Tòa án Tối cao Ấn Độ vừa từ chối cấp bản quyền cho thuốc chữa ung thư bạch cầu Gleevec của đại gia dược phẩm Novartis. Sự kiện này được ví như gáo nước lạnh tạt vào các tập đoàn dược đa quốc gia, nhưng lại làm nức lòng người dân các nước nghèo vốn kỳ vọng vào các loại thuốc generic giá rẻ.
Tòa án Tối cao Ấn Độ cho rằng Gleevec chỉ là sự biến đổi chút đỉnh từ thuốc Glivec đã hết hạn bản quyền. Với quyết định này, các nhà sản xuất thuốc generic Ấn Độ sẽ có thể tiếp tục sản xuất các phiên bản thuốc Glivec. Sự chênh lệch giá giữa Glivec và thuốc generic là rất lớn.
Thí dụ, nếu bệnh nhân dùng Glivec sẽ tốn tới 70.000USD/năm, trong khi chỉ tốn chừng 2.500USD/năm cho phiên bản generic của Ấn Độ.
Giá thuốc toàn cầu là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các nước phát triển và đang phát triển. Các nước nghèo nhấn mạnh nghĩa vụ đạo đức bảo đảm thuốc generic bán giá rẻ hơn cho người dân của họ bằng cách hạn chế các bằng sáng chế trong một số trường hợp; ngược lại, các công ty dược phẩm có tên tuổi của các nước phát triển cho rằng lợi nhuận mà họ gặt hái được là nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại thuốc mới.
Hiện nay, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD thuốc generic mỗi năm. Phán quyết này được đưa ra tại thời điểm đầy thách thức khi ngành công nghiệp dược phẩm phải gia tăng tầm ngắm vào các thị trường mới nổi để bù đắp cho doanh số yếu đi tại Hoa Kỳ và châu Âu, đồng thời phải đối mặt với những thách thức khác để bảo vệ bằng sáng chế của mình ở các nước như Argentina, Philippines, Thái Lan và Brazil.
Trong các hiệp định thương mại, ngành công nghiệp dược phẩm đã cố gắng vận động hành lang để có những điều khoản bảo vệ bằng sáng chế tương tự như tại Hoa Kỳ.
![]() |
Thuốc generic giá rẻ là kỳ vọng của bệnh nhân ở các nước đang phát triển. |
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Phó Chủ tịch chi nhánh Novartis Ấn Độ Ranjit Shahani cảnh báo rằng phán quyết trên sẽ khiến các đại gia dược phẩm như Novartis giảm tiền đầu tư nghiên cứu ở Ấn Độ.
Một số người khác chỉ trích phán quyết là một bằng chứng nữa cho thấy Ấn Độ không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm. Năm ngoái, Ấn Độ đã cấp giấy phép cho một nhà sản xuất thuốc generic bắt đầu tạo ra các bản sao thuốc ung thư Nexavar của hãng Bayer, và rút bằng sáng chế thuốc ung thư Sutent của Pfizer.
Tại Hoa Kỳ, các công ty có thể nhận được một bằng sáng chế mới cho một loại thuốc bằng cách cải biên công thức hoặc thay đổi liều lượng của nó. Các công ty dược cho rằng ngay cả những cải tiến nhỏ trong các loại thuốc, như thay đổi liều dùng mỗi ngày từ 2 lần còn 1 lần, cũng có thể tác động đáng kể đến sức khỏe bệnh nhân.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng đa số các bằng sáng chế thuốc tại Hoa Kỳ được cấp cho những thay đổi nhỏ thường chỉ mang lại vài lợi ích thật sự cho người bệnh nhưng lại giúp cho các công ty dược tiếp tục tính giá cao thêm nhiều năm nữa sau khi hết hạn bằng sáng chế ban đầu.
Kết quả là người dân Hoa Kỳ phải chi trả giá thuốc cao nhất trên thế giới, mức giá chỉ một phần rất nhỏ người dân ở những nước đang phát triển như Ấn Độ có khả năng với tới.
Dù sao, phán quyết này cũng được xem như một đảm bảo cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc generic ở Ấn Độ, nhà cung cấp các loại thuốc giá rẻ lớn nhất thế giới. Từ đó, người dân ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới sẽ tiếp tục được tiếp cận với phiên bản giá rẻ của những loại thuốc đắt đỏ điều trị HIV và ung thư, ít nhất là trong thời gian gần, một điều rất quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại những căn bệnh chết người.