Gần đây nhiều quan điểm cho rằng thị trường liên NH (thị trường 2) - nơi giao dịch vốn giữa các NHTM - đang bị siết lại khi Thông tư 21 quy định hoạt động cho vay, đi vay và mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các NHTM có hiệu lực từ ngày 1-9. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế vẫn còn cửa lách cho các NHTM khi giao dịch trên thị trường liên NH.
Cấm gửi chuyển sang mua bán
Theo quy định của Thông tư 21, các NHTM không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại NH khác, trên thị trường 2 mà chỉ được thực hiện giao dịch cho vay với kỳ hạn ngắn dưới 1 năm, loại bỏ cho vay NH trung, dài hạn. Khi giao dịch cho vay buộc các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro tương tự như các khoản cho vay thông thường.
Với các NHTM muốn vay buộc phải trả hết nợ cũ và thời hạn quá hạn trả nợ cho phép tối đa chỉ 10 ngày. Những điều này buộc các NHTM sẽ phải cẩn trọng hơn khi cho vay trên thị trường 2 để hạn chế nợ xấu. Nhưng theo nhiều chuyên gia, để lách Thông tư 21, các NHTM chỉ làm động tác thay đổi hợp đồng tiền gửi thành hợp đồng tiền vay và điều này không quá phức tạp.
Còn để tránh phải trích lập dự phòng cao cho khoản vay trên thị trường 2, các NHTM sẽ chủ yếu cho vay kỳ hạn ngắn, đến hạn có thể đáo hạn cho vay lại, nhằm tránh khoản vay bị quá hạn rơi vào nợ xấu.
Giao dịch tại NH. Ảnh: CAO THĂNG |
Đã là khoản vay thì ở nhóm nợ nào cũng phải tốn chi phí dự phòng, riêng với nợ xấu phải trích dự phòng 100%. Để lách quy định này, các NHTM có thể thỏa thuận vay vốn lẫn nhau để đáo hạn khoản nợ cũ trước ngày quá hạn thứ 10, hoặc có thể chuyển từ giao dịch tiền vay sang giao dịch mua bán ngoại tệ.
Thí dụ, NH A có nhu cầu vay vốn 20 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng tại NH B, NH B sẽ làm hợp đồng bán giao ngay 20 triệu USD cho NH A, đồng thời NH B cũng làm hợp đồng mua lại ngoại tệ kỳ hạn 1 tháng với NH A. Tức NH B sẽ đưa USD nhận VNĐ, tháng sau đưa VNĐ nhận USD. Chênh lệch tỷ giá giữa hợp đồng mua ngoại tệ giao ngay và bán ngoại tệ có kỳ hạn bằng tiền lãi vay mà NH B nhận được từ NH A.
Vì đây là hợp đồng mua bán ngoại hối, nên các NHTM không phải trích lập dự phòng, nhưng để lách cách này đòi hỏi các NHTM phải có ngoại tệ và thường chỉ có những NH có thế mạnh trong kinh doanh ngoại hối mới làm cách này.
Ngoài những “thủ thuật” lách trên, còn một số nghiệp vụ giao dịch giữa các NHTM không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 21. Cụ thể, việc gửi tiền thanh toán và thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán giữa các NHTM. Hoặc trường hợp NHTM phát hành xác nhận bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng cho NH khác, khi phải ghi nợ bắt buộc cho NH này số tiền đã trả thay vì khoản nợ bắt buộc đó không được coi là khoản nợ liên NH. Tuy nhiên, theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, nghiệp vụ thấu chi thường chỉ dùng cho thẻ với số vốn thấu chi thấp, nên ít NH sử dụng nghiệp vụ này.
Quan trọng là giám sát vốn sở hữu chéo
Hiện nay vẫn có “cửa mở” cho các NHTM trong giao dịch liên NH. Cụ thể, các NHTM có thể tài trợ vốn cho công ty “sân sau” của mình với lãi suất ưu đãi. Công ty sân sau sẽ dùng vốn đó gửi qua NH khác đang cần hút vốn qua lãi suất cao nhằm giải quyết thanh khoản.
Ngoài ra, các NHTM còn phổ biến ủy thác vốn cho cán bộ nhân viên đi gửi tiền ở NH có lãi suất huy động cao. Theo một lãnh đạo NHTM, trước đây NH nào cũng làm nghiệp vụ này. Thí dụ, giai đoạn lãi suất huy động lên đến 18-19%/năm, đã có tình trạng NH A vay vốn NH B trên thị trường 2, rồi ủy thác vốn này cho cá nhân để gửi tiền NH khác trên thị trường dân cư nhằm kiếm lãi suất cao.
Có thể thấy, trước đây thị trường 2 là mảnh đất màu mỡ của các NH thừa vốn, là nơi các NHTM lớn “bóp” các NHTM nhỏ, yếu thanh khoản thông qua cho vay lãi suất nóng có lúc lên đến 25%/năm. Nhưng, từ đầu năm đến nay, lãi suất liên NH đã xuống thấp hơn lãi suất tiền gửi, quy mô giao dịch cũng giảm đi gần một nữa. Nếu trước đây, các NHTM có thể vay nhau trên liên NH kỳ hạn dài để thực hiện cho các mục đích đầu tư, cho vay bổ sung tăng vốn điều lệ hay gia tăng mức độ sở hữu chéo, thì nay Thông tư 21 đã siết lại việc vay liên NH, chỉ giải quyết thanh khoản khi kỳ hạn vay không quá 1 năm.
Theo một chuyên gia NH, việc siết lại thị trường 2 theo Thông tư 21 sẽ giúp giám sát được dòng vốn NH, hạn chế được tình trạng sở hữu chéo của các NHTM. Tuy nhiên, nếu tình trạng sở hữu chéo vẫn tồn tại, sẽ khó giám sát dòng chảy vốn liên NH.