Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (khai mạc sáng nay 8-11) mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực giữa 2 thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, trong bối cảnh đối nội và đối ngoại đang phát sinh nhiều vấn đề nhạy cảm.
Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện có 82 triệu đảng viên, được xem là lực lượng nòng cốt thực hiện các chính sách điều hành đất nước. Ngày 4-11, Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 đã thông qua báo cáo của BCH và Dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng. 2 văn kiện này sẽ được đệ trình lên Đại hội Đảng lần thứ 18.
Ngay sát thềm Đại hội Đảng, báo chí Trung Quốc đã phát động cuộc tấn công nhằm vào tờ New York Times (Hoa Kỳ) sau khi nhật báo này đăng tải thông tin về khối tài sản khổng lồ trị giá gần 3 tỷ USD của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Ngày 29-10, Chính phủ Trung Quốc cảnh báo âm mưu bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc “phải hứng chịu thất bại” và xác nhận gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thuê các luật sư trong cuộc chiến chống lại New York Times.
Kỷ niệm 63 năm thành lập nước CHND Trung Hoa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. |
Trước đó, đã xảy ra những vụ án lạm dụng quyền lực của vợ chồng Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và của Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, gây chấn động và bất bình dư luận. Đảng đã khai trừ 2 ông Bạc và Lưu.
Trong tuyên bố chính thức ngày 15-10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Giám sát cho biết 5 năm qua, các cơ quan chức năng đã nhận được hơn 6,6 triệu đơn tố cáo và kiến nghị về các trường hợp vi phạm, đã tiến hành điều tra 643.000 trường hợp, có kết luận 639.000 trường hợp, xử lý hơn 668.000 đảng viên và quan chức vi phạm, sung công 1,58 tỷ NDT (250,3 triệu USD) từ những “món lợi bất chính”.
Các nhà phân tích cho rằng 10 vấn nạn Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt giải quyết trong quá trình hiện đại hóa đất nước, bao gồm: Cơ cấu kinh tế méo mó, công nghệ kỹ thuật chưa cao, đặt nặng xuất khẩu, coi nhẹ thị trường nội địa; doanh nghiệp nhỏ và vừa bị chèn ép bởi các tập đoàn quốc doanh; nông thôn, nông nghiệp, nông dân bị coi nhẹ; hậu quả của chính sách 1 con ảnh hưởng đến cân bằng dân số; nền giáo dục, nghiên cứu khoa học chậm tiến; ô nhiễm môi trường; nguy cơ khủng hoảng năng lượng; đạo đức xã hội suy đồi; nền ngoại giao mang tư tưởng bá chủ; cải cách chính trị chập chờn, mơ hồ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gói kích cầu trị giá 4.000 tỷ NDT bị cho là chệch theo hướng thúc đẩy các ngành công nghiệp tốn năng lượng và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, tình trạng ô nhiễm, quan ép dân đã dẫn tới một số cuộc biểu tình và mất niềm tin vào giới lãnh đạo, làm suy yếu sự ổn định xã hội.
Sau 30 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng đang đối mặt không ít thách thức, trong đó phải kể đến việc làm thế nào để duy trì phát triển, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đến năm 2050 trở thành nước phát triển trung bình, các vấn đề về dân sinh, xây dựng xã hội hài hòa.
Thông thường, cứ sau 2 đại hội, nghĩa là 10 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại thay một thế hệ lãnh đạo, thay một loạt nhân vật đứng đầu Đảng và Nhà nước. Dư luận kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ mang lại bộ mặt mới cho bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, đề ra những sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách lãnh đạo đất nước, cắt bỏ những “ung nhọt” để cứu vãn niềm tin người dân.