Sẵn sàng đón thời cơ
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện đã có nhiều đơn đặt hàng của Trung Quốc phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023 do nguồn hàng tồn ở Trung Quốc giảm. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tăng cường kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để nhập hàng.
Các tiểu thương làm thủ tục hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lượng đơn hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc chắc chắn tăng mạnh sau khi mở cửa do chính sách kiểm soát hàng đông lạnh của Trung Quốc được dỡ bỏ. Ông Lê Bá Anh (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu rất lớn về thủy sản của Việt Nam.
“Khi Trung Quốc mở cửa biên giới, các mặt hàng thủy sản sẽ càng xuất khẩu thuận lợi hơn, đặc biệt là thủy sản tươi sống như tôm hùm, tôm thẻ, cua, ghẹ... Bởi khi mở cửa thì các nhà hàng, quán ăn ở Trung Quốc sẽ tiêu thụ mạnh lượng thủy hải sản tươi sống”, ông Bá Anh nhận định.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thủy sản, hiện nay Trung Quốc đã công nhận 802 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất chính ngạch vào nước này. Đồng thời, Việt Nam cũng chấp thuận cho 780 doanh nghiệp thủy sản của Trung Quốc vào Việt Nam. Từ năm 2004, Việt Nam đã ký hợp tác xuất khẩu thủy sản với Trung Quốc.
Đối với sản phẩm trái cây, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, cục đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, sắp xếp nhân sự, bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu nhanh chóng nhất. Vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hàng loạt nghị định thư về xuất khẩu nhiều loại trái cây, nông sản theo đường chính ngạch như khoai lang, sầu riêng, thanh long, chuối, chanh leo… Do đó, với các mặt hàng chủ lực, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng trồng và cơ sở đóng gói, mùa vụ, năng suất để điều tiết các vùng nguyên liệu, tránh ùn tắc, gây áp lực tiêu thụ tại các cửa khẩu.
Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng đến những tháng cuối năm, khi các biện pháp kiểm soát chặt ở cửa khẩu dần được nới lỏng, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam cả năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật dự báo, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ bùng nổ trở lại trong năm 2023.
Còn đối với sản phẩm chăn nuôi, theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến nay đã có 9 nhà máy thuộc 7 công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc với mức tăng trưởng lên tới 50%. Tháng 11-2022, Việt Nam cũng đã ký nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Bộ NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn sau khi các doanh nghiệp đề nghị và phấn đấu trong năm 2023 sẽ có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Long cũng cho biết, cục đã phối hợp với các cơ quan thẩm quyền để xây dựng vùng an toàn dịch lở mồm long móng. Bộ NN-PTNT đang đàm phán để xuất khẩu thêm thịt gà, sản phẩm chế biến… sang thị trường Trung Quốc, mở ra thị trường mới cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Chủ động ứng phó với thách thức
Bên cạnh những thuận lợi và thời cơ, các chuyên gia vẫn cảnh báo những thách thức khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, trong đó có nguy cơ tái bùng dịch bệnh. Bộ Công thương nhận định, lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu phía Bắc sẽ gia tăng trước Tết Quý Mão. Vì vậy, bộ đề nghị các doanh nghiệp, địa phương, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ở biên giới phía Bắc để điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, doanh nghiệp cần phải kiểm soát nghiêm ngặt, phòng chống và phát hiện virus SARS-CoV-2, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu các sản phẩm mà Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 sẽ có nguy cơ bị cấm xuất khẩu trở lại. Doanh nghiệp cần phải thực hiện xuất khẩu chính ngạch, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng, tìm hiểu thông tin thị trường trước xuất khẩu, đặc biệt sản xuất theo đơn hàng.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, hiện nay, Trung Quốc đưa ra tiêu chí, rào cản kỹ thuật không thua kém các nước châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp ngoài việc sản xuất đảm bảo chất lượng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các quy định nhập khẩu được Trung Quốc nới lỏng
Từ ngày 8-1, Trung Quốc thực hiện quản lý Covid-19 theo diện bệnh truyền nhiễm nhóm B, thực hiện các biện pháp phòng dịch ở giai đoạn mới. Trong đó bãi bỏ một số quy định:
Lực lượng hải quan kiểm soát người qua lại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn
Bãi bỏ toàn bộ quy định quản lý về phân cấp, phân khu tại các cửa khẩu và lối mở biên giới.
Bãi bỏ toàn bộ phương thức quản lý khép kín tại các cửa khẩu và lối mở biên giới; không tiếp tục thực hiện quản lý khép kín và xét nghiệm PCR hàng ngày đối với người tiếp xúc trực tiếp người nhập cảnh, hàng đông lạnh nhập khẩu... và cán bộ, nhân viên làm việc tại cửa khẩu. Thực hiện quản lý theo quy trình thông thường đối với người nhập cảnh.
Bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR, khử khuẩn và đặt tĩnh đối với xe hàng và hàng khô, tạp hóa xuất nhập cảnh; bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với tàu thuyền, thuyền viên và hàng hóa khi vào cửa khẩu; bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR và khử khuẩn đối với từng lô, từng kiện hàng đông lạnh nhập khẩu.
Tối ưu hóa các biện pháp quản lý thông quan. Có thể không tiếp tục áp dụng mô hình giao nhận không tiếp xúc như phân đoạn vận chuyển, tháo lắp rơ moóc, gắp container..., cho phép xe chở hàng trực tiếp xuất nhập cảnh, nhân viên đưa hàng hai bên có thể cùng nhân viên làm thủ tục thông quan hàng hóa và lái xe hàng ra vào bãi sang tải hàng tại cửa khẩu bên kia để tiến hành giao nhận hàng hóa theo quy định. Quy định này áp dụng ngay cả tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu đường sắt.