Địa chỉ văn hóa, anh hùng
Địa danh Củ Chi được thành lập thời nhà Nguyễn, thuộc huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (huyện Bình Long do một phần huyện Bình Dương tách ra).Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có biết bao xương máu của quân và dân Củ Chi ngã xuống để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do cho quê hương.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, huyện Củ Chi có hơn 17.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 772 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có 2 đơn vị lực lượng vũ trang và 19/21 xã, thị trấn thuộc huyện đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Địa đạo Củ Chi là biểu tượng anh dũng, trận đồ biến hóa và sáng tạo trong cuộc kháng chiến ác liệt suốt 30 năm là “kỳ quan đánh giặc” độc đáo được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cùng lãnh đạo bộ, ngành tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn và Củ Chi tháng 4-2022. Ảnh: CAO THĂNG
Hiện nay, huyện Củ Chi có thị trấn Củ Chi và 20 đơn vị hành chính cấp xã. Là địa phương chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, giàu truyền thống cách mạng; có nhiều tiềm năng, cơ hội trở thành cực tăng trưởng mới của TPHCM và đang dần hình thành một đô thị mới.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị khi định hướng phát triển trong quy hoạch, cần quan tâm làm hài hòa các công năng sinh thái, hạ tầng xã hội, không nên phát triển đô thị “nén”.
“Nên chăng du lịch Củ Chi mang chủ đề là du lịch hòa bình, dựa trên truyền thống của vùng đất thép. Để nói tới Củ Chi khách du lịch nhận biết vùng đất này như Hiroshima và Nagasaki (2 thành phố của Nhật Bản bị Mỹ ném bom nguyên tử trong chiến tranh Thế giới thứ 2), và mong muốn được một lần đến với Củ Chi” - Chủ tịch gợi mở.
Vươn mình từ cơ hội mới
Củ Chi chịu nhiều thiệt thòi do hậu quả chiến tranh để lại. Nhưng sau nhiều năm đồng lòng quyết tâm “đứng lên từ đống đổ nát”, đến nay Củ Chi có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của TPHCM.
Vươn mình từ cơ hội mới
Củ Chi chịu nhiều thiệt thòi do hậu quả chiến tranh để lại. Nhưng sau nhiều năm đồng lòng quyết tâm “đứng lên từ đống đổ nát”, đến nay Củ Chi có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của TPHCM.
Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng, nói: “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn - Củ Chi do Chủ tịch nước chủ trì đã tạo cho Củ Chi nhiều cơ hội bứt phá, nhiều nhà đầu tư tìm đến Củ Chi, nhiều dự án xúc tiến đầu tư vào Củ Chi…”.
Về định hướng phát triển Củ Chi trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Quyết Thắng cho biết hiện nay huyện đang nỗ lực khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng nội sinh, đồng thời tận dụng, nắm bắt tốt các tiềm năng ngoại sinh trong đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi quảng bá và thu hút đầu tư hiệu quả vào 9 dự án trên các lĩnh vực đã được TP phê duyệt, với tổng diện tích hơn 5.838ha.
“Thời gian tới, với những lộ trình cụ thể rõ ràng, những kiến nghị được quan tâm giải quyết hợp lý, Củ Chi thực hiện khát vọng vươn lên, sẵn sàng chào đón, tạo điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và làm giàu trên quê hương “Đất thép thành đồng”, góp phần đưa Củ Chi vươn lên cùng TPHCM” - Bí thư Huyện ủy Củ Chi chia sẻ.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn - Củ Chi, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho biết hội nghị này có 3 ý nghĩa quan trọng, là thực hiện kế hoạch hành động của TPHCM; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri TP, đặc biệt với cử tri 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi; tạo cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế của TPHCM.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: “Nguyên tắc xuyên suốt của phát triển 2 huyện phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững. Củ Chi, Hóc Môn không phải là mâm cỗ dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất”.
Chỉ ra nút thắt kìm chế sự phát triển của 2 huyện là hệ thống giao thông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3, 4, các tuyến đường ven sông… kết nối Củ Chi, Hóc Môn với khu vực trung tâm, sân bay, cảng biển.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết hiện nay diện tích đất dành cho các dự án lớn và siêu lớn của các nhà đầu tư dần thu hẹp ở các khu vực giáp ranh nhưng ở Củ Chi vẫn còn khá lớn. Điều này giúp các dự án lớn và siêu lớn có sự đầu tư tập trung, không bị manh mún. Huyện Củ Chi luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến, trên cơ sở khơi dậy và khai thác các tiềm năng với mục đích cùng phát triển.
“Khi các nhà đầu tư thực hiện dự án, huyện sẽ tạo cơ chế thông thoáng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục thuộc thẩm quyền của huyện” - bà Phạm Thị Thanh Hiền nhấn mạnh.
Huyện Củ Chi nằm ở vị trí cửa ngõ, cách trung tâm TPHCM 30km về phía Tây Bắc theo đường Xuyên Á, có diện tích tự nhiên gần 434km2, chiếm 21% diện tích toàn TP. Đây là vùng đất cao, không bị sụt lún, thoát nước dễ dàng, không bị ngập úng, thuận lợi cho việc xây dựng đô thị hiện đại. Củ Chi tiếp giáp và kết nối thuận lợi với các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh qua các trục giao thông chính (đường bộ có Quốc lộ 22 - đường Xuyên Á, các tỉnh lộ; đường thủy có sông Sài Gòn). Khi Nhà nước đầu tư đồng bộ các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, lợi thế chiến lược và vị trí quan trọng trong liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Củ Chi sẽ càng được nâng cao hơn nữa, “đất thép” sẽ càng có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. |