Chỉ còn hơn tháng nữa đến hạn các NHTM phải giảm dư nợ phi sản xuất xuống 22% theo quy định của NHNN. Đây là thời điểm các NHTM đang chạy đua nước rút để kéo giảm tỷ lệ này xuống nếu không muốn đến tháng 6 bị NHNN áp dụng tỷ lệ dự bắt buộc gấp đôi. Vì thế đã diễn ra tình trạng lách giảm dư nợ phi sản xuất tại một số NH.
Tín dụng tăng trưởng chậm?
Theo số liệu của NHNN có khoảng 25 NHTM sẽ phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống theo quy định của NHNN. Nhưng khi được hỏi về tỷ lệ này các NHTM này đều cho biết tỷ lệ dư nợ phi sản xuất của đơn vị không cao. Lý giải điều này, một phó tổng giám đốc NH cổ phần cho biết năm ngoái muốn tăng dư nợ cho vay NH nào cũng cho vay bất động sản, vì vậy năm nay đều phải lo giảm tỷ lệ này xuống.
Đây là điều không dễ bởi hầu hết lĩnh vực cho vay phi sản xuất đều trung, dài hạn nên khó thu hồi trước nợ. Nhiều khách hàng khi bị NH đòi nợ đã chấp nhận chịu phạt vì biết nếu đáo hạn trả nợ sẽ không được vay lại. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, để kéo giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống các NHTM có thể tìm cách tăng dư nợ sản xuất lên để tỷ lệ dư nợ phi sản xuất tự động kéo xuống.
Tuy nhiên, hiện nay vướng quy định hạn mức tăng trưởng dư nợ không quá 20% nên giải pháp này cũng bị hạn chế phần nào.
![]() |
Giảm dư nợ phi sản xuất xuống 22% đang là thách thức đối với các NHTM. |
Năm nay hầu hết NHTM đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20% nhưng thực tế đang âm thầm thực hiện “chỉ tiêu” tăng 35-40%? Bởi lẽ chỉ có tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, các NHTM mới có cửa giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới mức quy định của NHNN.
Lãnh đạo một NH cổ phần tiết lộ, 4 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của NH ông đã đạt mức 20% và dự kiến cả năm khoảng 40%. Tuy nhiên, khác với trước đây dư nợ cho vay doanh nghiệp khoảng 40%, năm nay chiếm đến 70% chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Cho vay cá nhân cũng không còn cửa tăng ngoài lý do lãi suất cao còn do việc hạn chế cho vay vào lĩnh vực phi sản xuất như vay tiêu dùng.
“Ai cũng cho rằng lãi suất cao doanh nghiệp không dám vay và NH cũng không dám cho vay vì sợ rủi ro. Nhưng NH không cho vay thì làm sao có lợi nhuận. Các NHTM luôn đứng trước áp lực không thể giảm lợi nhuận nên dù ngại nhưng vẫn phải tăng trưởng tín dụng”- vị này nói.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tiền đồng cao doanh nghiệp ngại vay, nhiều NH khuyến khích khách hàng chuyển qua vay USD với lãi suất khá mềm, trên dưới 6%/năm. Dù Thông tư 07 hạn chế đối tượng vay USD và yêu cầu phải chứng minh nguồn USD trả nợ, các NHTM vẫn có thể ký với doanh nghiệp hợp đồng cam kết bán ngoại tệ để doanh nghiệp trả nợ.
Bù lại, doanh nghiệp phải ký lại với NH cam kết sẽ mua ngoại tệ của doanh nghiệp theo giá thỏa thuận (chênh lệch giá mua sẽ được các NHTM tính vào phí cho vay). Như vậy các NHTM ký cam kết mua ngoại tệ chứ không mua kỳ hạn (forward) vì chi phí cao và dự đoán sắp tới NHNN đang xem xét bỏ trần forward.
Chuyển nợ phi sản xuất
Ngoài giải pháp tăng dư nợ sản xuất để giảm tỷ lệ phi sản xuất, gần đây không ít NH bị vượt tỷ lệ dư nợ phi sản xuất đi đàm phán với các NH có tỷ lệ dư nợ phi sản xuất thấp để mua bán nợ có kỳ hạn. Thí dụ NH A bán 500 tỷ đồng dư nợ phi sản xuất cho NH B với kỳ hạn 6-8 tháng. Sau 6-8 tháng NH A mua lại khoản nợ đó cộng với khoản phí trả cho NH B. Hình thức này tương tự như repo có kỳ hạn đối với lĩnh vực bất động sản trước đây một số NH đã làm.
Bên cạnh đó, các NHTM còn đàm phán với khách hàng là doanh nghiệp theo hình thức vay sản xuất kinh doanh, nhưng sau đó thông qua hợp tác đầu tư để doanh nghiệp đổ vốn vào các dự án bất động sản - những dự án NH đang giải ngân bị tạm dừng do quy định hạn chế cho vay phi sản xuất.
Trong khi đó một số NHTM thừa “room” cho vay dư nợ phi sản xuất lại ưu tiên dành cho những dự án hay những mối quan hệ của NH mình hơn là hợp tác chia sẻ với NH khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều NHTM gây áp lực buộc khách hàng phải giải chấp bán tài sản, cổ phiếu để thanh lý nợ.
Nhìn ở khía cạnh khác, cái khó của NH này lại là cơ hội của NH khác. Một số NH cho biết khi giải ngân cho vay tiếp ở lĩnh vực phi sản xuất, nhiều NHTM có dư địa cho vay phi sản xuất còn rộng đưa ra điều kiện có lợi cho mình thông qua việc hợp tác đầu tư hoặc mua lại những dự án giá rẻ có tiềm năng.
Do thiếu vốn các doanh nghiệp phải chấp nhận để các NH “bóp cổ”. Cuối tuần qua, NHNN đã có công văn nhắc nhở một số TCTD và chi nhánh NH nước ngoài xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011 trên 20%, tốc độ và tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất cao hơn năm 2010. Thống đốc NHNN yêu cầu xử lý nghiêm nếu vi phạm quy định kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2011.
Điều này cho thấy NHNN vẫn cương quyết giữ vững quan điểm hạn chế cho vay phi sản xuất cũng như kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nắm giữ tổng tài sản hàng ngàn tỷ đồng trước áp lực bảo toàn và sinh lợi các NHTM phải tìm cửa lách.
Thí dụ, để không vi phạm tốc độ tăng trưởng tín dụng quá 20%, nhiều NH mua trái phiếu của doanh nghiệp (lãi suất cố định 23-24%/năm) thông qua công ty con của mình như công ty đầu tư tài chính, công ty quản lỹ, công ty chứng khoán…
Việc này cũng nhằm lách quy định mới của NHNN về việc trái phiếu cũng được tính vào dư nợ.