Đây là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Arturo Di Modica, là biểu tượng cho sức mạnh và hy vọng của người Mỹ sau vụ sụp đổ TTCK năm 1987. Theo giải thích của nghệ nhân, con bò này được thể hiện ở trạng thái sẵn sàng lao mạnh về phía trước (charging bull), húc tung mọi rào cản để biểu trưng cho sự tăng tốc, phát triển cực mạnh của TTCK. Biểu tượng này cũng là minh họa sống động cho tính từ “bullish” - thị trường con bò tót, trong đó nhà đầu tư cảm thấy hứng thú và sẵn sàng tham gia thị trường với hy vọng thu nhiều lợi nhuận.
Tôi có “hân hạnh” chụp ảnh với con bò phố Wall này trong chuyến công tác ở Mỹ lần đầu tiên năm 2014 và xin mượn bức ảnh kỷ niệm này để nói về niềm hy vọng đầu năm Tân Sửu. Đứng thứ 2 trong chu kỳ hoàng đạo 12 con giáp, trâu/bò là con vật nặng ký nhất với hàm ý tích cực. Trong tiếng Hoa có thành ngữ “tố ngưu tố mã” - làm việc cật lực. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trâu bò được coi là hình mẫu đức tính trong văn hóa Trung Quốc vì tính trung thực và chăm chỉ. Ở Singapore vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, xe trâu bò kéo thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Phố Tàu của Singapore trong tiếng Hoa gọi là Ngưu Xa Thủy, và tên của một con đường ở đây bằng tiếng Mã Lai là Kreta Ayer nghĩa là xe chở nước.
Tết Tân Sửu là cái tết con trâu thứ 2 của tôi nơi đất khách quê người và như vậy tôi đã có mặt ở đảo Sư tử tròn 2 con giáp - 24 năm. Năm đầu tiên tôi đến Singapore lập nghiệp là giữa năm Đinh Sửu 1997, khi đang diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Kỷ Sửu 2009 là năm thế giới cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giờ đây, Tân Sửu 2021 đã tống khứ năm con chuột Canh Tý, một năm đầy nghiệt ngã với hàng triệu sinh mạng và công ăn việc làm do Covid-19. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia phong thủy, Tân Sửu là năm của con Trâu Sắt - Thiết Ngưu và sẽ không có những sự kiện bùng nổ hay tai họa và mở đường cho một năm thuận lợi cho việc khôi phục hoặc củng cố kinh tế và đầu tư dài hạn.
Thật vậy, ngay cả người đứng đầu chính phủ Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long, cũng tỏ ra tràn trề hy vọng trong năm Sửu. Phát biểu với báo giới khi đến thăm hỏi và chúc tết bác sĩ, y tá và nhân viên Bệnh viện Đa khoa Changi, ông Lý cho biết phần lớn nền kinh tế Singapore sẽ có thể phục hồi trong năm nay sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự phục hồi như vậy sẽ không đồng đều và ông cảnh báo các lĩnh vực như du lịch, vận tải, hàng không và xây dựng sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Ông nói: “Chúng tôi đang mong đợi một số lĩnh vực sẽ phục hồi trong năm nay. Năm ngoái âm 5-6% nhưng năm nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại. Năm Sửu sẽ tốt hơn năm Tý về mặt kinh tế".
Tuy nhiên, theo ông Lý, dù Singapore có khả năng hoạt động tốt hơn nhưng không thể đảm bảo đạt được mức kinh tế như 2019, năm trước khi đại dịch xảy ra. Ngoài ra, sự phục hồi của Singapore phụ thuộc vào tiến độ tiêm chủng cho người dân cũng như tiến độ tiêm chủng của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Thách thức của Singapore sẽ là các ngành vận tải, du lịch và hàng không đang bị tàn phá bởi sự gián đoạn liên quan đến coronavirus và sự sụt giảm du lịch quốc tế, sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Người dân đảo Sư tử đã ăn cái tết lặng lẽ nhất từ trước đến nay, khi việc giữ an toàn cho mọi người là ưu tiên hàng đầu, với các biện pháp được thắt chặt và chỉ cho phép mỗi gia đình tiếp nhận nhiều nhất 8 khách đến nhà mỗi ngày. Tuy nhiên, người Singapore có thể lạc quan khi chính phủ đã lên kế hoạch và cam kết hoàn thành việc tiêm chủng ngừa Covid-19 vào cuối quý III hay trễ nhất là cuối năm nay. Trước mắt, tất cả nhân viên trong ngành hàng không đã tiêm chủng xong. Chuyến bay đầu tiên của Singapore Airlines với nhân viên phi công và tiếp viên được tiêm vaccine đầy đủ đã rời sân bay Changi vào sáng 30 Tết (11-2), đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng và khích lệ tinh thần người dân.
Nghỉ tết Âm lịch 2 ngày, chính phủ Singapore đã nhanh chóng vào việc khi tung ra kế hoạch ngân sách có sự cân đối chặt chẽ giữa trợ giúp ngay lập tức các lĩnh vực đang gặp khó khăn và các chương trình đầu tư vào tương lai dài hạn. Đây là ngân sách đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của chính phủ và lên đến 107 tỷ SGD (80,6 tỷ USD), trong đó có gói khả năng phục hồi Covid-19 trị giá 11 tỷ USD. Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp cần giúp đỡ, cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những ai đi tìm việc cũng được giúp đỡ với 5,4 tỷ USD được dành cho việc đầu tư mới vào gói kỹ năng và việc làm. Ngân sách cũng sẽ hỗ trợ việc tuyển dụng 200.000 người dân địa phương và cung cấp tới 35.000 cơ hội học tập và đào tạo trong năm nay. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ phân bổ 24 tỷ USD trong 3 năm tới để giúp các công ty và người lao động của Singapore vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng.
Theo các nhà quan sát, ngân sách này nằm trong khuôn khổ của ngân sách được thông qua vào năm ngoái để đối phó với mối đe dọa từ Covid-19, nhưng cũng bao gồm các kế hoạch và khả năng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của Singapore hậu đại dịch. Đương nhiên, khả năng phục hồi kinh tế của Singapore còn tùy thuộc vào nhiều diễn biến tại các nước trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Thế nhưng Singapore vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mới để tiếp tục thay đổi cơ cấu, chuyển đổi và vươn lên mạnh mẽ hơn.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, các khoản đầu tư của chính phủ nhằm trang bị cho người dân để nắm bắt cơ hội và giúp doanh nghiệp đổi mới, chính là điểm khác biệt với các nước khác. Ông nói trước quốc hội Singapore: “Singapore phải luôn suy nghĩ về tương lai, ngay cả khi chúng ta đáp ứng nhanh chóng nhu cầu hiện tại. Đây là cách chúng ta trở nên khác biệt và luôn khác biệt là cách chúng ta tồn tại”.
Singapore, ngày 19-2-2021
Singapore, ngày 19-2-2021