Tuần rồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu buộc phải lên tiếng phát ngôn chính thức, về chính sách tiền tệ của NHNN sau khi có quá nhiều thông tin không chính xác liên quan đến lãi suất hay thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Từ đầu tháng 5-2011, xuất hiện thông tin NHNN đang cân nhắc phương án áp dụng trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động. Bên cạnh đó là thông tin chuẩn bị tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VNĐ; thanh khoản một số ngân hàng có vấn đề khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng đột biến trong một số thời điểm.
Trả lời phỏng vấn báo chí (Báo SGGP số ra ngày 27-5-2011), Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định NHNN không có các chủ trương trên. Người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia đã đưa ra nhiều số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2011, để khẳng định rằng các chính sách tiền tệ đang được điều hành đúng hướng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đã nêu trong Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Vậy mà trong bối cảnh đó, vẫn có một số người thông tin cho báo chí (dù không công khai) về những “chủ trương mới” của NHNN về chính sách tiền tệ. Ông Giàu khẳng định NHNN không hề có chủ trương “lập trần lãi suất cho vay”, bởi đây là giải pháp không khả thi, tuy dễ thực hiện nhưng có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm như: tiêu cực cán bộ, hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng đột biến trên thị trường liên ngân hàng ở thời điểm NHNN đang đẩy mạnh cung ứng tiền ra (thời điểm NHNN đang mua USD, có ngày lên đến trên 200 triệu USD) cho thấy những diễn biến bất thường.
Trao đổi với ĐTTC, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Tôi chưa bao giờ cho phép ai ở NHNN công bố chủ trương nào đó về lãi suất để gây hoang mang thị trường. Và nếu ai nói điều đó phải chịu trách nhiệm cá nhân, không phải là chủ trương của NHNN”.
Qua đây có thể thấy vấn đề phát ngôn chính sách hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề này năm ngoái ĐTTC đã từng đề cập, trở thành nguồn thông tin đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Mai chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Trước đó, đầu tháng 11-2010, ông Lê Đức Thúy (thời điểm đó là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) đã thông tin với báo chí rằng: “Chính phủ sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay (4-11-2010) cho đến Tết Nguyên đán”.
Việc ông Thúy phát ngôn thay cho Thống đốc NHNN về chính sách ngoại hối khiến nhiều người bức xúc, nhưng hậu quả xấu hơn là chính phát ngôn đó đã khiến tỷ giá liên tục tăng cao trong giai đoạn sau, bởi tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá “sau Tết Nguyên đán” đã khiến một bộ phận doanh nghiệp, người dân găm giữ ngoại tệ. Chỉ đến sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, thành công của một loạt chính sách giảm tổng cầu làm tỷ giá hạ nhiệt và thị trường ngoại hối đi vào ổn định.
Trong bối cảnh Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang đồng lòng, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc phát ngôn về chính sách càng cần được đề cao tính chính xác và chính thống.
Thực tế cho thấy, dù các giải pháp về thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng, nhưng chỉ cần một phát ngôn sai lệch về chính sách có thể dẫn đến những tác động tâm lý rất xấu.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trước thềm Hội nghị CG giữa kỳ được tổ chức ở Hà Nội cuối tuần trước, dù đồng thuận và chia sẻ với các giải pháp của Chính phủ, nhưng đại diện cộng đồng doanh nghiệp vẫn bày tỏ mong muốn được thấy những thông điệp rõ ràng, nhất quán về chính sách.
Câu chuyện về “trần lãi suất cho vay” hay “tăng dự trữ bắt buộc” khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang khi tính toán các kế hoạch tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng: “Giới doanh nghiệp mong những hy sinh trong giai đoạn ngắn hạn sẽ được đền đáp bằng một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong thời gian tới”.
Nếu vẫn để xảy ra tình trạng nhiễu phát ngôn chính sách như hiện nay, liệu niềm tin của giới doanh nghiệp vào các giải pháp ổn định vĩ mô có bị lung lay? Câu trả lời phụ thuộc vào việc có thực hiện nghiêm túc nhóm giải pháp thứ 6 trong Nghị quyết 11 của Chính phủ (nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền).