Hai tuần trở lại đây, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn. Lý do là tín dụng tăng chậm khiến thanh khoản dồi dào. Đây cũng cũng là yếu tố “kích thích” lãi suất cho vay giảm thêm.
Theo ghi nhận của phóng vên VOV.VN, từ đầu tháng 6, 4 “ông lớn” ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là VietinBank, Agribank, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, VietinBank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 - 0,45 điểm % so với tháng 5/2020. Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn trong khoảng từ 0,1 - 0,45%/năm. Biểu lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này nằm trong khoảng 4% - 6,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Tương tự, Vietcombank cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm…
Theo xu hướng này, các ngân hàng thương mại tầm trung cũng “đua” nhau giảm lãi suất huy động. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt giảm nhẹ lãi suất huy động tiền đồng 0,05 - 0,1%/năm; Techcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng 0,1%/năm, còn 5,2%/năm...
Dự báo, thời gian tới, các ngân hàng thương mại có thể giảm tiếp từ 0,1 - 0,3% lãi suất các kỳ hạn.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích, lãi suất huy động có xu hướng giảm sau khi NHNN cắt giảm các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,25%. Cùng với đó, trên thị trường mở, NHNN liên tục bơm ròng ra thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Thanh khoản dồi dào cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm ngân hàng tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất.
Thời gian vừa qua, các ngân hàng tại Việt Nam có giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn còn cao, đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ phải vay kỳ dài hạn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, trước thực trạng như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay phải làm sao giảm thêm lãi suất để đồng hành cùng doanh nghiệp. Muốn vậy, điều đầu tiên phải làm là tìm cách giảm lạm phát. Lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao, muốn giảm lãi suất thì lạm phát phải giảm sâu ít nhất 2% nữa. Cùng với đó, ngân hàng Nhà nước cần dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm lãi suất điều hành, tăng cung tiền. Với những biện pháp như vậy, thời gian tới lãi suất mới có thể giảm sâu hơn nữa.
“Các doanh nghiệp rất cần lãi suất giảm thêm và nhu cầu về tín dụng đang đi xuống. Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ tìm cách đẩy lãi suất huy động xuống để huy động tiền gửi. Để trợ giúp doanh nghiệp một cách hiệu quả thì phải giảm lãi suất từ 0,5 % xuống còn 0,25 %”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Một số chuyên gia khác phân tích, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động đều giảm, điều này cho thấy, các ngân hàng thương mại đang dồi dào nguồn tiền.
Theo NHNN, đến cuối tháng 5 vừa qua, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,96% so với cuối năm 2019, tăng 1,42% so với cuối tháng 4. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã tốt lên, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng của cùng kỳ năm trước từ 5,8 - 7%.
Các ngân hàng thương mại kỳ vọng, đợt giảm lãi suất huy động này sẽ là cơ sở để các đơn vị điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới nhằm tăng mạnh dư nợ tín dụng, kích thích kinh tế tăng trưởng.