Lạc quan trên bề nổi

Báo cáo khả quan

(ĐTTCO) - Số liệu kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm từ một số NH công bố cho thấy rất khả quan. Trong đó đáng chú ý nhất là lợi nhuận của Vietcombank tăng trưởng vượt kỳ vọng. Liệu đây có phải là tín hiệu tích cực đối với hệ thống NH?

Báo cáo khả quan

Tính đến 30-6-2016, huy động vốn của Vietcombank đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72% so với 2015, đạt 93% kế hoạch của năm. Tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng của ngành NH và cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt 437.580 tỷ đồng, tăng 10,76% so với cuối năm 2015, tương đương 95% kế hoạch của năm. Như vậy, chỉ mới nửa năm Vietcombank đã gần hoàn thành 2 chỉ tiêu khá cơ bản là tăng trưởng tín dụng và huy động vốn. Một điểm rất tích cực khác của Vietcombank là lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm. Ngoài nhờ tăng trưởng tín dụng vượt dự kiến, Vietcombank còn có một khoản lợi nhuận bất ngờ từ việc xử lý 2.411 tỷ đồng nợ xấu. Hiện nay Vietcombank được xem là NH tăng trưởng về nhiều mặt, trong đó doanh số thanh toán quốc tế-tài trợ thương mại đạt 24,8 tỷ USD, tăng 8,34% so với cùng kỳ, tiếp tục dẫn đầu về thị phần kinh doanh và dịch vụ ngoại tệ.  

2016 có thể xem là năm tích cực đối với hệ thống NH nói chung, nhưng đã có sự phân hóa. Vietcombank có bước bứt phá ngoạn mục, một số NHTMCP khác dường như vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Trong khi đó, 2 ông lớn BIDV và VietinBank phải chịu áp lực tăng vốn, lợi nhuận có thể kém khả quan nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính tới đây.

Tuy nhiên, theo các báo cáo chính thức nợ xấu của Vietcombank cũng cao hơn khá nhiều so với 2 NH có nguồn gốc nhà nước đang niêm yết hiện nay là BIDV và VietinBank. Đây là điều khá nghịch lý khi Vietcombank luôn được đánh giá có chất lượng tín dụng cao hơn, ít rủi ro hơn… Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng có thể nợ xấu của Vietcombank “thực hơn”. Có lẽ vì vậy giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường chứng khoán luôn cao vượt trội so với các NH khác với 54.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3 lần cổ phiếu VietinBank, BIDV, ACB. Vốn hóa thị trường của Vietcombank cũng gấp đôi so với BIDV, VietinBank.

 Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay VietinBank mới là NH dẫn đầu về lợi nhuận. Trong nửa đầu năm 2016, VietinBank đạt 4.273 tỷ đồng lợi nhuận tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu khác cũng khả quan như tổng nguồn vốn đạt 780.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 729.000 tỷ đồng, tăng 7,7%. Các chỉ số tăng trưởng của VietinBank được cho là cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng bình quân toàn ngành. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết chất lượng tín dụng của VietinBank luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu nhóm 2 ở mức thấp nhất toàn ngành. Các chỉ tiêu khác được cải thiện như ROA đạt 1,1%, ROE đạt 11,5% (năm 2015 lần lượt là 1% và 10,3%).

Trong khi đó, BIDV tín dụng tăng trưởng tốt với khoảng 8-9%. Nhờ đó lợi nhuận của NH trong nửa đầu năm đạt 3.600 tỷ đồng. Bên cạnh BIDV, một NH mới thực hiện tái cấu trúc cũng cho kết quả rất tích cực là TPBank. Theo đó, huy động thị trường 1 từ các tổ chức và dân cư của TPBank tăng 7.400 tỷ đồng, tương đương 18,4% so với đầu năm. Hiện tổng tài sản của TPBank đạt hơn 83.200 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank cũng ở mức thấp với chỉ 0,56%. Nhìn chung dù chỉ một số NH hé lộ kết quả kinh doanh, nhưng con số ban đầu cho thấy tăng trưởng tín dụng ở nhiều NH đều đạt ở mức tốt. Phó tổng giám đốc một NH phía Nam cũng cho biết tăng trưởng tín dụng ở đơn vị ông đã cán room NHNN cho phép và có thể phải xin tăng thêm.

Đến thời điểm hiện nay VietinBank mới là NH dẫn đầu về lợi nhuận.

Đến thời điểm hiện nay VietinBank mới là NH dẫn đầu về lợi nhuận.

Phân hóa

Cả VietinBank, Vietcombank và BIDV đều là những NH có tăng trưởng tín dụng khả quan trong nửa đầu năm và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo giới phân tích, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy năm 2016 các NH có thể có một kết quả kinh doanh tích cực hơn. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, khoảng 80% lợi nhuận NH nhờ vào tín dụng nên khi tín dụng phục hồi lợi nhuận NH sẽ khả quan hơn. Trước đó, khảo sát do CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện cho biết 100% đại diện NH tỏ ra lạc quan với triển vọng tài chính của NH mình trong năm 2016, với 41,7% số NH đánh giá triển vọng rất khả quan và 58,3% đánh giá tương đối khả quan. Đồng thời, 91,7% đại diện các NHTM Việt Nam được hỏi cho rằng ngành NH năm 2016 sẽ tăng trưởng trên 10%, và chỉ 8,3% cho rằng ngành sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, dưới 10% trong năm nay.

Tuy nhiên xét trong tổng thể, các NH vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là trích lập dự phòng cũng như lợi nhuận phụ thuộc lớn vào tín dụng. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro chiếm khoảng 40% lợi nhuận của 9 NH niêm yết trong quý I-2016. Đơn vị này cũng cho rằng trong năm 2016 cũng như vài năm tới, phần thu nhập của các NH vẫn phải sử dụng cho việc đầu tư công nghệ, nhân lực, cũng như trích lập dự phòng. Do vậy, lợi nhuận của ngành NH nhìn chung chỉ có thể duy trì mức tăng trưởng ổn định so với các năm trước và khó có thể tăng trưởng đột biến trước năm 2019.

Kết quả kinh doanh của các NH công bố sớm rất tích cực, nhưng với nhiều NH còn lại có thể không tương tự. Trên thực tế, hiện nay nhiều lãnh đạo NH nhận định tình hình kinh tế vẫn còn không ít khó khăn và lợi nhuận sẽ không có nhiều đột biến do phải tiếp tục trích lập dự phòng. Hoặc trường hợp như Eximbank không chỉ đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm mà đang trong vòng xoáy của việc tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông. Hay như Sacombank đang phải phải vật lộn với đống nợ xấu sau khi sáp nhập SouthernBank. Đặc biệt đối với DongABank, sau khi bị kiểm soát đặc biệt NH này vẫn chưa thấy có một tương lai rõ ràng. 

Các tin khác