta như đang đứng ở phiên bản thu nhỏ của hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). Từ đáy Hố Sụt Canh Cảo, du khách có thể thám hiểm thêm một đoạn hang khô với những phiến đá ngổn ngang xanh mầu rêu phong. Cứ đi men theo đường hang, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân sang sườn bên kia của ngọn núi. Ai cũng phải trầm trồ ấn tượng với cảnh quan vừa đi qua.
Rời khỏi Hố Sụt Canh Cảo, chúng tôi tiếp tục theo chân nhóm bạn trẻ ở Cao Bằng đến khám phá một khu hang động nguyên sơ, tuyệt đẹp khác ở huyện Thạch An. Khu hang động này nằm ở xóm Bản Muồng, xã Thị Ngân, Thạch An (cách TP Cao Bằng khoảng hơn 50km). Từ điểm gửi xe ở xóm Bản Muồng, chúng tôi trải qua đoạn đường mòn ven suối rất nhiều vắt. Mọi người phải vừa đi bộ, vừa chống chọi với lũ vắt bám vào chân, tay trong khoảng 1 giờ mới tới được cửa hang.
Dân ở đây vẫn gọi là hang đá Bản Muồng. Cửa hang như một mái vòm vô cùng ấn tượng với những nhũ đá đâm xuống tua tủa. Ngay qua cửa hang, mọi người được lạc vào vườn thạch nhũ độc đáo. Hàng chục cây thạch nhũ lớn, nhỏ mọc lên giữa nền hang. Có những cây thạch nhũ khổng lồ cao hơn 10m, đường kính khoảng 4m vươn lên chạm tới trần hang.
Đứng từ khoảng tối trong hang nhìn ra là một khung cảnh huyền ảo giữa sáng và tối. Hơi lạnh trong hang tạo thành những đám sương huyền ảo gặp ánh nắng bên ngoài hắt vào, tạo ra cảnh tượng mờ nhân ảnh vô cùng đẹp mắt. Lòng hang rộng đến vài ha, du khách có thể thỏa thích đi ngắm nhũ đá lung linh khắp nơi mà không thấy chán.
Quyến rũ sông, thác miền biên viễn
Quyến rũ sông, thác miền biên viễn
Sau mấy ngày khám phá hang động, núi non chúng tôi bắt đầu thay đổi không khí chuyển sang trải nghiệm sông suối, thác nước trên miền biên viễn. Bên cạnh thác Bản Giốc nổi tiếng, chúng tôi quyết định lang thang theo dòng sông Quây Sơn. Đây là con sông chảy trên vành đai biên giới Việt-Trung, tạo ra nhiều thắng cảnh đẹp tựa tranh sơn thủy. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đoạn sông chảy qua Việt Nam dài 49km có cảnh sắc ấn tượng và đẹp nhất.
Chúng tôi tìm đến xã Ngọc Côn và Phong Nậm, huyện Trùng Khánh. Đây là nơi sông Quây Sơn bắt đầu chảy vào đất Việt. Ở xã Phong Nậm, sông Quây Sơn chảy hiền hòa uốn mình qua vùng bình địa bằng phẳng với những thửa ruộng xanh tốt, xa xa là núi non trùng điệp. Ngoài việc tạo vẻ đẹp cho bức tranh phong cảnh, sông còn cung cấp nước tưới cho cánh đồng lúa phì nhiêu đôi bờ.
Một vẻ đẹp riêng của Quây Sơn là đôi bờ có rất nhiều khóm tre, vầu. Xuôi dòng qua các xã Ngọc Côn, Phong Nậm, Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn (Trùng Khánh) đâu đâu chúng tôi cũng thấy những khóm tre, vầu xanh tươi đôi bờ. Tre, vầu mọc tự nhiên ở bờ Quây Sơn từ bao đời trở thành hàng lũy vững chắc chống xói mòn. Đặc biệt khi chảy đến xã Đàm Thủy vào mùa thu, mùa đông, nước sông Quây Sơn luôn xanh biếc.
Khi chảy qua xã Minh Long, Lý Quốc (huyện Hạ Lang), sông Quây Sơn thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có lúc sông uốn sang đất Trung Quốc rồi lại lượn về Việt Nam. Để được hòa mình vào thiên nhiên hơn nữa, được chút bỏ xiêm y giải nhiệt giữa những ngày hè oi ả, chúng tôi đã tìm đến thác Thoong Ma (xã Đoài Dương, Trùng Khánh) và Nà Tẩu (xã Cai Bộ, Quảng Uyên).
2 thác nước này có đặc điểm chung là mang vẻ đẹp mộc mạc. Những dải nước nhỏ đổ từ trên vách núi xuống tạo thành hồ nước trong vắt, mát lạnh. Ngâm mình ở dưới hồ nước du khách sẽ ngỡ như đang được thưởng thức dịch vụ spa thiên nhiên tuyệt hảo. Bao nóng bức, mệt mỏi trong người bỗng tan biến.