Nghịch lý này làm cho quy định về mở room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn các Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1-9-2015) bị vô hiệu hóa. Cơ hội được coi đã đến khi Luật Đầu tư, Luật DN đang được sửa đổi, bổ sung; còn Luật Chứng khoán đang xây dựng phiên bản mới. Do vậy, muốn thu hút vốn ngoại nhưng lại vẫn muốn kiểm soát, không để NĐTNN chi phối DN, là bài toán khó khi mọi thứ chưa rõ ràng.
Mở nhưng nhìn đâu cũng vướng
Trong 376 công ty niêm yết trên HOSE hiện chỉ 25 DN có tỷ lệ sở hữu nước ngoài 100%, 3 công ty mở room 51-70%, 317 công ty giữ nguyên tỷ lệ 49%, 8 công ty có room 30%, 23 công ty hạn chế sở hữu nước ngoài (dưới 49%).
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, trong tổng vốn hóa TTCK Việt Nam khoảng 145 tỷ USD, NĐTNN đang sở hữu 35 tỷ USD và giá trị nắm giữ tính theo room còn lại khoảng 18 tỷ USD. Trong đó, nhóm cổ phiếu Vingroup chiếm hơn 7 tỷ USD; 3 công ty Vinamilk, Novaland và PV Power khoảng 2 tỷ USD; còn lại 750 cổ phiếu khác chiếm 50% vốn NĐTNN, chia bình quân khoảng 10 triệu USD/công ty. Đây là con số quá nhỏ.
“NĐTNN muốn bỏ tiền vào Việt Nam rất khó, vì không có cổ phiếu, hàng hóa để họ đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về mặt định giá. Top 20 công ty trên sàn chứng khoán được định giá P/E khoảng 20 lần, các công ty còn lại khoảng 9,5 lần. Sự bất cân đối còn ở việc công ty đầu ngành tốt đã hết phần NĐTNN được mua và được định giá thấp” - ông Tuấn nói.
Về lý do DN ngại mở room lên tối đa, theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), Nghị định 60 đã tiến bước rất xa trong việc nới room cho NĐTNN, nhưng đến nay mới có hơn 50 công ty thực hiện nới room 100%. DN không mặn mà mở room do quy định của Luật Đầu tư, nếu DN nới room lên 51% họ sẽ bị đối xử như NĐTNN, tức bị hạn chế nhiều hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đối với NĐTNN hiện nay còn nhiều, khoảng trên 120 ngành có hạn chế với NĐTNN. Đồng thời, lĩnh vực DN hoạt động không có quy định tỷ lệ cụ thể NĐTNN nắm giữ, nhưng nằm trong lĩnh vực bị hạn chế, tỷ lệ nắm giữ của NĐTNN cũng bị giới hạn 49%. Vì thế, DN không vướng ngành nọ sẽ vướng ngành kia.
“Nếu rà soát, rút gọn lại những ngành nghề hạn chế tham gia của NĐTNN bởi các quy định chuyên ngành, sẽ hỗ trợ rất lớn cho NĐTNN tham gia TTCK, hỗ trợ việc nới room lên 100%” - bà Bình chia sẻ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc rà soát tất cả quy định có liên quan đang hạn chế NĐTNN là cần thiết. Tuy nhiên, sẽ mất khá nhiều thời gian và chưa biết được kết quả ra sao. Điều cần hiện nay là có công cụ đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước giới hạn sự chi phối của NĐTNN vào hoạt động kinh doanh của những lĩnh vực có điều kiện, nhưng vẫn tạo điều kiện cho DN huy động vốn sản xuất kinh doanh.
Cây “đũa thần” NVDR?
Cây “đũa thần” NVDR?
Điều cần hiện nay là có công cụ đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước giới hạn sự chi phối của NĐTNN vào hoạt động kinh doanh của những lĩnh vực có điều kiện, nhưng vẫn tạo điều kiện cho DN huy động vốn sản xuất kinh doanh. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM |
NVDR (viết tắt của Non-Voting Depositary Receipt), hay còn gọi là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Đây là loại chứng chỉ lưu ký đặc biệt, được phát hành bởi tổ chức thứ ba (công ty con của Sở GDCK). Tổ chức phát hành NVDR sẽ chuyển giao NĐT quyền lợi tài chính gắn liền với cổ phiếu, song khác với chứng chỉ lưu ký thông thường, người mua chứng chỉ không có quyền biểu quyết.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), sản phẩm NVDR không đụng đến Luật DN, vì nó không phải là cổ phiếu. NĐTNN không bị giới hạn việc mua loại chứng khoán này, đồng thời được nhận toàn bộ lợi ích kinh tế.
“Chúng ta muốn huy động vốn của DN trong nước nhưng lại giới hạn chi phối của một hoặc một nhóm NĐT, nên áp dụng theo cách lấy tổng số chứng chỉ lưu ký cộng với cổ phiếu họ nắm giữ để đưa ra giới hạn. Giải pháp NVDR là điều chúng tôi rất mong đợi vì có thể dùng luật hiện hành để giải quyết” - ông Giang phân tích.
Còn bà Tạ Thanh Bình cho rằng: “NVDR chỉ là giải pháp kỹ thuật thay thế trong trường hợp việc đưa ra giải pháp căn cơ khó khăn, phức tạp, chưa phải là giải pháp hoàn hảo, cần nghiên cứu kỹ, có sự điều chỉnh trước khi áp dụng”.
Theo ông Nguyễn Kiên, luật sư cao cấp của Dragon Capital, Việt Nam có thể áp dụng NVDR bằng cách cho NĐT sở hữu chứng chỉ này có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, cơ chế biểu quyết ra sao cần bàn thêm vì liên quan đến vấn đề kỹ thuật.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi mọi giới hạn trong vấn đề về sở hữu của NĐTNN còn, mọi giải pháp về nới room cho khối ngoại đều không hoàn hảo. Vấn đề là tìm ra giải pháp tối ưu, và quan trọng nhất là các cơ quan quản lý có quyết tâm cho ra đời sản phẩm này hay không.