Lãi suất cho vay có thực giảm?

Tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NHNN cho rằng lãi suất của các khoản cho vay cũ giảm mạnh làm giảm áp lực chi phí vay vốn, qua đó hỗ trợ tăng tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số NHTMCP trên địa bàn TPHCM lãi suất cho vay nhiều khoản vay cũ vẫn trên 15-16%/năm.

Tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NHNN cho rằng lãi suất của các khoản cho vay cũ giảm mạnh làm giảm áp lực chi phí vay vốn, qua đó hỗ trợ tăng tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số NHTMCP trên địa bàn TPHCM lãi suất cho vay nhiều khoản vay cũ vẫn trên 15-16%/năm.

Theo NHNN, tính đến ngày 23-5-2013, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm còn 12,2%, giảm mạnh từ mức 65,8% vào thời điểm trước 15-7-2012. Lãi suất các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh và sẽ tiếp tục giảm theo cam kết của 4 NHTM nhà nước về mức tối đa 13%/năm.

Điều này sẽ giảm áp lực chi phí vay vốn của doanh nghiệp, người dân, qua đó hỗ trợ tăng tổng cầu nền kinh tế. Ngoài ra, đến cuối tháng 5 mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 2-4%/năm so với đầu năm 2013. Lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm mạnh về mức của giai đoạn 2005-2006 và thấp hơn năm 2007 là điều kiện tốt để doanh nghiệp tiếp cận vốn NH.

Theo một tổng giám đốc NHTMCP lớn tại TPHCM, năm nay NH của ông được cho “room” tín dụng 12%, trong 5 tháng đầu năm đã phát triển gần 5%. Nói là 5% nhưng số tuyệt đối vẫn khá khiêm tốn so với 1% của NHTM nhà nước.

Trong đó, xu thế chung phải giảm lãi suất cho vay để vừa đáp ứng yêu cầu của NHNN, vừa làm hài lòng khách hàng. Nhưng việc giảm lãi suất ở các NH không giống nhau, trong đó có NH phân loại từng nhóm khách hàng dựa trên quy mô, quan hệ, uy tín và mỗi khách hàng có mức lãi suất khác nhau.

“Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay của NH chúng tôi đối với doanh nghiệp khoảng 10,5-11,5%/năm; đối với các khoản tái cơ cấu lãi suất cao hơn từ 12-13%/năm. Riêng tỷ trọng dư nợ lãi suất trên 15%/năm vẫn còn trên 5%/tổng dư nợ” - vị lãnh đạo này cho biết.

Hiện nay áp lực giảm lãi suất cho vay diễn ra mạnh mẽ ở khối khách hàng doanh nghiệp. Bởi lẽ các NHTM nhà nước bơm vốn lãi suất khá rẻ đối với khách hàng này, nhiều NHTM nhà nước đưa lãi suất cho vay còn 6-7%/năm. Do vậy, doanh nghiệp tốt thường chỉ vay NHTM nhà nước. Để giữ chân khách hàng, các NHTMCP cũng phải giảm lãi suất theo nên biên lợi nhuận cho vay doanh nghiệp rất thấp.

Khó kiếm lợi nhuận ở mảng khách hàng doanh nghiệp, hiện các NHTMCP đẩy mạnh tín dụng vào mảng khách hàng cá nhân, trong đó cho vay tiêu dùng mua nhà, ô tô… Ở lĩnh vực khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay bình quân khoảng 11-13,5%/năm, thấp hơn nhiều so với trước đây khoảng 3-4%/năm, nhưng so với trần lãi suất huy động 7,5%/năm, các NHTM vẫn có biên lợi nhuận lớn.

Giải thích về lý do chưa thể hạ lãi suất nhanh các khoản vay cũ, các NHTM cho rằng do gánh nặng số dư huy động lãi suất cao vẫn còn, nhất là số dư tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng. Chưa kể, nhiều khoản tín dụng có nợ xấu, khi cơ cấu lại nợ các NHTM vẫn áp dụng lãi suất cao để bù vào chi phí nợ xấu và các hoạt động chạy thanh khoản khi khách hàng tiền gửi có nhu cầu rút vốn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, thực tế biên lợi nhuận của các NHTM không giảm quá mạnh ở mảng tín dụng, bởi họ vẫn còn neo lãi suất cho vay trên 15%/năm. Còn các NHTM nhà nước dù giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 13%/năm, nhưng nếu so với trần lãi suất huy động 7,5%/năm, các NHTM có biên lợi nhuận ít nhất cũng 3-4%/năm.

Hơn nữa, gần đây cơ cấu tiền gửi kỳ hạn dài tăng so với trước, nhưng bình quân số dư tiền gửi kỳ hạn ngắn 3-6 tháng vẫn là chủ yếu. Trong đó 80% các khoản tiền gửi của người dân rơi vào kỳ hạn dưới 3 tháng. Nhiều NHTM dự đoán lãi suất theo xu hướng giảm nên áp lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài không cao. Do vậy, giá vốn thực tế của các NHTM cũng đã giảm mạnh theo xu thế thị trường.

Các tin khác